(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy nhiều cá nhân không hiểu rõ về hệ thống thông tin tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này dẫn đến hiểu lầm và có thể khiến khách hàng lo lắng thông tin vay nợ ảnh hưởng đến những hoạt động khác. Thitruongtaichinhtiente.vn đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lại Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH LLA Legal.
Phóng viên: Thưa luật sư, hệ thống thông tin tín dụng là gì và có tác động thế nào đến cá nhân xuất hiện trên hệ thống này?
Luật sư Lại Ngọc Thanh: Hệ thống thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (thường được gọi tắt là CIC) – một đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiểu đơn giản là hệ thống dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan của khách hàng vay tại các tổ chức tham gia (tổ chức tự nguyện cung cấp thông tin tín dụng cho CIC, bao gồm: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài …).
Mục đích chính của việc xây dựng hệ thống thông tin tín dụng của CIC là giúp: (i) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng như (ii) giúp cho tổ chức tín dụng ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Nếu một cá nhân có thông tin xuất hiện trên hệ thống này, điều này đồng nghĩa với việc cá nhân đó có vay tiền (bao gồm cả dưới hình thức vay qua thẻ tín dụng) tại tổ chức tín dụng, các thông tin liên quan về quan hệ tín dụng như: số tiền vay, loại vay, lãi suất, mục đích sử dụng tiền vay, nhóm nợ, số tiền chậm trả nợ, số tiền ngày chậm trả nợ… đã được tổ chức tín dụng cung cấp cho CIC để tổng hợp và cập nhật trên hệ thống.
Việc cá nhân xuất hiện thông tin về quan hệ tín dụng trên CIC là một điều bình thường, tuy nhiên nếu cá nhân chậm trả nợ, được xếp vào nhóm nợ xấu có rủi ro cao, thì có thể ảnh hưởng tới việc xếp hạng tín dụng trong các giao dịch tại các tổ chức tín dụng khác.
Phóng viên: Trường hợp khách hàng có khoản vay trở thành nợ quá hạn, nợ nhóm 3, 4… nhưng sau đó khách hàng đã trả được nợ, tất toán khoản vay thì thông tin vay nợ này có còn lưu trên hệ thống CIC và ảnh hưởng tới khách hàng như thế nào?
Luật sư Lại Ngọc Thanh: Theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các khoản nợ được xếp vào nhóm 3, 4 hoặc 5, được coi là nợ xấu.
Theo Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có thể hiểu thông tin tiêu cực về khách hàng (nợ xấu) được lưu giữ tối đa là 5 năm, kể từ ngày khách hàng tất toán được khoản vay. Nghĩa là sau khi khách hàng đã trả được toàn bộ khoản vay, thì thông tin về nợ xấu vẫn được lưu giữ trong thời hạn là 5 năm trên hệ thống của CIC.
Theo Điều 5 và Điều 6 của Thông tư số 11/2021/TT-NHNN, mỗi ngân hàng nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung, đều phải xây dựng: (i) Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và (ii) Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro.
Thông thường, một khách hàng đã phát sinh nợ xấu, thì không thể xếp hạng cao trong Hệ thống tín dụng nội bộ của ngân hàng, và không thể đáp ứng được Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng, điều này gần như không thể vay mới được tại ngân hàng đó. Mặt khác, thông qua hệ thống của CIC, các ngân hàng khác cũng sẽ cập nhật thông tin về việc phân loại nhóm nợ từ CIC, để điều chỉnh kết quả phân loại nợ nội bộ tại ngân hàng mình đối với khách hàng, và do đó khách hàng cũng rất khó để vay vốn tại ngân hàng khác.
Phóng viên: Trường hợp khách hàng có nhiều khoản vay tại nhiều ngân hàng, nếu 1 khoản vay trở thành nợ quá hạn thì việc này có tác động đến các khoản vay tại ngân hàng khác không? Liệu khách hàng có thể bị các ngân hàng khác thu hồi nợ trước hạn và nếu không thể trả nợ thì bị xử lý tài sản bảo đảm?
Luật sư Lại Ngọc Thanh: Như thông tin tôi đã trao đổi, theo khoản 3, Điều 8 của Thông tư số 11/2021/TT-NHNN, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp, các ngân hàng khác có nghĩa vụ điều chỉnh nhóm nợ theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do CIC cung cấp. Trường hợp kết quả tự phân loại nợ của khách hàng thấp hơn nhóm nợ theo danh sách khách hàng do CIC cung cấp, ngân hàng phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo nhóm nợ của khách hàng do CIC cung cấp.
Theo đó, nếu khách hàng phát sinh nợ xấu ở ngân hàng A, thì thông qua hệ thống của CIC, mặc dù tại ngân hàng B khách hàng chưa phát sinh nợ quá hạn, nhưng ngân hàng B phải cập nhật và điều chỉnh nhóm nợ của khách hàng (thành nợ xấu). Nếu thành nợ xấu, thì ngân hàng B có quyền áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng, áp dụng quy định của pháp luật bao gồm cả việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Để hạn chế những thiệt hại phát sinh, ví dụ như bị ngân hàng B thu hồi nợ trước hạn, xử lý tài sản bảo đảm… khách hàng có thể nhanh chóng, thu xếp trả khoản nợ xấu tại ngân hàng A. Như vậy, khoản nợ tại ngân hàng B có thể sẽ được xem xét giữ lại nhóm nợ.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!