Hàng chục ngàn khách hàng đã và đang được ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay

Mai Phan| 12/03/2020 18:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra quyết định việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN với tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm các nguồn lực, có nguồn vốn với lãi suất thấp hơn để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do COVID-19.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết khi chủ trì cuộc họp thông tin về Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn ra chiều ngày 12/3/2020.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thông tin cùng báo chí. Ảnh: Tạ Dũng

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, từ khi dịch bắt đầu được phát hiện đến nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã chủ động và có trách nhiệm triển khai quyết liệt, cụ thể chỉ đạo phòng chống dịch trong nội Ngành; bám sát, đánh giá, xem xét tình hình khó khăn của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành và chia sẻ các khó khăn cùng doanh nghiệp. Và những số liệu được chia sẻ hôm nay mới chỉ là những ghi nhận bước đầu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước: Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, nông nghiệp, thủy sản, sản xuất công nghiệp, điện tử, da giầy, dệt may …

Tính tới thời điểm hiện tại, số dư nợ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn ước tính khoảng 926.000 tỷ đồng (chiếm hơn 11% tổng dư nợ).

Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản từ Hiệp hội Vận tải, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Sắn, Hiệp hội Cà phê, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội xi măng, Cơ sở giáo dục ngoài công lập, Hiệp hội Vận tải… đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của các đơn vị này.

Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước: Miễn giảm lãi thực sự với dư nợ hiện tại của doanh nghiệp tại tổ chức tín dụng cho 8000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng. Ảnh: Tạ Dũng

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi Chính phủ công bố dịch, đã sớm có chỉ đạo các các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

“Bước đầu, các ngân hàng đã xem xét cơ cấu lại các khoản dư nợ tổng trị giá 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi thực sự với dư nợ hiện tại của doanh nghiệp tại tổ chức tín dụng cho 8000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng; đang xem xét miễn giảm lãi cho vay cho hơn 34.350 khách hàng với khoản dư nợ 185.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới cho vay mới 5.493 khách hàng với tổng số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng”, ông Hùng nói.

Đề cập tới một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Sau khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, sẽ triển khai phổ biến đến từng tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng sẽ có văn bản hướng dẫn quy trình riêng nội bộ chặt chẽ, thông thoáng tạo điều kiện cho chi nhánh đơn vị thực hiện.

Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và tác động dịch để triển khai điều hành tín dụng phù hợp thực tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt hỗ trợ khách hàng vay vốn, tháo gỡ khó khăn, giảm thiệt hại do COVID-19; Có văn bản chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố đặc biệt các thành phố lớn tiếp tục tổ chức kết nối ngân hàng và tổ chức tín dụng khi điều kiện cho phép.

Riêng đối với lĩnh vực an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội phải xây dựng kịch bản chương trình hành động nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gặp khó khăn và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

NHNN đang nghiên cứu và sớm đưa ra quyết định theo xu hướng giảm lãi suất điều hành của NHNN với tổ chức tín dụng, nhằm giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào có điều kiện có nguồn vốn lãi suất thấp hơn hỗ trợ doanh nghiệp”.

Phải khẳng định rằng, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã hết sức chủ động và rất trách nhiệm với nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời triển khai để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận bản thân các tổ chức tín dụng cũng là những doanh nghiệp và cũng đang gặp phải khó khăn bởi dịch Covid-19, do đó rất mong nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ của các cơ quan làm chính sách để có thể được hưởng các chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước dành cho doanh nghiệp như xem xét việc giãn thuế, gia hạn thời gian nộp thuế….

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng chục ngàn khách hàng đã và đang được ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO