Giải pháp mở rộng hoạt động cho vay đối với nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp| 16/09/2019 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nhìn lại chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như thực trạng triển khai chính sách này những năm qua tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và đề xuất một số kiến nghị nhằm mở rộng hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này.

Ngày nhận bài: 5/8/2019 - Ngày biên tập: 6/8/2019 - Ngày duyệt đăng: 28/8/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17/2019

Tóm tắt: Bài viết nhìn lại chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như thực trạng triển khai chính sách này những năm qua tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Trên cơ sở phân tích các tồn tại trong hoạt động cho vay đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bài viết chỉ ra những nguyên nhân cơ bản của các tồn tại nói trên, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm mở rộng hoạt động cho vay của các NHTM đối với lĩnh vực này trong thời gian tới.

Từ khoá: cho vay, nông nghiệp công nghệ cao

EXPANDING LENDING ACTIVITIES FOR HI-TECH AGRICULTURE 

Abstract: This paper reviews the State’s policy on credit for high-tech agricultural production as well as the implementation of commercial banks in recent years. Based on analyzing shortcomings in lending activities for high-tech agricultural production projects, the author points out basic causes of these problems and proposes some recommendations to expand lending activities of commercial banks in this field in the coming time.

Key words: lending, high-tech agriculture

ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam là một nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên,  nông nghiệp của nước ta đến nay vẫn còn lạc hậu, thể hiện ở việc sử dụng lượng lớn lao động, dựa nhiều vào đất đai, tài nguyên nước và phân bón nhưng lại tạo ra năng suất không cao. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về phương thức sản xuất, nông nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Nhận thức được vấn đề nói trên, những năm gần đây, Nhà nước ta đã đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Mục tiêu này được thể hiện trong Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến hết năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010, theo đó đến năm 2020, nông nghiệp của Việt Nam có trình độ công nghệ ngang bằng trình độ khá trong khu vực châu Á, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30-35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Tiếp theo, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó khẳng định việc áp dụng công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích trong cả 3 lĩnh vực của ngành nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đi cùng với các mục tiêu và định hướng nói trên, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư vào việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, do các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, vì vậy trong khi việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của một số doanh nghiệp lớn và có tên tuổi được triển khai khá mạnh mẽ và gặp nhiều thuận lợi, thì đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ gia đình vẫn đang gặp nhiều trở ngại, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu vốn.

Trong tình hình đó, việc nghiên cứu các giải pháp nhằm mở rộng hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đối với các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là  cần thiết. 

TÌNH HÌNH CHO VAY ĐỐI VỚI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Để tạo lập nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành và đưa vào triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

Dấu ấn quan trọng đầu tiên về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Nghị quyết số 14/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 5/3/2014, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp áp dụng khoa học và công nghệ cao(1).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28/5/2014, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN quy định về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó bao gồm cả cho vay đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ cao. Chương trình cho vay theo quy định tại quyết định này được triển khai thực hiện thí điểm trong vòng 2 năm, trong đó, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các chi phí về sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, vật tư nông nghiệp,...) và vốn trung, dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ cho mô hình sản xuất với mức vốn tối đa bằng 70% giá trị của phương án, dự án vay vốn phục vụ cho các mô hình sản xuất và lãi suất cho vay lần lượt là 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 10%/năm đối với cho vay trung hạn và 10,5%/năm đối với cho vay dài hạn(2).

Trên cơ sở chương trình thí điểm do NHNN ban hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã triển khai cho vay đối với một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm trong danh sách do NHNN phê duyệt theo đề nghị của các địa phương, như: NHTM cổ phần Bắc Á cho vay dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nghệ An và dự án trồng, chế biến dược liệu áp dụng công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An của Công ty CP Thực phẩm sữa TH; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho vay dự án đầu tư phát triển vùng rau an toàn và công nghệ cao theo các mô hình liên kết tại Quảng Ninh của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long và dự án đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng lan hồ điệp tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trường Hoàng; NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho vay dự án trồng rau, củ, quả an toàn trên vùng đất hoang hoá bạc màu ven biển Hà Tĩnh, dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến súc sản Mitraco của Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh…

Sau hơn một năm áp dụng chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, chính sách về nguồn vốn tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã chính thức được Chính phủ ban hành theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo quy định tại Nghị định này, ngoài các cơ chế áp dụng chung cho các khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, phương thức cho vay…), các tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn được hưởng một số điều kiện ưu đãi cao hơn so với các khách hàng thông thường. Cụ thể, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc tiêu thụ sản phẩm là kết quả của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao (3); còn các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao. Trường hợp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản nợ vay được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời cho vay mới trên cơ sở xem xét tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, ngoài ra còn được xem xét khoanh nợ không tính lãi tối đa 3 năm hoặc xoá nợ.

Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp công nghệ cao, tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, trong đó quy định các NHTM cho vay đối với các nhu cầu vốn bằng đồng Việt Nam của khách hàng để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Quyết định này cũng cho phép các NHTM chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khách hàng khó khăn trong việc trả nợ vay do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, đồng thời cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Ngoài ra, NHNN còn yêu cầu các NHTM xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Sau khi chương trình nói trên được ban hành, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các NHTM tích cực triển khai với số tiền cam kết cho vay lên tới 135.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cam kết cho vay 50.000 tỷ đồng, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam, NHTM cổ phần Công Thương Việt Nam và NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngân hàng đăng ký cho vay 10.000 tỷ đồng, các ngân hàng còn lại (NHTM cổ phần Bắc Á, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín, NHTM cổ phần Á Châu...) đăng ký cho vay tổng cộng 55.000 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn cho vay của các ngân hàng tham gia chương trình, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động, như: nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên ở Nghệ An, trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Phú Yên (vay vốn NHTM cổ phần Bắc Á); nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK tại Phú Thọ, nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân tại Hà Nội, khu chăn nuôi lợn giống Dabaco ứng dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh, chăn nuôi bò thịt công nghệ cao Hoà Phát tại Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai (vay vốn NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam); vườn trồng rau thủy canh tại Lâm Đồng, trang trại hoa lan YSA Orchid Farm ở Đà Lạt, nhà máy chế biến rau củ Lavifood tại Tây Ninh (vay vốn NHTM cổ phần Công Thương Việt Nam); nuôi tôm giống ở Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap ở Bình Thuận (vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)… Tính đến hết tháng 6/2019, các NHTM đã giải ngân cho các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay hơn 45.000 tỷ đồng, dư nợ khoảng 40.000 tỷ đồng.

Việc cho vay vốn của các NHTM đối với các dự án nói trên đã góp phần tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp nước ta. Từ những dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đầu tư bằng nguồn vốn vay của các NHTM, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (rau cao cấp, thịt sạch, sữa tươi sạch, trái cây sạch, hoa nhà kính, chè chất lượng cao, cà phê hữu cơ, cá nước lạnh…) được cung ứng ra thị trường ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và an toàn. Ngoài ra, một số loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của các dự án này cũng đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và được người tiêu dùng các nước đón nhận, như: sữa tươi TH, hoa Đà Lạt, rau Đà Lạt, thanh long Bình Thuận…

MỘT SỐ TỒN TẠI, KHÓ KHĂN  VÀ NGUYÊN NHÂN

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nói trên, hoạt động cho vay của các NHTM đối với nông nghiệp công nghệ cao những năm qua nhìn chung vẫn còn hạn chế, quy mô cho vay chưa đáp ứng được sự thiếu hụt về vốn của các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thống kê cho thấy đa phần các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được vay vốn thời gian qua là những doanh nghiệp lớn, trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các cá nhân, hộ gia đình muốn vay vốn đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lại không được NHTM đáp ứng đủ số vốn như kỳ vọng. Ngoài ra, việc thẩm định để quyết định cho vay hoặc giải ngân vốn vay của các NHTM đối với một số dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm, chưa phù hợp yêu cầu về tiến độ đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thời cơ kinh doanh của khách hàng.

Những hạn chế nói trên bao gồm cả nguyên nhân từ khách hàng, từ  NHTM và từ đặc điểm của ngành sản xuất nông nghiệp cũng như  môi trường kinh tế liên quan, chẳng hạn:

- Do không am hiểu nhiều về hoạt động ngân hàng và các thủ tục thực hiện dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp khó khăn, lúng túng trong việc hoàn thiện thủ tục vay vốn. Đặc biệt, phần lớn gặp khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo yêu cầu của Bộ NN và PTNT nên không đáp ứng được quy định về đối tượng vay vốn theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của NHNN(4).

Đa số cá nhân, doanh nghiệp vay vốn không có đủ tài sản thế chấp cho phần vốn vay, trong khi phần lớn tài sản hình thành sau đầu tư của các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu…) không được coi là tài sản đủ tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp nên không thể dùng thế chấp cho ngân hàng để bảo đảm tiền vay.

- Hoạt động sản xuất nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều khả năng xảy ra tổn thất do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh, trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp  chưa được triển khai rộng rãi nên đã  ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của các NHTM đối với các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do e ngại về những rủi ro mà các dự án này có thể gặp phải.

- Các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường đòi hỏi số vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn của các NHTM phần lớn là vốn huy động có kỳ hạn ngắn nên ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của một số NHTM đối với các dự án này xuất phát từ khó khăn trong việc huy động vốn và quản trị thanh khoản.

- Việc cho vay đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Nhà nước cho phép áp dụng nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay và bảo đảm tiền vay phần nào khiến các NHTM không mặn mà cho vay do e ngại về khả năng sinh lời và bảo toàn vốn vay. Mặc dù chính sách của Chính phủ có quy định về việc cấp bù tiền lãi cho vay và hỗ trợ xử lý rủi ro cho các ngân hàng từ ngân sách nhà nước, song các khoản cấp bù và hỗ trợ này lại đòi hỏi khá nhiều hồ sơ, thủ tục nên không thật sự hấp dẫn đối với các ngân hàng…

Để tháo gỡ những khó khăn này, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…). Theo những chính sách mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung này, nhiều giải pháp đã được Nhà nước cho phép thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư; triển khai hoạt động bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản theo mô hình công nghệ cao(5); cho phép các công trình xây dựng trên đất của dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thuỷ lợi) được tính là tài sản để thế chấp vay vốn tại các NHTM; cho phép tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án; cho phép tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các tài sản khác làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng theo quy định của pháp luật…

Mặc dù vậy, những chính sách mới được ban hành tại các văn bản nói trên vẫn chưa thể tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc trong việc mở rộng cho vay của các NHTM đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp về cơ bản vẫn là một lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro, trong khi các tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay tuy có giá trị lớn nhưng tính thanh khoản không cao; việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao khó có khả năng đưa lại lợi nhuận cho các NHTM như cho vay đối với các lĩnh vực khác; việc cấp các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các ngân hàng cũng như khách hàng vay vốn vẫn đòi hỏi nhiều hồ sơ và thủ tục phức tạp…

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

- Đơn giản hoá các thủ tục cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện các thủ tục đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật.

- Tích cực hỗ trợ các ngân hàng và khách hàng vay vốn thực hiện các thủ tục bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ các ngân hàng trong việc quản lý tài sản bảo đảm tiền vay cũng như xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ khi khoản vay gặp rủi ro.

- Bố trí thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các ngân hàng và các khách hàng vay vốn (số tiền lãi không thu được trong thời gian khoanh nợ, số nợ phải xoá cho khách hàng gặp rủi ro, tiền hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, tiền hỗ trợ chênh lệch lãi suất của các dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…).

- Từng bước mở rộng đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với một số loại cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản được sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao (hoa, chè, ca cao, tơ tằm, cá nước lạnh…) nhằm khuyến khích việc mua bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như việc mở rộng cho vay của NHTM đối với các khách hàng này.

- Đẩy nhanh việc đưa vào hoạt động của các quỹ bảo lãnh của Nhà nước, đặc biệt là Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, nhằm tạo thêm cơ chế hỗ trợ về bảo đảm tiền vay cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nhu cầu sử dụng vốn vay của các NHTM.

Đối với các NHTM

- Tiếp tục nghiên cứu đơn giản hoá các quy trình, thủ tục cho vay theo chỉ đạo của NHNN, đồng thời tích cực hỗ trợ khách hàng trong quá trình lập dự án, lựa chọn phương án tài chính cũng như thực hiện các thủ tục vay vốn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Xem xét giảm tỷ lệ tài sản bảo đảm tiền vay (ngoài phần vốn vay được miễn tài sản bảo đảm tiền vay theo chính sách của Nhà nước) làm cơ sở mở rộng cho vay đối với các khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm hỗ trợ khách hàng tạo lập nguồn vốn thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn về nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng lực thẩm định đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở đẩy nhanh quá trình lựa chọn dự án cũng như quyết định các điều kiện tín dụng (mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, tỉ lệ bảo đảm tiền vay…) có lợi cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Đối với các khách hàng vay vốn

- Chú trọng tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tình hình thị trường nông sản công nghệ cao cũng như các công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và khả thi, đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả cho vay của các NHTM.

- Tích cực tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các loại bảo hiểm tài sản khác đối với tài sản bảo đảm tiền vay nhằm hạn chế tổn thất cho khách hàng vay vốn cũng như ngân hàng cho vay trong trường hợp dự án, phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro.

CHÚ THÍCH:

1 Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp theo các nội dung ưu tiên sau: các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

2 Các mức lãi suất này sau đó được Thống đốc NHNN điều chỉnh giảm xuống còn lần lượt là 6,5%/năm, 9,5%/năm và 10%/năm theo Quyết định số 2662/QĐ-NHNN ngày 16/12/2014,.

3 Quy định này hiện nay đã được Chính phủ sửa đổi tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP. Theo đó, khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

4 Theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải là dự án sản xuất nông nghiệp đáp ứng được một trong các tiêu chí: (a) dự án đầu tư thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu; hoặc (b) dự án trong Vùng Nông nghiệp ứng dụng nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận Vùng; hoặc (c) dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (d) dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường thuộc Danh mục quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

5 Theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, các loại vật nuôi, cây trồng và thuỷ sản được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau, trâu, bò, lợn, gia cầm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Nam Anh (2018), “135.000 tỷ vốn vay hỗ trợ các dự án nông nghiệp công nghệ cao”, Báo điện tử VnExpress, ngày 25/10/2018,

- Đỗ Huyền (2018), “Agribank dành nhiều ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao”, Bản tin Kinh tế Thông tấn xã Việt Nam, ngày 05/8/2018,

- Nguyễn Cảnh Hiệp - Nguyễn Thành Long (2018), “Mở rộng hoạt động cho vay đối với mô hình liên kết sản xuất thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Ngân hàng, số 17 (9/2018)

- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

- Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp

- Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

- Nghị quyết số 14/NQ-CP  của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2014

- Nghị quyết số 30/NQ-CP  của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2017

- Vương Ngọc (2019), “Đổ vốn vào công nghiệp chế biến”, Báo điện tử Người lao động, ngày 07/1/2019,

- Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2020

- Quyết định 1233/QĐ-NHNN ngày 26/6/2014 của NHNN về việc phê duyệt danh sách NHTM và khách hàng tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ (đợt 2)

- Quyết định 2064/QĐ-NHNN ngày 14/10/2014 của NHNN về việc phê duyệt danh sách NHTM và khách hàng tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ (đợt 3)

- Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

- Minh Thùy (2018), “Dòng tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đã được khơi thông”, Báo điện tử Công Luận, ngày 03/10/2018.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp mở rộng hoạt động cho vay đối với nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO