Tin Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với nhóm công tác Ngân hàng Thế giới

Q.L 24/10/2024 - 20:46

Chiều ngày 24/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có buổi làm việc với nhóm công tác Ngân hàng Thế giới (WB). Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã đón tiếp đoàn.

Nhóm công tác WB gồm: ông Triệu Quốc Việt - Chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng nhóm công tác; ông Sirgfied Zottel – Chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng Phụ trách kỹ thuật; ông Guy Stuart – Chuyên gia tư vấn cùng các thành viên trong đoàn.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Triệu Quốc Việt, Trưởng nhóm công tác, cho biết, trong những năm qua, WB đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan nghiên cứu một số sáng kiến, xây dựng hỗ trợ kỹ thuật nhằm triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược về tài chính toàn diện tại Việt Nam. Dự kiến trong thời gian tới, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 1 (2021 - 2025) và đưa ra những đề xuất định hướng, khuyến nghị phù hợp xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2 (2026 - 2030).

Đây cũng là lý do để nhóm công tác WB đề xuất làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để tìm hiểu về những thuận lợi và thách thức đặt ra khi triển khai tài chính toàn diện đối với các tổ chức tín dụng.

img_4985.jpeg

Chia sẻ tổng quan về tình hình thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước.

Ngay sau khi Chiến lược được ban hành, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược.

"Kể từ năm 2020 đến nay, hệ thống ngân hàng thương mại đã có những chuyển biến vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Theo đó, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là từ sau đại dịch COVID-19, đã có những bước phát triển nhanh chóng về hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, khuôn khổ pháp lý, sự an toàn, tiện lợi.

Báo cáo của Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 3,5 tỷ giao dịch với tổng giá trị lên tới 66 triệu tỷ đồng. Trong đó, số lượng giao dịch qua mã QR đạt khoảng 183 triệu giao dịch, tăng 170% so với năm trước đó. Tổng giá trị giao dịch qua mã QR đạt khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng 74%...

Theo báo cáo khảo sát mới đây của VISA, 88% người tiêu dùng Việt Nam thanh toán không dùng tiền mặt. Lý do quan trọng nhất thu hút người tiêu dùng Việt Nam thanh toán không dùng tiền mặt là tính an toàn, bảo mật thông tin cá nhân, tích hợp đa dạng dịch vụ tiện ích và có chi phí thấp.

“Một trong những động lực thúc đẩy tài chính toàn diện đến từ việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung rất nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, thậm chí chủ động đi trước cả khi hoàn thiện hành lang pháp lý”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số hướng đến tài chính toàn diện, ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ trăn trở, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc xung quanh việc thu phí đối với dịch vụ chữ ký số - chữ ký điện tử gây cản trở cho việc phổ biến giao dịch điện tử, hạn chế chiến lược chuyển đổi số.

“Ngân hàng rất muốn người dân vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo có thể giao dịch hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến thông qua chữ ký số - chữ ký điện tử, không chỉ riêng giao dịch chuyển tiền mà còn cả ký kết hợp đồng nhưng hiện nay vấn đề xung quanh việc thu phí vẫn đang là nút thắt… ”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Đối với Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia giai đoạn 2 (2026 - 2030), ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tham gia đóng góp ý kiến cho Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm tham vấn nhằm đưa ra các định hướng, kiến nghị phù hợp nhất trong xây dựng chiến lược này.

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện tại rất năng động, đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng chuyển đổi đáp ứng các yêu cầu triển khai các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện trong giai đoạn mới. Tuy vậy, một mình ngành Ngân hàng thì không làm được mà cần sự vào cuộc, đồng hành của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan (không chỉ gói gọn trong cơ quan quản lý nhà nước)”.

ae9i0985.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi thêm về các vấn đề liên quan tới: thanh toán xuyên biên giới; xu hướng ngân hàng mở (Open Banking); quy định về ngân hàng đại lý trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Đối với thanh toán xuyên biên giới, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Việt Nam đã hoàn tất kết nối thanh toán song phương qua mã QR với Thái Lan, Lào và Campuchia, sắp tới sẽ là Trung Quốc.

“Việc phủ rộng merchant (đơn vị chấp nhận thanh toán) là thách thức lớn đối với thanh toán xuyên biên giới. Hiệp hội Ngân hàng, NHNN và các ngân hàng thương mại đang cùng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đồng thuận để mang đến dịch vụ thanh toán xuyên biên giới thuận lợi nhất cho khách hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Về xu hướng ngân hàng mở, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cho biết, đây là nội dung mà các ngân hàng Việt Nam đang rất quan tâm. “Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về nội dung này. Một số ngân hàng đang nghiêm túc nghiên cứu triển khai. Chúng tôi và NHNN cũng đã cùng làm việc để chuẩn bị các bước thực hiện. Hy vọng ngân hàng mở sẽ sớm được áp dụng tại Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Về cho vay đối với SMEs, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký khẳng định: “Ngân hàng rất quan tâm và luôn muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quan trọng là doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho vay. Đối với các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất rõ ràng, có dòng tiền ổn định, đảm bảo được đầu ra đầu vào, đáp ứng đủ các tiêu chí, ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay vốn và đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Ghi nhận và đánh giá cao thông tin do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, ông Triệu Quốc Việt nhận định, đây là những ý kiến rất thiết thực và hữu ích. Đại diện nhóm công tác WB đồng thời bày tỏ mong muốn sau buổi làm việc sẽ tiếp tục trao đổi và nhận được sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội Ngân hàng để nhóm công tác hoàn thiện báo cáo và đưa ra những đề xuất định hướng, khuyến nghị phù hợp giúp xây dựng hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2 cho Việt Nam.

img_4982.jpeg
Đại diện VNBA chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm công tác
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với nhóm công tác Ngân hàng Thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO