Trong tiến trình phát triển của nền kinh tế hiện nay, bảo hiểm ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình đối với đời sống kinh tế xã hội. Vai trò quan trọng của bảo hiểm với tư cách là một loại hình dịch vụ tài chính và là một trong những cơ chế đảm bảo an sinh xã hội trong nền kinh tế quốc dân. Thực tế bảo hiểm đã trở thành tấm lá chắn hữu ích cho nền kinh tế xã hội trước những rủi ro bất ngờ xảy ra đối với các tổ chức cá nhân tham gia bảo hiểm.
Trong 5 năm qua (2019-2023), các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã thực hiện giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng tham gia bảo hiểm cho nhiều loại sản phẩm bảo hiểm khác nhau với tổng số tiền là 294.153 tỷ đồng (bao gồm bảo hiểm Phi nhân thọ là 108.139 tỷ đồng và bảo hiểm Nhân thọ là 186.014 tỷ đồng), qua đó kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm ổn định đời sống và tiếp tục phát triển kinh doanh. Để tiếp tục phát triển thị trường Bảo hiểm Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã được Quốc hội thông qua, tạo khung pháp lý cơ bản hoàn thiện, giúp hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển chất lượng hơn.
Phát huy vai trò bảo vệ và cam kết xã hội
Trong suốt quá trình phát triển, ngành bảo hiểm đã tích cực phát huy vai trò bảo vệ và cam kết trách nhiệm xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, bão lũ. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới, đường bờ biển dài, chạy dọc theo đất nước, Việt Nam thường xuyên đón nhận nhiều cơn bão hàng năm. Theo thống kê của Cục Khí tượng Thủy Văn, mỗi năm, thế giới có khoảng 80 - 100 cơn bão lớn, với khoảng 40% xảy ra ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Việt Nam chịu ảnh hưởng của khoảng 5 - 10 cơn bão mỗi năm. Các cơn bão này thường đổ bộ vào miền Trung và miền Bắc Việt Nam.
Trước những tổn thất to lớn của nền kinh tế nói chung và thiệt hại, mất mát của người dân nói riêng, thực tế đã cho thấy, bảo hiểm là công cụ bảo vệ tài chính, đóng góp nguồn lực đáng kể hỗ trợ công cuộc tái thiết sau thiên tai. Có thể điểm lại một số cơn bão lớn đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản tại nước ta như: Cơn bão số 9 (bão Ketsana) đổ bộ vào Việt Nam tháng 9/2009, gây thiệt hại vô cùng lớn đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Có tới hơn 21.600 ngôi nhà bị sập, trôi 258.260 bị hư hỏng, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông và nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đồng thời gây lũ lụt trên diện rộng, làm nhiều người thiệt mạng. Tổng thiệt hại ước tính do bão Ketsana lên tới trên 16.000 tỷ đồng. Trong đó các DNBH đã chi trả số tiền bồi thường bảo hiểm hơn 600 tỷ đồng.
Tiếp đó, đến năm 2013, cơn bão Wutip đã đổ bộ vào miền Trung Việt Nam, gây thiệt hại cho các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hỏng và hệ thống nông nghiệp bị tàn phá nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính do bão Wutip xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Các DNBH đã chi trả hơn 450 tỷ đồng để bồi thường cho các thiệt hại do bão cho khách hàng tham gia bảo hiểm.
Hay gần đây nhất là cơn bão số 12 (bão Damrey) - một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công khu vực Nam Trung Bộ và một phần Nam Tây Nguyên vào tháng 11/2017, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, và Bình Định. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 22.000 tỷ đồng. Các DNBH cũng đã chi trả bồi thường khoảng 700 tỷ đồng.
Đặc biệt vào ngày đầu tháng 9/2024, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) – cơn bão mạnh nhất 30 năm trên biển Đông và 70 năm trên đất liền đổ bộ vào nước ta, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cả về người và tài sản. Thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của bão YAGI gây ra các thách thức đối với nền kinh tế, cụ thể là:
- Về thương vong: làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương.
- Về nhà ở: 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập.
- Về nông lâm nghiệp: 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết.
- Về cơ sở hạ tầng: đã xảy ra 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV; 1.678 sự cố đường dây trung thế; 6.151.038 khách hàng bị mất điện, trong đó 432 khu công nghiệp, cụm công nghiệp bị mất điện,…
- Về y tế, giáo dục: 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại.
- Về giao thông: 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc (567 vị trí do sạt lở, hư hỏng công trình; 253 vị trí bị ngập do nước lũ dâng cao) và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá là 13.348.292 m3,… Về thủy lợi, 2.211 công trình thủy lợi, 1.306 công trình nước sạch bị hư hỏng.
Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 81.503 tỷ đồng.
Dốc sức, đồng lòng cùng người dân chống bão Yagi
Ngay trong sáng ngày 7/9, khi nhận được thông tin dự báo về cơn bão thế kỷ Yagi sẽ đi thẳng vào đất liền với cường độ ngày một tăng, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) đã phối hợp chia sẻ thông tin về cơn Bão Yagi với các DNBH để chủ động lên phương án xử lý sự cố thiệt hại sau bão. Hầu hết các DNBH đều đã cử các giám định viên, cán bộ nhân viên túc trực tại các nơi tâm bão có thể đi qua như Hải Phòng, Quảng Ninh để hỗ trợ khách hàng và sẵn sàng chủ động rà soát, thống kê các thiệt hại và phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh sau bão.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay khi Bão tan, ngày 9/9/2024, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã gửi công văn đề nghị các DNBH chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.
Thực hiện các chỉ đạo trên, các DNBH đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại do bão gây ra để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, thực hiện giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, các DNBH cũng đã bổ sung nhân sự, trực đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn, hướng dẫn khách hàng triển khai các thủ tục để thực hiện chi trả bồi thường bảo hiểm kịp thời.
Theo chia sẻ nhanh của một số DNBH về công tác giám định hiện trường, bão Yagi đi qua đã để lại hậu quả nặng nề tại các địa phương, gây ra ngập lụt, sạt lở chia cắt giao thông, nhiều khu vực mất điện mất sóng điện thoại hoàn toàn không thể liên lạc với khách hàng và đồng nghiệp, nhiều giám định viên (của cả DNBH và công ty giám định) gần như mất liên lạc cả ngày, điều kiện sinh hoạt đi lại rất khó khăn, tuy nhiên, các giám định viên không quản khó khăn tìm mọi cách để có thể nhanh chóng tiếp cận hiện trường gặp gỡ động viên chia sẻ rủi ro với khách hàng, hướng dẫn thủ tục quy trình, thu thập hồ sơ thông tin triển khai công tác giám định, trao đổi với khách hàng để thống nhất phương án khắc phục và giải quyết hậu quả do cơn bão gây ra. Đến nay, các giám định viên vẫn đang tiếp tục miệt mài đồng hành cùng khách hàng và đối tác để xử lý giải quyết các công việc liên quan đến tổn thất với tinh thần và trách nhiệm cao nhất cùng sự quyết tâm, đồng lòng, chủ động chung sức cùng nhau phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo cho khách hàng nhanh chóng khôi phục quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Trong thời gian qua, các DNBH đã khẩn trương, tích cực thực hiện trách nhiệm bảo hiểm, các doanh nghiệp đã cử cán bộ xuống tận hiện trường để nắm bắt thông tin thiệt hại, thăm hỏi tình hình khách hàng và kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan với tinh thần giải quyết nhanh nhất có thể quyền lợi bảo hiểm của khách hàng. Trong từng trường hợp cụ thể, các doanh nghiệp sẽ có phương án tốt nhất để giải quyết nhanh chóng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng ví dụ đánh giá nhanh và đưa ra phương án bồi thường tạm ứng ngay giúp khách hàng có nguồn tài chính khắc phục tổn thất.
Sau bão, ngành bảo hiểm tích cực hỗ trợ khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống: Ngày 6/12, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ, số tiền các doanh nghiệp này đã tạm ứng bồi thường là 471 tỷ đồng sau bão Yagi.
Cụ thể, theo báo cáo của 31/31 DNBH phi nhân thọ và 19/19 DNBH nhân thọ, tính đến thời điểm ngày 22/11/2024 thì tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm về người: 158 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính là 25,6 tỷ đồng; về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác: 14.611 vụ, ước tính thiệt hại là 11.461 tỷ đồng; số tiền các DNBH đã tạm ứng: 471 tỷ đồng.
Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các DNBH đã tiếp nhận được 14.662 thông tin thiệt hại về bảo hiểm phi nhân thọ, sức khỏe ước tính là 11.465 tỷ đồng do bão Yagi gây ra.
Hiện nay, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng là 453,7 tỷ đồng.
Còn lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng số vụ tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm là 107 vụ; số tiền bảo hiểm ước tính là 21,29 tỷ đồng. Các DNBH đã tạm ứng 17,7 tỷ đồng.
Nhận định tổng số tiền dự phòng bồi thường thiệt hại ước tính có thể chưa dừng ở con số 11.000 tỷ đồng, điều này đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế trước rủi ro, thiên tai.
Để chia sẻ những thiệt hại, mất mát của người dân, bên cạnh công tác chi trả bồi thường quyền lợi bảo hiểm, đến thời điểm này, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DNBH hội viên đã ủng hộ hơn 25,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chịu thiệt hại nặng nề do bão Yagi vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Điển hình như Tập đoàn Bảo Việt ủng hộ 5 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ ủng hộ 3 tỷ đồng, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam ủng hộ 6 tỷ đồng, Công ty TNHH Manulife Việt Nam ủng hộ 2,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam ủng hộ 2,0 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA ủng hộ 1,2 tỷ đồng, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ủng hộ 1,1 tỷ đồng,…
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực mà các DNBH đã và đang thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của thiên tai, đặc biệt là trong việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định. Việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng không chỉ giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của ngành bảo hiểm đối với cộng đồng.
Trong bối cảnh còn nhiều thách thức phía trước, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam mong rằng các DNBH sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, duy trì tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để đẩy nhanh quá trình thẩm định, bồi thường thiệt hại. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Với sự chỉ đạo khẩn trương, tích cực từ các bộ, ban, ngành, các DNBH đã kịp thời chung sức cùng đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tạm ứng giải quyết quyền lợi bảo hiểm và chi trả bồi thường cho khách hàng. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vướng mắc và khó khăn, cũng như là cầu nối với cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy các chính sách phù hợp liên quan đến hoạt động bảo hiểm.
Trong quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm và khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi, nếu có vướng mắc phát sinh, doanh nghiệp hội viên có thể phản ánh về Hiệp hội. Hiệp hội sẽ tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến từ các cơ quan quản lý Nhà nước để được tháo gỡ kịp thời.
Giải pháp bảo vệ hiệu quả và cần thiết trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp
Đất nước ta mỗi năm thường gặp phải những đợt thiên tai khốc liệt (bão, lũ, lụt, hạn hán…) đã gây muôn vàn khó khăn đến phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Đối mặt với những thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng như vậy, có câu hỏi được đặt ra là nếu người dân chủ động chuyển giao rủi ro về thiên tai, bão lũ cho DNBH thì hẳn thiệt hại đã được bảo hiểm chung vai gánh đỡ hết sức nhiều. Ví dụ như cơn bão Yagi đã gây ra thiệt hại đối với các khách hàng có tham gia bảo hiểm với tổng số tiền dự phòng bồi thường thiệt hại ước tính hơn 11.000 tỷ đồng như đã đề cập ở trên, tuy nhiên con số 11.000 tỷ đồng còn khá khiêm tốn so với tổng thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng do bão số 3 gây ra (chỉ chiếm khoảng 13%). Như vậy vẫn còn rất nhiều trường hợp tổ chức, người dân không có bảo hiểm mà phải trông chờ vào sự cứu trợ của nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác đóng góp, vô hình trung tạo ra một gánh nặng nhất định cho nhà nước và cộng đồng xã hội.
Nhìn chung, trong cuộc sống luôn tiềm ẩn những rủi ro không thể lường trước được. Những nguy cơ bất khả kháng đều khiến chúng ta không đủ thời gian xử lý các vấn đề tài chính. Để hạn chế, khắc phục hậu quả do rủi ro bất ngờ gây ra, một trong những giải pháp hiệu quả mà thế giới đã và đang áp dụng hàng trăm năm nay là thông qua cơ chế bảo hiểm - người được bảo hiểm chuyển giao rủi ro cho công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ nhận rủi ro này và người tham gia bảo hiểm chỉ phải đóng một mức phí bảo hiểm với tỷ lệ rất nhỏ so với mức tổn thất nếu rủi ro xảy ra được công ty bảo hiểm bồi thường. Mỗi khoản phí bảo hiểm nhỏ khi được nhiều người cùng tham gia sẽ tập hợp thành một khoản tiền lớn để chi trả cho những người không may gặp rủi ro, điều này cũng thể hiện rõ được tính nhân văn của bảo hiểm, khoản tiền của những người may mắn không gặp rủi ro sẽ hỗ trợ cho những người không may.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam hiện nay khoảng 3%, thấp hơn so với mức trung bình 5,37% của châu Á. Do đó thách thức luôn đặt ra với ngành bảo hiểm là làm thế nào để tăng cường hơn nữa vai trò của bảo hiểm đối với sự phát triển của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Từ thực tế cơn bão số Yagi cũng như những thiên tai trước đây, các tổ chức và người dân cần nghiên cứu chuyển giao rủi ro cho công ty bảo hiểm cùng chia sẻ, tìm hiểu những rủi ro mà mình có thể gặp phải và tìm hiểu các loại hình bảo hiểm mà các DNBH đang cung cấp để có thể sắm 1 lớp “áo giáp” an toàn cho mình, giảm thiểu những tác động làm thiệt hại về kinh tế, giảm gánh nặng cho nhà nước và xã hội khi rủi ro xảy đến. Hơn nữa phí bảo hiểm khi chưa sử dụng sẽ được huy động như một nguồn vốn trung và dài hạn để tái đầu tư vào nền kinh tế trong nước (trong 7 tháng đầu năm 2024 các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế 800.499 tỷ đồng).
Ngoài việc đưa ra các phương án xử lý nhanh chóng kịp thời giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra như bão Yagi đề cập ở trên, thiết nghĩ DNBH và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cần có một số giải pháp cụ thể nhằm giúp ngành bảo hiểm ứng phó với các rủi ro thiên tai và biến khó khăn thành cơ hội bao gồm:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn nữa về vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm rủi ro thiên tai. Việc hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm sẽ khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia nhiều hơn góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng phát triển.
Thứ hai, tăng cường minh bạch hóa thông tin (quy tắc, điều khoản, biểu phí, các cam kết, quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm…), cải tiến các sản phẩm bảo hiểm, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng ngày càng cao phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt hơn nữa cho khách hàng cũng như ứng phó tốt hơn đối với rủi ro thiên tai, qua đó vừa mang lại lợi ích cho khách hàng cũng như nhìn rộng ra là những đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Thứ ba, cải tiến quy trình bồi thường: Cần đánh giá điều chỉnh quy trình bồi thường giúp việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng được đơn giản và nhanh chóng, cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng/sau bán hàng để khách hàng ngày càng đặt niềm tin vào bảo hiểm.
Thứ tư, DNBH cần tư vấn quản trị rủi ro cho khách hàng, giúp khách hàng nhận biết và phòng tránh các rủi ro liên quan đặc biệt là rủi ro thiên tai, từ đó giảm thiểu tổn thất.
Với các giải pháp nêu trên, sẽ phần nào giúp ngành bảo hiểm Việt Nam sẵn sàng ứng phó với các rủi ro thiên tai một cách hiệu quả, giúp người dân có các giải pháp bảo vệ tài chính hữu hiệu để tự bảo vệ mình và tài sản trước các rủi ro trong cuộc sống. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong thời gian tới để ngành bảo hiểm phát triển bền vững, phát huy hơn nữa vai trò là tấm lá chắn bảo vệ nền kinh tế xã hội, phục vụ cuộc sống của người dân trước những rủi ro thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.