(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 15/6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có buổi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) về việc giải quyết các vướng mắc trong quản lý tài sản bảo đảm là xe ô tô tại ngân hàng. Buổi làm việc diễn ra tại Trụ sở của Cục Cảnh sát giao thông, 112 Lê Duẩn, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tham dự buổi làm việc, về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, cùng đại diện một số tổ chức tín dụng hội viên và ban/đơn vị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; về phía Cục Cảnh sát giao thông, có: Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông và lãnh đạo, cán bộ các đơn vị có liên quan trong Cục.
Quang cảnh buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến việc cấp mới và cấp lại giấy đăng ký xe. Do vậy, cuộc làm việc hôm nay nhằm tìm hiểu xem các ngân hàng đang vướng mắc ở đâu, từ đó tìm ra hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các ngân hàng và các khách hàng.
Chia sẻ về chức năng nhiệm vụ của Cục, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, bên cạnh chức năng nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa..., Cục Cảnh sát giao thông đường bộ còn có nhiệm vụ hướng dẫn công tác đăng ký xe, cũng là đơn vị xử phạt vi phạm có liên quan tham gia giao thông đường bộ.
Đánh giá cao sự vai trò và nhiệm vụ của Cục Cảnh sát giao thông đối với trách nhiệm với xã hội, cũng như việc đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức hội viên đều làm việc dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Do đó, các văn bản pháp luật khi đưa ra cần phải đầy đủ, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của người dân nói chung, trong đó có quyền lợi của ngành Ngân hàng và các khách hàng.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá cao sự đổi mới trong công tác làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Văn bản kiến nghị được Hiệp hội gửi tới Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát giao thông (giữa tháng 5/2021), đến nay đã nhận được văn bản trả lời của Bộ Tư pháp (ngày 4/6) và hôm nay (ngày 15/6) có buổi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
Đi vào vấn đề cụ thể, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các ngân hàng đang gặp nhiều vướng mắc trong việc quản lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) là xe ô tô tại ngân hàng, cả đối với xe ô tô chưa được cấp và đã được cấp Giấy đăng ký xe (ĐKX).
Từ thực tế hiện nay, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, một số văn bản quy phạm pháp luật, thông tư hướng dẫn ban hành vẫn chưa có sự thống nhất. Do vậy, trước vướng mắc của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản kiến nghị tới Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động của các ngân hàng, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đại diện cho Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cũng có kiến nghị tới Cục Cảnh sát giao thông có các giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho các TCTD trong hoạt động quản lý tài sản bảo đảm là xe ô tô.
Ông Nguyễn Thành Long cho biết, ngoài hoạt động nhận TSBĐ là các xe ô tô đã có ĐKX các TCTD nói chung hầu hết đều triển khai các hoạt động tài trợ vốn cho khách hàng là các nhà phân phối hoặc đại lý bán xe ô tô và nhận TSBĐ là các lô xe ô tô chưa được cấp ĐKX. Đây là các lô xe được khách hàng mua từ các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.
Về mặt pháp lý, các xe ô tô chưa được cấp ĐKX như nêu trên được xác định là tài sản hình thành trong tương lai, thuộc đối tượng tài sản được thế chấp theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, được sửa đổi bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP (“Nghị định 163”).
Về mặt thực tế, các lô xe này là TSBĐ chính, chủ yếu của các nhà phân phối/đại lý bán xe giúp các doanh nghiệp này có cơ hội được tài trợ vốn bởi các TCTD để phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật hiện hành (Khoản 20 Điều 20 Thông tư 58/2000/TT-BCA...) các TCTD đang gặp khó khăn trong việc quản lý TSBĐ là các xe ô tô chưa có ĐKX này.
Ông Nguyễn Thành Long cho biết, trước xu hướng điện tử hóa, số hóa dịch vụ hành chính công, các giấy tờ có giá trị đăng ký xe nêu trên đang dần được thay thế bằng dữ liệu điện tử. Vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 về việc khai và chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện giao thông nhập khẩu. Theo đó cơ quan Hải quan sẽ không xác nhận trên Tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu như trước.
"Các TCTD hoàn toàn ủng hộ xu hướng, chủ trương tự động hóa các thủ tục hành chính như nêu trên, mặc dù vậy các TCTD lại phải đối mặt với nguy cơ không thể quản lý được TSBĐ là xe ô tô chưa có ĐKX do các biện pháp quản lý hồ sơ gốc như trước đây đang bị vô hiệu hóa, trong khi việc đăng ký thế chấp xe ô tô tại Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không bảo vệ được quyền của TCTD nếu không có sự phối hợp từ phía Cơ quan ĐKX", ông Nguyễn Thành Long cho biết.
Sự thiếu hụt về chính sách pháp lý đối với việc quản lý xe ô tô chưa có ĐKX như nêu trên hiện đang tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian lợi dụng, trục lợi từ TCTD, từ người mua xe thông qua việc bán và làm thủ tục cấp ĐKX lần đầu mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
"Hiện trạng này sẽ có thể gây ra nguy cơ tranh chấp rất cao giữa các TCTD với người mua xe và/hoặc doanh nghiệp bán xe, gây bất ổn xã hội và gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu của TCTD. Việc này sẽ không phù hợp với định hướng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc Hội khóa XIV được thông qua ngày 21/6/2017. Theo đó, vấn đề quản lý TSBĐ là xe ô tô chưa có ĐKX hiện tại đang thực sự là một khó khăn, trở ngại lớn và cần được tháo gỡ cho các TCTD", ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị, Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các Cơ quan ĐKX kiểm tra tình trạng thế chấp đối với xe ô tô trong cả trường hợp cấp mới ĐKX. Trường hợp xe ô tô được ghi nhận là thế chấp, người đề nghị sẽ chỉ được cấp ĐKX nếu có văn bản giải chấp hoặc văn bản chấp thuận của TCTD.
Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức hội viên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị, Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để sửa đổi Thông tư 58/2020/TT-BCA để bổ sung quy định về việc kiểm tra tình trạng thế chấp với xe ô tô trong trường hợp cấp mới ĐKX như nêu trên.
Chia sẻ với những khó khăn vướng mắc các TCTD đang gặp phải, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc các TCTD đang gặp phải như đề cập ở trên, vai trò của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) rất quan trọng. Cụ thể, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cần phải có cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý các giao dịch bảo đảm.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng đề nghị, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cần phải chia sẻ thông tin về các giao dịch bảo đảm lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
"Khi có các thông tin về các giao dịch bảo đảm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chúng tôi sẵn sàng sửa quy trình nghiệp vụ có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các TCTD, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân", Đại tá Đỗ Thanh Bình khẳng định.
Gửi lời cảm ơn tới Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Đại tá Đỗ Thanh Bình và các cán bộ đơn vị có liên quan trong Cục, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ có buổi làm việc cụ thể với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc các TCTD. Qua đó, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD hội viên và khách hàng.