Giải quyết tình trạng nghẽn lệnh: Chỉ có thể chờ hệ thống giao dịch mới?

Bùi Trang| 20/01/2021 18:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) có phiên hồi phục nhẹ sau phiên giảm kỷ lục ngày 19/1. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng nghẽn lệnh, bảng điện tử “đơ”, hiển thị không đúng giữa lệnh chờ và lệnh khớp diễn ra ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 20/1.

 

Phiên hồi phục nhưng hơn nửa thị trường giảm 

Đầu giờ sáng, lệnh mua được đưa vào từ sớm với tâm lý bắt đáy giúp nhiều cổ phiếu hồi phục màu xanh như FLC, ROS, ITA, TCH, STB… và đưa VN-Index lên 1.141 điểm. Tuy nhiên sau đó, tình trạng bảng điện tử “đơ”, hiển thị không đúng giữa lệnh chờ và lệnh khớp khiến dư luận các nhà đầu tư kêu than trên nhiều diễn đàn. Cùng với đó hàng loạt lệnh bán được đưa vào khiến thị trường nhanh chóng nhuốm đỏ, VN-Index tuột sâu dưới mốc 1.100 điểm.

Nhưng sau đó, một số mã lớn đã được kéo tăng giúp VN-Index trở lại ngưỡng đóng cửa ngày 19/1 – 1.131 điểm. Phiên chiều, thị trường trồi sụt nhẹ và đóng cửa ở ngưỡng 1.134 điểm, tăng 3,68 điểm với 209 mã tăng và 235 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 839,3 triệu đơn vị, giá trị 17.790,4 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 12,6% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,5 triệu đơn vị, giá trị 1.312 tỷ đồng.

Trên HNX, HNX-Index tăng 9,23 điểm (+4,12%), lên 233,26 điểm với 109 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 173,5 triệu đơn vị, giá trị 2.224,7 tỷ đồng, tăng 6,7% về khối lượng, nhưng giảm 8,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ 1,5 triệu đơn vị, giá trị 62 tỷ đồng.

UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 76,18 điểm với 133 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 67 triệu đơn vị, giá trị 1.118 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 13 triệu đơn vị, giá trị 248 tỷ đồng.

Nhà đầu tư không nên bán bằng mọi giá?

Trước diễn biến bất ngờ của thị trường chứng khoán trong 2 phiên giao dịch vừa qua, chuyên gia phân tích Lê Hoàng Phương (CTCP Chứng khoán Bảo Việt - BVSC) nhận định, với việc hợp đồng phái sinh Vn30F2101 đã sát ngày đáo hạn, nhu cầu đóng vị thế arbitrage (chênh lệch giá) sẽ tăng dần. Thêm vào đó, thị trường cũng cần có thời gian để các nhà đầu tư sử dụng dòng tiền nóng cân đối danh mục.

“Do vậy, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng lực bán tiếp tục chiếm ưu thế, nhưng áp lực này có thể chỉ diễn ra trong khoảng từ 1 đến 2 phiên, sau đó thị trường có thể sẽ ổn định trở lại với diễn biến tích cực hơn. Trong quá khứ, sau những phiên giảm mạnh như phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường thường tạo ra những cơ hội cho những đợt hồi đủ T+”  ông Lê Hoàng Phương nói.

Về trung hạn và dài hạn, ông Lê Hoàng Phương vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam với các lý do sau đây. Môi trường lãi suất thấp theo dự báo của BVSC có thể sẽ tiếp tục duy trì cho đến quý 3 năm nay, điều này tạo động lực hỗ trợ thị trường chứng khoán. Thứ hai, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ đáy năm 2020. Thứ ba, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo sẽ có sự cải thiện – dự báo của BVSC đối với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong danh sách BVS-70 ở quanh mức 25%. Thứ tư, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ có tác động tích cực về mặt trung và dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cuối cùng, với việc HSX sẽ sớm có hệ thống giao dịch mới, đồng thời kỳ vọng về việc các nghị định thông tư hướng dẫn Luật Chứng Khoán 2019, Luật Doanh Nghiệp 2020 và Luật Đầu Tư 2020 sẽ sớm được ban hành, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 trong năm 2022. Điều đó sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút 1,3 tỷ USD, đặc biệt dòng vốn đến từ có các quỹ chủ động có thể sẽ xuất hiện từ trong nửa cuối năm nay.

 “Với góc nhìn như vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh, không cần thiết phải bán bằng mọi giá trong những phiên giao dịch tới. Việc giải ngân thực hiện đầu tư trong giai đoạn tới nên chú trọng vào vị thế đầu tư trung và dài hạn; và vào những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản ổn định, được dự báo sẽ có sự hồi phục/tăng trưởng kết quả kinh doanh mạnh mẽ” - chuyên gia phân tích Lê Hoàng Phương, CTCK Bảo Việt - BVSC.

 

Tắc đường vào sàn: Chờ hệ thống giao dịch mới

Lý giải tình trạng nghẽn lệnh, bảng điện “đơ” không chính xác, ông Lê Hoàng Phương cho rằng một phần đến từ việc khối lượng và giá trị giao dịch luôn ở mức cao – chỉ tính riêng từ đầu tháng 1 tới nay, khi sở giao dịch HSX chính thức nâng lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu/lô, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 17.340,16 tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch trung bình đạt 760,47 triệu cổ phiếu/phiên.

Việc khối lượng và giá trị giao dịch tăng mạnh đột biến trong thời gian gần đây là một tín hiệu tích cực đáng chào đón, bởi nó cho thấy sự quan tâm rộng rãi của người dân đối với thị trường chứng khoán, tạo tiền đề để có thể xây dựng và phát triển các sản phẩm tài chính mới trong tương lai. Tuy nhiên, chính sự “đột biến” này đã tạo ra yếu tố bất ngờ khiến hệ thống giao dịch bị quá tải trong thời gian gần đây, do phải vận hành với công suất ngoài dự kiến.

Điểm đáng nói ở đây là các cơ quan chức năng đã nhận thức rất rõ vấn đề này và đã có những động thái để giải quyết vấn đề này như đẩy nhanh quá trình thử nhiệm và kiểm tra hệ thống giao dịch mới nhằm nhanh chóng đưa hệ thống này vào hoạt động chính thức, thay thế cho hệ thống giao dịch hiện tại. Tình trạng nghẽn lệnh, bảng điện “đơ” có thể sẽ sớm được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tình trạng nghẽn lệnh: Chỉ có thể chờ hệ thống giao dịch mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO