(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc Hà Nội xem xét nghiên cứu xây sân bay tại Ứng Hòa đang nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân địa phương và ý kiến từ các chuyên gia cảnh báo các chiêu trò thổi giá đất gây hỗn loạn.
Cụ thể, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP.Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - Công ty cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của TP đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, cân nhắc việc lựa chọn vị trí sân bay tại Ứng Hòa, khu vực phía Nam Hà Nội, đồng thời với việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm.
Sở QHKT Hà Nội cho rằng, hiện nay, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT triển khai theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020, trong đó yêu cầu: Đánh giá việc phát triển mở rộng các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.
Hà Nội nghiên cứu đề xuất xây sân bay tại Ứng Hoà. |
Phân tích về tính cần thiết của việc xây dựng sân bay ở Ứng Hòa, Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia Hàng không cho biết: "Tôi có đọc thông tin nghiên cứu xây sân bay phía Nam TP Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, nhưng lại không thấy có cơ sở khoa học nào đáng thuyết phục để xây sân bay tại đây. Trong khi đó, khu vực Ứng Hoà lại là vùng trồng lúa mà lấy đi 1.300 ha đất thì có đảm bảo được vấn đề lương thực, sản xuất nông nghiệp tại đây".
"Xây dựng công trình hạ tầng hàng không, giao thông thì đều phải dựa vào nhu cầu và tính cấp bách, thiết thực. Như vậy, cần phải có những thống kê, nghiên cứu, cơ sở khoa học đầy đủ về lượng khách tăng trưởng trong những năm qua. Đặc biệt, là nhu cầu của dân cư và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thì mới có thể lên phương án khả thi được", PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, Hà Nội cần phải nêu rõ hơn sân bay Ứng Hoà phục vụ cho vùng dân cư nào, khu vực kinh tế, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt,... như nào để đưa ra những con số so sánh nhu cầu hàng không rồi tính toán tới việc xây dựng sân bay Ứng Hoà.
Đặc biệt, chúng ta phải nhìn nhận, hiện nay, chúng ta đang có sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng Vân Đồn vừa xây dựng năng lực khai thác còn rất lớn. Các đường bay được mở đã được phân định rõ nội địa bay từ đâu tới đâu, quốc tế cũng vậy. Do đó, không thể nói chung chung là xây sân bay Ứng Hoà để rồi làm người dân địa phương hoang mang, kéo theo đó là các chiêu trò thổi giá đất, bất động sản lên cao gây hỗn loạn.
"Hiện, sân bay Nội Bài vẫn còn quỹ đất để mở rộng và hướng tới phục vụ 100 triệu/khách trên năm. Tôi cho rằng, hiện nay, chưa cần thiết phải xây dựng sân bay Ứng Hoà vì thời điểm này là chưa phù hợp", PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.
Trong khi đó, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch – Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đối với vùng thủ đô rất cần thêm một sân bay nữa ngoài các sân bay hiện hữu.
Tuy nhiên, vị trí sân bay ở chỗ nào thì cần phải nghiên cứu, cân đối về giao thông, liên kết vùng. Đặc biệt, vị trí lựa chọn sân bay phải cân đối với các chính sách khác của nhà nước như an toàn lương thực, phòng chóng lũ lụt.
Vì vậy, Hà Nội chưa đề cập tới vị trí cụ thể là do liên quan đến ruộng trồng lúa nước, hoa màu liên quan đến an toàn lương thực. "Tóm lại, việc đề cập xây dựng sân bay mới là việc làm cần thiết, nhưng phải hết sức thận trọng, đảm bảo hoài hoà các nhu cầu", TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, sân bay mới ở Hà Nội chưa phải là việc cấp bách đối với Hà Nội. Quy mô sân bay như nào, cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, tính toán sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Nếu làm một sân bay quốc tế có thể phải cần tới Quốc hội phê duyệt.
Ví dụ, việc mở rộng sân bay ở Tân Sân Nhất, Quốc hội phải cho ý kiến. "Vị trí chọn ở đâu phải tính tới mối liên kết vùng và đảm bảo các chiến lược có liên quan như biến đổi khí hậu, an toàn lũ lụt và an toàn lương thực" - ông Nghiên nói.
Nói về đề xuất làm sân bay quốc tế ở huyện Ứng Hoà, ông nghiên chia sẻ: "Về đề xuất này cần có vị trí cụ thể, không thể nói làm sân bay ở Ứng Hoà một cách chung chung. Có vị trí cụ thể mới xem xét được có kết nối với giao thông hay không? Đặc biệt là cao độ, nên cần vị trí cụ thể là đề xuất sân bay ở đâu? Chưa xác định được vị trí thì không thể đánh giá một cách cụ thể được.