Sáng 12/5, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đất để không, hoang hóa gây lãng phí nguồn lực do có tư tưởng chờ dự án
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Hợp Dũng (tổ Thanh Trì) nêu vấn đề, trong quy định chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương có nội dung về hỗ trợ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp như nhà màng, nhà kính để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế có nơi không dám xây do sợ vi phạm, có nơi xây lại không nhận được hỗ trợ. Vậy nội dung hướng dẫn này thuộc thẩm quyền Thành phố hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ Mỹ Đức) đặt vấn đề về việc nhiều diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi nghiên cứu dự án hoặc chậm triển khai chưa giải phóng mặt bằng, dẫn đến dân có tư tưởng chờ dự án hoặc triển khai không đầy đủ, từ đó đất để không, hoang hóa gây lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên?.
Trả lời tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, HĐND đã có Nghị quyết và UBND Thành phố cũng có kế hoạch tổng rà soát toàn bộ 404 dự án liên quan chậm, muộn triển khai. Quá trình kiểm tra, rà soát đã phát sinh thêm 173 dự án. Sau khi thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND Thành phố, các cơ quan liên ngành của Thành phố đã ra quyết định chấm dứt với 15 dự án trên địa bàn; 44 dự án tiếp tục gia hạn 24 tháng, thu về ngân sách cho thành phố 500 tỷ đồng.
Như vậy, toàn bộ quỹ đất giao cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Quá trình triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng liên quan phân cấp, phân quyền. Thành phố đã giao cho quận, huyện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện dự án chưa đúng theo chủ trương đầu tư (biến tướng thành nhà chòi, khu sinh thái) thì địa phương phải xử lý nghiêm.
Với quỹ đất chưa giao nhà đầu tư, quá trình thực hiện dự án hệ thống mương, thủy lợi không đưa vào sử dụng nữa thì người dân có thể tận dụng; hoặc với khu ngoài đất bãi bồi ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Sở đã làm việc với các quận, huyện và lên phương án xác định là quỹ đất công, giao cho các Sở NN&PTNTN, Ban quản lý dự án quản lý toàn bộ 2 bên bờ sông.
"Những quỹ đất này giao cho các địa phương xem xét nếu có thể khai thác được thì có đề án báo cáo, căn cứ vào toàn bộ cơ sở pháp lý, các sở, ngành sẽ hỗ trợ địa phương đưa vào khai thác sử dụng, không để lãng phí tài nguyên mà không quản lý được. Đến khi nhà nước triển khai thực hiện quy hoạch, dự án, các dự án này sẽ được chính quyền địa phương bàn giao lại để thực hiện"- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, về việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, hiện chưa có quy định cụ thể do còn vướng mắc ở Luật Đất đai. Với các dự án đầu tư xây dựng các công trình trên đất để triển khai dự án phải được được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đầu tư đảm bảo. Tuy nhiên tại khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thì thực hiện theo Nghị định 94 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN&PTNTN và theo kế hoạch hàng năm của Thành phố.
Trong Nghị định 94 đối với vùng chuyển đổi được phép trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên đất nông nghiệp, nhưng chưa có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu để phục vụ chăn nuôi. Đồng nghĩa với đó, các công trình xây dựng trên đất lúa là chưa phù hợp. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi hoàn thiện Luật Đất đai, rà soát bổ sung vào Luật Thủ đô.
Với việc lắp đặt nhà màng nhà lưới, nhiều mô hình sản xuất tốt, Thành phố đã giao Sở NN&PTNT chủ trì cùng các ngành, địa phương hướng dẫn để lắp đặt phục vụ trực tiếp sản xuất, không phục vụ mục đích khác như du lịch.
Dự án đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhưng nhiều năm chưa được đưa vào khai thác, sử dụng
Tham gia chất vấn về công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp sáng 12/5, đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, nhằm thu gom các hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu vực dân cư vào khu giết mổ tập trung, chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư; tuy nhiên, đến nay đã nhiều năm trôi qua vẫn chưa được đưa vào khai thác, sử dụng.
Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến chậm đưa khu giết mổ tập trung Bình Minh vào khai thác, sử dụng, dẫn đến tình trạng chưa phát huy hiệu quả đầu tư, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực.
Liên quan việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, UBND huyện đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai thực hiện lập danh mục, kế hoạch, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn chưa thực hiện được do thời gian qua dự án chưa có nhà đầu tư doanh nghiệp quan tâm đầu tư; do tính chất đặc thù nên không có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc gia cầm, việc kêu gọi đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn…
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, để sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, thu gom các hộ gia đình giết mổ gia súc gia cầm tự phát trong khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường, đáp ứng để nghị của cử tri các xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại xã Bình Minh là rất cần thiết. Huyện đề xuất giao cho huyện, các hợp tác xã đứng ra thu gom các hộ giết mổ trong khu dân cư.
Cùng với đó, UBND huyện Thanh Oai đã có các tờ trình đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phương án đấu giá thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án; đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND Thành phố sớm xem xét, giải quyết. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh phương án đấu giá, UBND huyện sẽ nộp hồ sơ đề nghị UBND Thành phố phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.
“UBND huyện cũng đề nghị các sở, ban, ngành và UBND Thành phố sớm điều chỉnh một số nội dung tại phương án đấu giá và phê duyệt giá khởi điểm, tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất ngay sau khi có quyết định” - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng kiến nghị.