(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ý kiến các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế 2022: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" cho rằng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, cần hỗ trợ doanh nghiệp hợp lý để nâng cao sức cạnh tranh và chống chịu trong bối cảnh mới.
|
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định chính nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng. Sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức. Nêu rõ, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 được coi như một cú sốc để kiểm tra sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn, sức mua từ khách hàng giảm sút do cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng tổ chức đều thắt chặt chi tiêu.
Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, các cơ chế, chính sách đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua.
Tính đến tháng 8/2022, Chính phủ, các Bộ, cơ quan đã chủ động, nỗ lực xây dựng và ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ thông qua giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và đảm bảo khả năng duy trì sản xuất cho doanh nghiệp. Trong các chính sách ứng phó và hồi phục kinh tế, chính sách ưu đãi thuế luôn được cân nhắc đầu tiên do tác động trực tiếp và nhanh chóng. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng cho biết, Chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai rất đồng bộ và đã có sự tính toán kỹ lưỡng tránh sự chồng lấn giữa các giải pháp ở trong cùng một nhóm chính sách hay giữa các nhóm chính sách với nhau. Các chính sách tập trung chủ yếu vào nhóm chính sách tài khóa, trong đó Chính phủ xác định chi cho đầu tư phát triển, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí và hỗ trợ 2% lãi suất là các giải pháp trọng tâm. Nhờ sự đồng bộ của các giải pháp, chương trình đã thu được một số kết quả khả quan, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, chính sách trong một số trường hợp đưa ra các tiêu chí không sát đối với hoạt động doanh nghiệp; trong một số trường hợp, các văn bản luật khi được ban hành còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, các văn bản luật chưa được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều văn bản luật chậm cập nhật gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.
Hai đề xuất từ đại diện doanh nghiệp
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, sau đại dịch doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn lưu động, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, số lượng và lợi nhuận của đơn hàng sụt giảm do thắt chặt chi tiêu, thiếu lao động…
Để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức chống chịu cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới, bà Hà Thu Thanh cho rằng cần cải thiện tính ổn định về tài chính và tính thanh khoản giúp doanh nghiệp tránh mất khả năng thanh toán do lợi nhuận sụt giảm, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và thích ứng thông qua việc cải thiện tính linh hoạt trong điều hành hoạt động giúp doanh nghiệp tăng năng suất, hỗ trợ lao động duy trì việc làm và khả năng thích ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục tái cơ cấu để giảm số lượng và tác động của các DN có nguy cơ phá sản liên quan đến những thách thức pháp lý và tài chính khi có một cuộc khủng hoảng kéo dài.
Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đề xuất với Chính phủ xây dựng một cơ chế cho các DN đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đai cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, xây dựng khung cơ chế cho báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp cho thị trường tài chính nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp niêm yết trong việc công bố thông tin liên quan đến các hoạt động ESG.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng xây dựng các chính sách trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt; ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác.
Tại Diễn đàn, ý kiến các chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, với độ mở của nền kinh tế lớn, việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là, trong đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng, cần được các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách ưu tiên hàng đầu.