Hiệp hội Ngân hàng góp ý dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Hoàng Duy| 30/12/2020 18:37
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng nay (30/12/2020), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) tổ chức họp góp ý Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với sự tham dự của đại diện các tổ chức tín dụng và đại diện các cơ quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Phan Mai

Nhiều vấn đề quan trọng cần hướng dẫn

Được biết, Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định chi tiết về giao dịch bảo đảm được ban hành năm 2006 và đã thi hành trong 13 năm. Trong bối cảnh Bộ luật dân sự mới ban hành năm 2015; hệ thống pháp luật có nhiều chính sách, quy định mới; kinh tế xã hội phát triển, một số nội dung của Nghị định 163 chưa thực sự phù hợp và cần được sửa đổi để bảo đảm thống nhất và tính hiệu lực, tính khả thi trong quy định của pháp luật.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết Bộ Tư pháp - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ - đã lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức nhiều lần. Lần này, cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe trực tiếp ý kiến các hội viên của Hiệp hội Ngân hàng, hướng tới việc ban hành một Nghị định về giao dịch bảo đảm giải quyết được những vướng mắc thực tiễn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Phan Mai

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, Nghị định này hết sức quan trọng đối với các tổ chức tín dụng vì liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến nhiều lần. "Tới nay, Dự thảo Nghị định gần tiệm cận với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng trong quá trình đối chiếu, vẫn còn một số nội dung cần giải quyết, tháo gỡ và đưa vào Dự thảo Nghị định cho phù hợp với mục đích đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng khi cho vay, đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên đưa tài sản vào để bảo đảm và bên nhận bảo đảm đúng với pháp luật dân sự", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Nghị định (Bộ Tư pháp), cho biết vừa qua, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định và sẽ tiếp tục chỉnh lý các vấn đề kỹ thuật. "Khi xây dựng Dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo cố gắng đáp ứng thực tiễn nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật hiện tại", ông Nguyễn Hồng Hải khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, trong Nghị định có nhiều vấn đề quan trọng liên quan giao dịch bảo đảm như thu giữ, kê biên tài sản, cầm cố tài sản gắn liền với đất và ủy thác. Đây là những vấn đề cần giải quyết nhằm đáp ứng thực tế hoạt động kinh tế. Nhưng qua rà soát các văn bản pháp luật thì một số vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Ảnh: Phan Mai

"Các vấn đề lớn nếu vượt thẩm quyền Chính phủ thì sẽ xem xét nghiên cứu để đưa vào Luật về giao dịch bảo đảm. Dự kiến, năm 2021, chúng ta sẽ xây dựng Luật về giao dịch bảo đảm”, ông Nguyễn Hồng Hải thông tin.

Tổng hợp các ý kiến từ hội viên, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) - cho biết, bản Dự thảo hiện còn nhiều nội dung quan trọng cần phải hướng dẫn bổ sung để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động. Đó là các vấn đề liên quan đến giao, thu giữ tài sản, xử lý tài sản; vấn đề dịch vụ đại lý nhận quản lý tài sản bảo đảm, vấn đề hộ gia đình, vấn đề tài sản nằm trong phạm vi của tài sản bảo đảm; các vấn đề nhận tài sản bảo đảm là tài sản hạn chế chuyển nhượng…

Bên cạnh đó, hàng loạt các vấn đề mang tính kỹ thuật cũng được nêu ra với đề nghị Tổ biên tập Dự thảo Nghị định xem xét chỉnh sửa, tránh tạo ra những vướng mắc mới khi đi vào thực hiện.

Thành viên hộ gia đình là những ai?

Tại cuộc họp nhiều ý kiến các hội viên tập trung vào các nội dung như giao, thu giữ tài sản, xử lý tài sản; vấn đề đại lý nhận quản lý tài sản bảo đảm, vấn đề hộ gia đình, tài sản hạn chế chuyển nhượng, vấn đề hợp đồng vô hiệu từng phần...

Chẳng hạn, trong trường hợp bên bảo đảm là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc. nếu chủ thể ký kết hợp đồng bảo đảm khác với chủ thể đứng tên sở hữu, sử dụng tài sản thì có thể dẫn đến hậu quả bị Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu. Ngay việc xác định thành viên hộ gia đình cũng chưa có tiêu chí, căn cứ dẫn đến một số trường hợp phòng công chứng yêu cầu kê khai đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình.

Tại cuộc họp, bà Phạm Thu Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội công chứng viên Việt Nam - chia sẻ, thực tế nhiều trường hợp rất khó cho các văn phòng công chứng. Đơn cử có trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, tại thời điểm đó hộ gia đình chỉ có 2 vợ chồng và 2 con. Nhưng thời điểm phát mại, hộ gia đình lại có 7 thành viên, sổ hộ khẩu phát sinh thêm một gia đình khác hoàn toàn không có quan hệ huyết thống, thân thích. Vậy xác định thành viên hộ gia đình như thế nào? Chưa kể trường hợp hộ gia đình nhưng 2 vợ chồng không chung sổ hộ khẩu.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Ảnh: Phan Mai

“Cần có phương án giải quyết vướng mắc, phải xây dựng cơ chế xác định thành viên của hộ gia đình” – bà Phạm Thu Hằng kiến nghị.

Tài sản đủ điều kiện chuyển nhượng - quy định bất cập

Một nội dung quan trọng mà nhiều đại diện ngân hàng đều đề cập đến là các quy định yêu cầu tài sản bảo đảm phải đủ điều kiện để được chuyển nhượng. Chẳng hạn, Điều 17 Dự thảo quy định về quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, yêu cầu việc dùng tài sản này làm tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện để chuyển nhượng. Tương tự, quy định dự án đầu tư (Điều 18), phần vốn góp (Điều 16) chỉ được sử dụng làm tài sản bảo đảm khi không bị cấm hoặc hạn chế chuyển nhượng.

Đại diện tổ chức tín dụng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phan Mai

Ý kiến từ đại diện pháp chế PVCombank cho rằng trong trường hợp này các tổ chức tín dụng rất khó để xác định tài sản bảo đảm có đủ điều kiện chuyển nhượng hay không. Chẳng hạn, đối với dự án đầu tư thì thẩm quyền cho phép chuyển nhượng thuộc về cơ quan cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Thời điểm nhận thế chấp tài sản bảo đảm, ngân hàng không thể biết dự án có được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng hay không.

Theo đại diện pháp chế BIDV, đối với quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, pháp luật cho phép các ngân hàng nhận tài sản bảo đảm nhưng khi xử lý tài sản bảo đảm thì “tắc” bởi chỉ có thể chuyển nhượng theo Luật Khoáng sản, vấn đề này vẫn chưa được tháo gỡ.

Đại diện VPBank kiến nghị Tổ biên tập nên xem xét bỏ quy định về phần vốn góp vì theo Luật Doanh nghiệp, phần vốn góp chỉ có thời gian hạn chế chuyển nhượng nhất định, sau thời gian đó được chuyển nhượng tự do. Nếu cả hai bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm đều chấp nhận điều kiện này thì không cần thiết phải quy định thêm.

Cần có đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm

Kiến nghị từ CLB Pháp chế ngân hàng cho rằng Dự thảo Nghị định có quy định về việc ủy quyền khi xử lý tài sản bảo đảm nhưng chưa có quy định về đại lý nhận, quản lý tải sản bảo đảm. Việc bổ sung quy định về đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm là vô cùng cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện.

Từ ý kiến chia sẻ tại cuộc họp cho thấy đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thay mặt trái chủ, thực hiện vai trò đại lý nhận quản lý tài sản bảo đảm. Trong hợp tác với các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng thường là bên nhận quản lý tài sản bảo đảm. Dự thảo Nghị định không có quy định về hoạt động này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng. Ảnh: Phan Mai

Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng Nguyễn Thành Long phân tích thêm, đây không phải là đại lý trong hoạt động thương mại. Thực tế, khi ký kết giao dịch bảo đảm, thường có đơn vị đảm nhiệm công việc quản lý toàn bộ tài sản và thực hiện thủ tục xử lý tài sản bảo đảm sau này. Đó có thể là một đơn vị độc lập. Hoặc trường hợp nhiều ngân hàng tài trợ cho dự án và hợp đồng thế chấp có nhiều ngân hàng thì có thể ủy nhiệm cho một ngân hàng đứng ra quản lý tài sản bảo đảm đó. Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, nếu không đưa vào Nghị định này thì đề nghị xem xét đưa vào chế định khác để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định đề cập đến loại tài sản bảo đảm là kho hàng, hàng hóa luân chuyển, hàng hóa trong kho nhưng không phân định rạch ròi thế nào là kho hàng, thế nào là hàng hóa luân chuyển, hàng hóa trong kho. Chẳng hạn, hàng hóa trong kho có phải là tất cả các loại hàng hóa trong kho hay chỉ là các hàng hóa thành phẩm? Hàng hóa luân chuyển là bao gồm các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm và hàng hóa thành phẩm? Kho hàng và hàng hóa luân chuyển có phải là một?

Theo ông Nguyễn Thành Long, nếu không làm rõ được các vấn đề này có thể dẫn đến khó khăn khi thực hiện.

Bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Phan Mai

Tham dự và chia sẻ ý kiến tại cuộc họp, bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Dự thảo Nghị định được xây dựng trên khuôn khổ luật có sẵn. Các ý kiến đóng góp cho Dự thảo, cơ quan soạn thảo luôn ghi nhận và trong quá trình rà soát, sửa đổi chính sách trong luật sẽ có ý kiến. Nhưng việc tiếp thu các ý kiến đóng góp cần xem xét trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ông Nguyễn Hồng Hải đánh giá tại cuộc họp có nhiều ý kiến xác đáng, Tổ biên tập đã ghi nhận ý kiến từ các đại biểu và sẽ rà soát các quy định. Những ý kiến hợp lý trong phạm vi thẩm quyền của một Nghị định, Tổ biên tập sẽ báo cáo trong quá trình Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành. Những vấn đề vượt thẩm quyền của Nghị đinh, Tổ biên tập sẽ báo cáo khi đánh giá chính sách ở phạm vi luật và có hướng xử lý tiếp theo.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng mặc dù Dự thảo Nghị định đã được đóng dấu thẩm định và trình Văn phòng Chính phủ nhưng vẫn có thể điều chỉnh, bổ sung nếu còn có những nội dung chưa phù hợp, tránh vướng mắc khi triển khai. Tổng Thư ký đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục có ý kiến gửi về Hiệp hội. Hiệp hội Ngân hàng sẽ góp ý với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng góp ý dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO