Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức khóa đào tạo “Phương pháp xây dựng báo cáo về phát triền bền vững”

Thanh Bích| 30/05/2019 20:59
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 29/5/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) tổ chức khóa đào tạo “Phương pháp xây dựng báo cáo về phát triển bền vững” tại TP. Hồ Chí Minh cho các tổ chức hội viên VNBA.

Toàn cảnh khóa đào tạo

Khóa đào tạo nhằm giúp cho các tổ chức hội viên nắm được phương pháp xây dựng Báo cáo về phát triển bền vững có chất lượng và theo đúng thông lệ quốc tế.

Tại khóa học, học viên đã được các giảng viên là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đến từ Singapore, Philippines hướng dẫn và cung cấp nhiều thông tin bổ ích như: Đánh giá về ngân hàng bền vững trong khu vực ASEAN; Sáng kiến Báo cáo toàn cầu, Bộ tiêu chuẩn GRI, Hướng dẫn cho ngành tài chính ngân hàng; Xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về tài chính bền vững…

Trên thế giới, hiện có khoảng 70 quốc gia đưa ra các quy định pháp lý bắt buộc doanh nghiệp của mình phải công bố báo cáo về phát triển bền vững theo định kỳ. Trong đó, những quốc gia có số lượng doanh nghiệp và ngân hàng tham gia nhiều nhất được kể đến là Mỹ, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Đối với ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/2015/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Chỉ thị 03 có yêu cầu hàng quý các ngân hàng phải xây dựng và báo cáo về tài chính bền vững. Đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, quy định bắt buộc các công ty niêm yết phải công bố báo cáo phát triền bền vững trên thị trường chứng khoán, trong đó tích hợp các thông tin về môi trường, xã hội và quản trị vào mẫu báo cáo thường niên. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng nâng cao nhận thức và thực hành về phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam: “Trên thực tế thì chất lượng báo cáo về phát triển bền vững ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Chỉ một số ít doanh nghiệp, ngân hàng lập được báo cáo có chất lượng, hoặc sử dụng tiêu chuẩn GRI (tiêu chuẩn lập báo cáo phát triển bền vững đang được sử dụng theo thông lệ quốc tế). Một số doanh nghiệp niêm yết thực hiện báo cáo đồng nhất, tuân theo những tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà đầu tư”.

Bà Naomin Tan - Giám đốc tài chính bền vững WWF, Singapore - chia sẻ kinh nghiệm tại khóa đào tạo

Chia sẻ những kinh nghiệm về công cụ đánh giá ngân hàng bền vững được áp dụng tại Singapore, bà Naomin Tan - Giám đốc tài chính bền vững WWF, Singapore - cho biết: Năm 2015, Singapore đã đưa ra những vấn đề: Tại sao các ngân hàng lại cung cấp tài chính cho những công ty làm ảnh hưởng tới môi trường? Muốn bảo tồn thiên nhiên thì chúng ta phải làm gì? Ngân hàng có vai trò như thế nào trong kế hoạch và chính sách của khách hàng của mình. Để bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững ,WWF đã hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng (vì các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho khách hàng), để đóng góp ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các ngân hàng cũng nhận thấy cần lồng ghép, kết hợp yếu tố bền vững vào hoạt động của ngân hàng, qua đó ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các công ty có ý thức và hành động nhằm bảo vệ môi trường.

Bà Naomin Tan cũng cho rằng, tại Việt Nam đã có một số ngân hàng đã thực hiện những nội dung về phát triển bền vững nhưng không nhiều. WWF muốn xây dựng các chuẩn mực báo cáo để hỗ trợ cho các ngân hàng Việt Nam áp dụng một cách dễ dàng vào mỗi ngân hàng. Theo bà Naomin Tan, bản báo cáo là quan trọng đối với ngân hàng, phải xác định được mục tiêu trọng yếu để đưa vào báo cáo, nói cách khác, đối với ngân hàng thì cái gì là trọng yếu và mức độ trọng yếu được thể hiện qua báo cáo như thế nào. Bà Naomin Tan cũng đưa ra ví dụ, có thể tham khảo báo cáo các yếu tố trọng yếu của Citi bank rất ngắn gọn và khoa học, dễ hiểu.

Các học viên cũng được tham khảo kinh nghiệm xây dựng Báo cáo phát triển bền vững của Sacombank với 10 bước chuẩn bị; Xác định các vấn đề quan trọng cần báo cáo; Lĩnh vực trọng yếu của Sacombank; Lập kế hoạch cho quá trình thu thập dữ liệu; Tổng hợp báo cáo; Chỉ ra những khó khăn; Định hướng cải tiến.

Thông qua khóa đào tạo này, các tổ chức hội viên VNBA đã được trang bị thêm thông tin, kiến thức để có thể thực hiện tốt hơn báo cáo phát triển vền vững, qua đó cũng rõ thêm việc hoạt động của tổ chức mình có tác động như thế nào đến kinh tế, môi trường và xã hội để đưa ra được những quyết định đúng hướng trong kinh doanh, phối hợp với nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức khóa đào tạo “Phương pháp xây dựng báo cáo về phát triền bền vững”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO