(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngoài Nghị quyết 42 đã giúp các ngân hàng xử lý ‘cục máu đông’ nợ xấu hiệu quả trong những năm qua thì các ngân hàng vẫn có thể áp dụng một số biện pháp xử lý nợ khác như khởi kiện ra tòa án, bán nợ cho VAMC,… cũng mang lại hiệu qủa nhất định.
Kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) ra đời ngày 15/8/2017 đến nay đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu; tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tính đến cuối tháng 8/2021, tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 424,1 nghìn tỷ đồng, trong đó đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, theo nhiều ngân hàng, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn gặp phải một số khó khăn như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm...
Đơn cử trường hợp khách hàng H.V.S tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2016 ông S thế chấp 2ha đất tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) để vay vốn. Đến ngày đáo hạn năm 2019, công ty của ông S. mất khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng và cũng không thiện chí trả nợ, không tự nguyện bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý. Do đó, ngân hàng buộc phải tiến hành biện pháp thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, trước khi tiến hành thu giữ tài sản, ngân hàng cần phải hoàn thiện các thủ tục như: Gửi Thông báo thu giữ đến các cơ quan theo quy định; Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử và phải được thông báo chậm nhất là 15 ngày (tại Khoản 3 Điều 7 của NQ 42) trước khi tiến hành thu giữ. Cùng với đó là gửi phương án thu giữ tài sản theo yêu cầu của một số cơ quan nhà nước tại địa phương có tài sản thu giữ.
Thủ tục, quy trình như thế tuy nhiên ngân hàng chưa thể triển khai xử lý tài sản bởi sự phối hợp chưa hiệu quả, thậm chí là ‘thờ ơ’ của các đơn vị liên quan. Một số đơn vị, địa phương cho rằng ‘chưa nhận được thông báo’ của ngân hàng hoặc 'chưa được tập huấn' về vấn đề thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42 (tất nhiên vẫn có nhiều đơn vị, địa phương phối hợp hỗ trợ hiệu quả cho ngân hàng).
Theo khoản 5 Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định: Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.
Như vậy, việc thu giữ tài sản cần có sự phối hợp hiệu quả, tích cực của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, để ngân hàng có thể đưa tài sản ra bán đấu giá.
Là người nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xử lý nợ xấu, ông N.T.L (TP.HCM) cho rằng, ngoài Nghị quyết 42 thì các tổ chức tín dụng vẫn có thể xử lý tài sản dựa trên các văn bản pháp luật, các hợp đồng ký kết giữa các bên, đơn cử như: Bộ luật Dân sự , Nghị định 21, Nghị định 163 (đã hết hiệu lực nhưng một số khoản nợ phát sinh trước ngày hiệu lực của Nghị định vẫn được chuyển tiếp), hợp đồng thế chấp tài sản,…và các văn bản khác hoặc trong trường hợp sau khi ngân hàng đôn đốc, vận động mà khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản thì ngân hàng vẫn có thể tiến hành bán tài sản thu hồi nợ. Bên cạnh phương án thu giữ và bán đấu giá tài sản thì ngân hàng vẫn có một số biện pháp xử lý nợ khác như khởi kiện ra tòa án, bán nợ cho VAMC,…cũng mang lại hiệu quả. Tất nhiên, không thể phủ nhận sức mạnh xử lý nợ của Nghị Quyết 42 đã ‘công phá cục máu đông’ trong những năm qua.
Để các tổ chức tín dụng tiếp tục xử lý nợ xấu (xử lý tài sản thế chấp) được nhanh chóng và thuận lợi nhằm tái nguồn vốn hoạt động cho cho ngân hàng, cần lưu ý những điểm sau:
- Tăng cường phổ cập, tập huấn Nghị quyết 42 và các văn bản xử lý nợ khác được ban hành với sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính; Bộ Công an….. và chính quyền địa phương các cấp (nơi có tài sản bảo đảm).
- Phát huy mạnh mẻ hơn nữa vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trong việc xử lý tài sản đảm bảo, thu hút được nhà đầu tư tham gia mua lại các tài sản bảo đảm; truyền thông rộng rãi, cơ chế giao dịch tài sản tại sàn giao dịch VAMC để mở rộng về đối tượng tham gia; giảm bớt điều kiện, thủ tục, hồ sơ trong mua bán/chuyển nhượng...
- Chính quyền địa phương các cấp phối hợp, hỗ trợ hiệu quả các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm
- Xem xét cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua tài sản bảo đảm là bất động sản (nhà ở) với những điêu kiện, quy định phù hợp.
- Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.