Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp| 24/01/2019 14:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tóm tắt: Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển (ĐTPT) của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, bao gồm cả chi phí trả lãi vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các chi phí khác có liên quan phát sinh trong quá trình vay vốn tại ngân hàng này.

Ngày nhận bài: 23/11/2018 -  Ngày biên tập: 27/11/2018 - Ngày duyệt đăng: 14/12/2018. (Bài viết đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 24/2018)                                       

Từ khoá: chi phí sử dụng vốn, tín dụng ĐTPT của Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam

SUPPORTING ENTERPRISES TO REDUCE COSTS OF THE STATE’S DEVELOPMENT INVESTMENT  CREDIT CAPITAL

Abstract: The article suggests some solutions to help enterprises reduce costs of using the State’s development investment credit capital in the current period. These costs include interest paid to Vietnam Development Bank and other related costs incurred during the loan process at this bank.

Keywords: cost of capital, the State’s development investment credit, Vietnam Development Bank

1. Đặt vấn đề

Trong hoạt động kinh doanh, chi phí là yếu tố có ảnh hưởng rất quan trọng đến hiệu quả của các doanh nghiệp. Nó không chỉ là cơ sở để xác định giá thành và giá bán sản phẩm mà còn là một trong hai nhân tố cơ bản quyết định đến tỷ suất sinh lời của đồng vốn đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Do đó, trong quản trị tài chính doanh nghiệp, các nhà quản trị đều chú trọng đến việc thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều khoản chi phí. Đó có thể là chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, chi phí nhân công, chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí tài chính (đặc biệt là chi phí đi vay), chi phí sử dụng các dịch vụ mua ngoài… Trong đó, chi phí đi vay (bao gồm cả lãi tiền vay và các chi phí khác phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản vay của doanh nghiệp)(1) luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí của các doanh nghiệp bởi bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu và các khoản vốn chiếm dụng không cần trả lãi, hầu hết các doanh nghiệp đều phải vay vốn từ các nguồn khác nhau.

Ở Việt Nam, do hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất vay vốn được áp dụng ở mức khá cao so với khả năng tạo doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, việc thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí đi vay là một việc làm rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn không phải trả lãi nhằm giảm thiểu chi phí sử dụng các nguồn vốn vay, thì bản thân tổ chức tín dụng cũng cần áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí tạo lập nguồn vốn cũng như chi phí hoạt động khác, làm cơ sở hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sử dụng vốn vay.

Tại Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018, trong số các nhiệm vụ được đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng nghiên cứu triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu chi phí tín dụng và dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, bao gồm cả chi phí lãi vay và các chi phí phát sinh khác có liên quan đến khoản vay (như chi phí thực hiện các thủ tục vay vốn, chi phí sử dụng dịch vụ ngân hàng trong quá trình sử dụng vốn vay…) cũng là một việc làm cần thiết, bởi cho đến thời điểm hiện tại, việc cho vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước qua VDB vẫn là một kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện dự án đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Nhà nước khuyến khích.

2. Chi phí cơ bản của doanh nghiệp khi sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước

Tín dụng ĐTPT của Nhà nước thực chất là một biện pháp hỗ trợ về nguồn vốn từ Nhà nước đối với các doanh nghiệp dưới hình thức cho vay thông qua một định chế tài chính chuyên biệt là VDB để đầu tư vào một số loại dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng thuộc những ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn mà Nhà nước ưu tiên đầu tư. Ở nước ta, chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000 theo Nghị định số 43/1999/NĐ-CP, với nhiều ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp vay vốn, bao gồm cả ưu đãi về thời hạn cho vay, lãi suất cho vay và tài sản bảo đảm tiền vay.

Chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước hiện hành được quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP. Theo đó, có khoảng 20 loại dự án đầu tư thuộc lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp hoặc dự án đầu tư thực hiện tại một số địa bàn đặc thù (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135, các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang) thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Số vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Thời hạn của mỗi khoản vay do VDB quyết định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn, tối đa có thể lên tới 15 năm (đối với dự án thuộc nhóm A) hoặc 12 năm (đối với các dự án khác).

Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP nói trên, các doanh nghiệp khi vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải trả lãi vay cho VDB với lãi suất bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu VDB kỳ hạn 5 năm cộng tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của ngân hàng này(2). Trường hợp khoản vay phát sinh nợ quá hạn, doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT sẽ phải trả lãi quá hạn theo mức do VDB quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Các khoản lãi này (bao gồm cả lãi vay trong hạn và lãi vay quá hạn) chính là chi phí đi vay cơ bản và lớn nhất mà doanh nghiệp phải trả cho việc sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện khoản chi phí lãi vay nói trên, để được vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, các doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện nhất định(3) mà trong đó có những điều kiện được quy định khác biệt so với điều kiện áp dụng đối với khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng thông thường(4) và có thể làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp vay vốn tại VDB. Chẳng hạn, theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, để được chấp thuận cho vay và giải ngân vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, doanh nghiệp vay vốn còn phải thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công(5) cũng như thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu(6)…

Bên cạnh đó, trong thời gian sử dụng vốn vay, doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước còn phải chịu một số chi phí khác, chẳng hạn chi phí sử dụng dịch vụ thanh toán của VDB khi giải ngân vốn vay, hoặc một số chi phí phát sinh liên quan đến việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm tiền vay (trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ và phải xử lý tài sản bảo đảm tiền vay)…

Trong các khoản chi nói trên, theo chế độ kế toán, có những khoản được hạch toán vào chi phí tài chính của doanh nghiệp, có những khoản được hạch toán vào các khoản mục chi phí khác. Tuy nhiên, do tất cả khoản chi này đều phát sinh từ việc đi vay và sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, nên trong bài viết này, các khoản chi đó đều được coi là chi phí sử dụng vốn.

3. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình cải cách tài chính công, ưu đãi về lãi suất trong chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước có xu hướng giảm dần để phù hợp với chủ trương đổi mới phương thức phát triển tín dụng nhà nước theo nguyên tắc thương mại được đặt ra tại Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2020 và nguyên tắc tiến tới bù đắp chi phí về vốn, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động của VDB được quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP. Mặc dù vậy, so với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước nhìn chung vẫn có chi phí sử dụng vốn thấp hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện nỗ lực giảm lãi suất cho vay cũng như các loại phí dịch vụ ngân hàng khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giảm bớt khó khăn về tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh, thì việc nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu hơn nữa chi phí sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước vẫn là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, bởi đến thời điểm hiện tại thì nguồn vốn này vẫn là một kênh cung ứng vốn ĐTPT được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn khi thực hiện các dự án đầu tư.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn giảm thiểu chi phí sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, trong phạm vi quyền hạn của mình, VDB cần nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đồng thời có biện pháp hỗ trợ khách hàng giảm thiểu các chi phí liên quan đến việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án và thủ tục vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Cụ thể, VDB cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Một là: Tăng cường minh bạch hoá các điều kiện cho vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước cũng như quy trình vay vốn tại VDB bằng nhiều hình thức đa dạng để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình nghiên cứu, lập dự án vay vốn cũng như lựa chọn các phương án sử dụng vốn vay phù hợp với nhu cầu của dự án.

Hai là: Chủ động và tích cực hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục vay vốn (bao gồm cả các thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư cũng như thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục của dự án) để giảm thiểu thời gian và chi phí liên quan trong việc thực hiện các thủ tục này; tránh trường hợp doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và chi phí hoàn thiện hồ sơ của dự án vay vốn hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn hoặc giải ngân vốn vay do thiếu các hồ sơ theo quy định.

Ba là: Tích cực tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ và đẩy mạnh huy động vốn bằng các hình thức khác nhau đã được cho phép tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB để giảm thiểu chi phí huy động vốn; đồng thời nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quản lý hoạt động của VDB nhằm giảm tỷ lệ chi phí quản lý, làm cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.

Bốn là: Chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị rủi ro (bao gồm cả rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản) nhằm giảm thiểu các tổn thất và chi phí phát sinh trong hoạt động tín dụng ĐTPT (đặc biệt là chi phí dự phòng rủi ro), tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí sử dụng vốn cho doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.

Năm là: Nghiên cứu đa dạng hoá các dịch vụ ngân hàng của VDB (như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh ngân hàng, cho vay vốn lưu động…) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của các doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT tại VDB, hạn chế việc phát sinh thêm chi phí cho các doanh nghiệp này do phải sử dụng dịch vụ ngân hàng của nhiều ngân hàng khác nhau.

Để các giải pháp nêu trên có thể triển khai áp dụng được một cách đầy đủ, VDB cũng cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về lãi suất tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP theo hướng thay đổi cơ sở xác định lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước từ chỗ dựa vào lãi suất huy động trái phiếu kỳ hạn 5 năm như hiện nay sang dựa vào chi phí nguồn vốn bình quân của VDB, mở đường cho việc giảm lãi suất tín dụng ĐTPT thông qua việc mở rộng huy động các nguồn vốn khác có chi phí thấp hơn so với nguồn vốn tạo lập bằng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Cùng với đó, VDB cũng cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi các quy định pháp lý khác liên quan đến hoạt động của VDB (như Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính…) nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho VDB trong việc triển khai một số hoạt động nghiệp vụ mới chưa được quy định trong các văn bản pháp lý hiện nay (kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh ngân hàng, cho vay vốn lưu động…).

Chú thích:

(1) Theo Chuẩn mực số 16 Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, chi phí đi vay bao gồm: (a) Lãi tiền vay ngắn hạn, lãi tiền vay dài hạn, kể cả lãi tiền vay trên các khoản thấu chi; (b) Phần phân bổ các khoản chiết khấu hoặc phụ trội phát sinh liên quan đến những khoản vay do phát hành trái phiếu; (c) Phần phân bổ các khoản chi phí phụ phát sinh liên quan tới quá trình làm thủ tục vay; (d) Chi phí tài chính của tài sản thuê tài chính.

(2) Điều 9 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP quy định: Lãi suất cho vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu VDB được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời gian 1 năm trước thời điểm công bố lãi suất cộng tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ chi phí quản lý ổn định trong thời kỳ 3 năm, đảm bảo cho VDB đủ nguồn kinh phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

(3) Điều 6 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP quy định khách hàng vay vốn tín dụng ĐTPT phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: (1) Thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này; (2) Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; (3) Dự án đầu tư xin vay vốn được VDB thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay; (4) Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do VDB xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định; (5) Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật; (6) Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm VDB xem xét cho vay, giải ngân vốn vay; (7) Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay; (8) Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.

(4) Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện: (1) Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; (2) Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; (3) Có phương án sử dụng vốn khả thi; (4) Có khả năng tài chính để trả nợ; (5) Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

(5) Theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, vốn đầu tư công bao gồm cả vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.

(6) Theo quy định Điều 1 và Điều 4 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, dự án có sử dụng vốn nhà nước (bao gồm vốn ngân sách nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn ĐTPT của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất) từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án phải thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Tài liệu tham khảo:

- Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13

- Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13

- Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước

- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

- Minh Hạnh (2018), “Cắt giảm chi phí doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh”, Báo Lao động điện tử, ngày 26/8/2018, truy cập tại https://laodong.vn/kinh-te/cat-giam-chi-phi-doanh-nghiep-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-627473.ldo

- Nguyễn Cảnh Hiệp (2017), “Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước: nhìn từ yếu tố lãi suất”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 8 (471), tháng 8/2017

- Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành và công bố sáu (06) chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 2)

- Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020

- Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO