Sự nhạy cảm ở vùng đỉnh vẫn còn nguyên sau khi thị trường mới chỉ có một phiên được xoa dịu tâm lý. Đến phiên hôm nay, chỉ số mất hơn 20 điểm đi kèm với quy mô giao dịch lớn nhất kể từ tháng 8/2023.
Định vị thị trường
Thông điệp tích cực của từ Chủ tịch FED Jerome Powell đem đến sắc xanh cho hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á ngoại trừ Việt Nam. Các chỉ số KOSPI (+1,24%), TWSE (+0,47%), SZI (+1,1%), HSI (+0,92%), NIKKEI 225 (+0,23%), KLSE (+0,22%), SET (+0,82%) đều tăng điểm khi ông Jerome Powell cho biết có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian không xa khi xuất hiện các tín hiệu lạm phát hỗ trợ sự nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, VN-Index lại không hòa nhập với chứng khoán thế giới.
Vận động thị trường
Giá trị giao dịch của HOSE phiên hôm nay nhảy lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, đạt tới hơn 32.500 tỷ đồng. Cùng với đó là lực bán ra khá lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, đạt 667 tỷ đồng trong đó VNM (-126 tỷ đồng), VPB (-106 tỷ đồng), KBC (-80,5 tỷ đồng) đứng đầu.
Dù vậy, tính theo tỷ trọng đóng góp 2 chiều giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 6,5% trên HOSE.
Với giá trị giao dịch cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây, việc thị trường giảm tới hơn 20 điểm sẽ khiến nhà đầu tư còn phải thận trọng hơn so với những phiên rung lắc trong nhịp đi lên vừa qua thị trường.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng ghi nhận việc tạm thời gãy xu hướng tăng ngắn hạn ở một loạt mã như BID (-4,1%), MBB (-3,3%), CTG (-3,6%), OCB (-2%), ACB (-1,6%), STB (-2,1%), MSB (-3,3%), VPB (-2,3%), EIB (-2,5%).
Trường hợp duy nhất tăng giá của nhóm 27 cổ phiếu ngân hàng là NAB (+6,3%) nhưng đây có thể chỉ là nỗ lực giữ giá trong ngày đầu tiên chào sàn HOSE.
Trong khi đó, các cổ phiếu lớn khác trong VN30 cũng không ghi nhận nỗ lực nào để triệt tiêu bớt áp lực từ ngân hàng. Các mã GAS (-1,1%), SAB (-1%), FPT (-1,2%), POW (-1,3%), VHM (-1,5%), PLX (-1,9%), VIC (-1,8%), VRE (-2,3%) đều giảm giá. Tính chung cả rổ VN30 chỉ có đúng 1 mã tăng là BCM (+0,4%) trong khi có tới 29 mã giảm.
Sắc đỏ lấn lướt trên toàn HOSE với 74% mã giảm giá. Ngoài ngân hàng, các nhóm thép, chứng khoán, bất động sản, đầu tư công, hóa chất cũng đều phản ứng với nhiều mã mất giá trên 2% như HSG (-2%), HCM (-2,41%), VCI (-2,74%), SSI (-2,4%), NLG (-2,33%), PDR (-2,27%), NVL (-2,37%), LCG (-2,58%)…
Sắc xanh chỉ ở lại với nhóm cổ phiếu thiểu số như DGW (+3,97%), DCM (+3,16%), HDG (+2,82%), IJC (+2,67%) nhưng nhà đầu tư cũng rất khó an tâm bởi mức giá đóng cửa chưa phải là trạng thái tốt nhất ghi nhận trong phiên giao dịch.
Tâm lý thị trường do vậy vẫn rất cần phải thể hiện sự ổn định trong tuần giao dịch tới. VN-Index với phiên giảm 21,11 điểm (-1,66%) đã mất chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. Tính chung cả tuần, chỉ số giảm 0,87%.
Trong khi đó, HNX-Index (-0,44%) và UPCoM-Index (-0,41%) có phiên giảm nhẹ hơn. Tính chung cả tuần, HNX-Index giảm 0,05% còn UPCoM-Index vẫn tăng 0,08%.