Kết nối

Hà Nội phấn đấu là thành phố kết nối toàn cầu

Minh Đức 20/09/2023 - 18:20

Sáng 20/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô.

toan-canh-phien-hop-luat-thu-do.jpg

"Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini trong Luật Nhà ở”

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng phải tạo cơ chế đột phá giúp Thủ đô vươn lên. Trước đây, Quốc hội đã đột phá mở rộng quy mô của Thủ đô thì bây giờ phải làm sao có nguồn lực tương ứng với sự phát triển của quy mô đó. Nếu Thủ đô vẫn tiếp tục sử dụng các cơ chế bình thường với các phân cấp bình thường thì sẽ không có nguồn lực phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Hà Nội là một đô thị đặc biệt. Vì vậy, dự án Luật Thủ đô tiếp tục cần phải rà soát để các cái quy định liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt để thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội nhất trí về việc thực chất đây là một đạo luật về phân cấp, phân quyền toàn diện các lĩnh vực. Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền toàn diện nhưng lại phải trọng tâm, trọng điểm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cho phép HĐND Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa của từng lĩnh vực theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chính quyền thủ đô cũng đã được áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thảo luận về các vấn đề môi trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy,... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi nên có những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà thành phố quy định khác biệt hơn so với cả nước.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề chung cư mini, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng thời nhấn mạnh: "Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini trong Luật Nhà ở”.

“Không được hợp thức hoá chung cư mini, vụ vừa rồi rất đau xót (vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội). Do đó, tại dự thảo luật có cho phép Hà Nội được quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về các lĩnh vực như môi trường, giao thông, phòng cháy hay không?”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm.

Hà Nội phải cạnh tranh với thế giới

Khẳng định mục tiêu đến 2030, Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thay vì cạnh tranh trong nước, Hà Nội phải cạnh tranh với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và đến 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định Thủ đô Hà Nội phải hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh với các khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển, do vậy, cần bổ sung mục tiêu cạnh tranh quốc tế trong dự thảo Luật.

Để thực hiện mục tiêu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt vấn đề cán bộ của Hà Nội phải được đào tạo, chuẩn hóa để ngang tầm với các thành phố trên thế giới. Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng; quyết định phân cấp, phân quyền từ trung ương đến các sở, ngành, quận, huyện, đáp ứng để nhu cầu quản trị đô thị của Thủ đô.

“Cơ chế, chính sách đặc thù là phải đồng bộ, toàn diện, khắc phục ngay những cái khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển của Thủ đô, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Về quy định xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần quy định phát triển các thiết chế văn hóa, thiết chế để phát triển công nghiệp văn hóa, hỗ trợ về hạ tầng, không gian văn hóa và về nhân lực để phát triển công nghệ văn hóa thì sẽ bảo đảm toàn diện hơn. Nếu chỉ đặt vấn đề là xây dựng một trung tâm công nghiệp văn hóa mà chưa rõ mô hình tổ chức thế nào, các quy định thiết chế này nó ra làm sao thì cần nghiên cứu thêm và chúng tôi nghĩ là theo hướng quy định toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Thủ đô đã có nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trong nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thủ đô có thể luật hóa được trong Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển; nghiên cứu cho Hà Nội có thẩm quyền và quy định những cái khác biệt so với các nơi khác về xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; về chính sách huy động vốn, ngoài định mức đã được quy định, cần thiết phải có cơ chế huy động nguồn vốn để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thành phố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu là thành phố kết nối toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO