Các Hiệp hội ngành, nghề

“Giằng co” giá gạo xuất khẩu giữa doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân Philippines

Nguyễn Huyền 29/08/2024 - 11:53

Nguồn tin thương mại cho biết “các thương nhân Philippines cho rằng, giá gạo tăng cao doanh nghiệp Việt Nam không giao hàng, muốn đàm phán lại. Để tránh gián đoạn nguồn cung trong nước, họ đang kêu gọi chính phủ can thiệp”.

gao-2.jpg
Ảnh minh họa

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, đầu năm nay, doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bán gạo cho các thương nhân Philippines giá 700 USD/tấn (loại gạo DT8, OM18) nhưng từ đầu vụ Hè Thu họ đã ngừng nhận hàng để chờ thuế nhập khẩu mới, khi giá gạo giảm xuống còn 670 USD/tấn, thương nhân Philippines vẫn không nhận hàng.

Đến lúc giá gạo trên thị trường giảm xuống 600 USD/tấn, họ yêu cầu đàm phán lại và đưa ra mức giá 620-630 USD/tấn, các doanh nghiệp Việt Nam sau khi trao đổi đã đồng ý giao hàng theo mức giá này.

Tuy nhiên, khi đạt được mức giá mong muốn họ lại tiếp tục trì hoãn không lấy hàng để chờ thuế nhập khẩu mới. Đến hôm nay, giá gạo trên thị trường nếu mua vào ở mức 650 USD/tấn vẫn còn lỗ.

“Khi giá gạo trong nước tăng cao chúng ta yêu cầu đàm phán hợp đồng cũng là việc hợp lý. Với giá gạo trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp giao hàng cho Philippines đều bị lỗ nặng, trung bình lỗ 100 USD/tấn, xuất khẩu nhiều lỗ nhiều, xuất khẩu ít lỗ ít”, lãnh đạo doanh nghiệp gạo ở TP. Hồ Chí Minh nói.

Theo nguồn tin thương mại, mấy ngày qua, các nhà nhập khẩu gạo Philippines cho rằng họ có nguy cơ bị các đối tác Việt Nam hủy hợp đồng cung cấp vì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang yêu cầu đám phán lại hợp đồng để nâng giá cao hơn, làm giảm hy vọng của Philippines về nguồn gạo giá rẻ từ nước ngoài sau khi chính phủ cắt giảm mạnh thuế quan.

Nhóm ngành gạo Philippines (PRISM) cho biết, tình hình giá gạo tại Việt Nam khá cao, đã tăng từ 60-70 USD/tấn, nên các hợp đồng mua gạo do các nhà nhập khẩu địa phương ký kết trước đó đang bị các đối tác Việt Nam tìm cách đàm phán lại giá.

Các báo cáo quốc tế cho hay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đều đặn trong những tháng gần đây do nhu cầu toàn cầu về loại gạo này dự kiến ​​sẽ cao hơn, đặc biệt là ở các nước láng giềng như Philippines và Indonesia. Những loại gạo trước đây thương nhân Philippines mua với giá 600 USD/tấn, hiện có giá 680 USD/tấn.

Để tránh gián đoạn nguồn cung trong nước, nhóm ngành này đang kêu gọi chính phủ Philippines can thiệp bằng cách đàm phán với Chính phủ Việt Nam.

Dẫn số liệu từ Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 28/8/2024, gạo xuất khẩu loại 5% tấm thường của Việt Nam có giá 578 USD/tấn; gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan có giá lần lượt là 569 USD/tấn và 539 USD/tấn. Như vậy, giá gạo 5% tấm Việt Nam đang cao hơn Thái Lan 9 USD/tấn và cao hơn Pakistan 39 USD/tấn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Cần Thơ cho biết, lợi nhuận từ bán gạo là rất mỏng, chỉ khoảng 5-10 USD/tấn. Hiện nay, giá gạo 5% tấm thường (loại bán cho Bulog) khá ổn định nhưng giá các loại gạo thơm, như DT8 hay OM18 bán cho Philippines lại tăng, nếu so giá gạo thơm hiện nay và giá gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam đã ký bán cho Philippines thì họ đang lỗ rất nhiều.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu đàm phán lại hợp đồng cũng là điều hợp lý và câu chuyện đàm phán lại hợp đồng không phải bây giờ mới có. Trước đây, đối tác nước ngoài ký hợp đồng mua gạo giá cao, khi thị trường biến động giảm họ yêu cầu đàm phán lại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đồng ý giảm giá cho họ.

Trong trường hợp lý các thương nhân Philippines đề nghị chính phủ họ can thiệp với Chính phủ Việt Nam, khi đó có khả năng phía Việt Nam sẽ cử đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm việc với phía Philippines.

“Có thể, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn sẽ triệu tập các doanh nghiệp nào xuất khẩu gạo đi thị trường Philippines để tìm hướng giải quyết và đưa ra chính sách đối ứng phù hợp, vừa giữ được uy tín của Việt Nam trong thương mại gạo, vừa hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá gạo trên thị trường diễn biến như hiện nay”, doanh nghiệp này phân tích.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 751,093 ngàn tấn gạo, trị giá hơn 451,771 triệu USD. Lũy kế, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt gần 5,3 triệu tấn, mang về 3,34 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 8,3% về lượng và tăng 27,7% về kim ngạch.

Trong 7 tháng năm nay, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu số 1 gạo Việt Nam, đạt hơn 2,31 triệu tấn, trị giá 1,421 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,23% về khối lượng và tăng 44,27% về kim ngạch.

Vụ lúa Hè Thu 2024 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dần về cuối vụ, nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu mua gạo giao cho các hợp đồng đã với các nhà nhập khẩu nước ngoài khá cao, đặc biệt là các hợp đồng Bulog, bắt buộc doanh nghiệp phải nâng giá thu mua để gom đủ lượng gạo đã ký bán đẩy giá gạo trong nước tăng mạnh.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 22/08/2024, vụ Hè Thu 2024, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1,465 triệu ha/1,480 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 1,258 triệu ha, với năng suất khoảng 58 tạ/ha, sản lượng ước đạt 7,296 triệu tấn lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giằng co” giá gạo xuất khẩu giữa doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân Philippines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO