Nhìn ra thế giới

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Xuân Thanh 26/04/2025 12:19

Ngày 22/4/2025, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu, do tác động tiêu cực của chính sách thuế quan dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, kinh tế toàn cầu đang đứng trước thời khắc cam go. Sau thời gian dài chịu tác động của các cú sốc không có tiền lệ, các dấu hiệu ổn định xuất hiện trong hầu hết năm 2024. Lạm phát hạ nhiệt từ đỉnh cao trong nhiều thập niên và hiện đang lùi dần về mục tiêu do các ngân hàng trung ương đề ra, thị trường lao động bình thường trở lại với tỷ lệ thất nghiệp trở về mức trước đại dịch, tăng trưởng kinh tế dao động quanh ngưỡng 3,0% trong những năm gần đây và đang tiến sát mức tăng trưởng tiềm năng.

Tuy nhiên, xu hướng thay đổi chính sách đang sắp đặt lại hệ thống thương mại và gia tăng bất ổn toàn cầu, một lần nữa thử thách sức chịu đựng của kinh tế toàn cầu. Từ tháng 2/2025, chính quyền Mỹ đã thông báo hàng loạt làn sóng thuế quan đối với các đối tác thương mại, và một số nước đã tiến hành các biện pháp trả đũa, bất ổn liên quan đến chính sách thương mại toàn cầu có nguy cơ leo thang lên đỉnh cao lịch sử. Hệ quả là, GDP toàn cầu sẽ giảm tốc trong những tháng tới đây, khi các mức thuế quan do Mỹ áp đặt đối với các quốc gia đối tác được thiết lập sẽ bắt đầu gây tổn thương về mặt kinh tế.

Nhiều yếu tố tác động đến triển vọng GDP toàn cầu

Căng thẳng thương mại đang gây khó khăn cho việc đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu, buộc IMF phải đưa ra những kịch bản khác nhau.

Thứ nhất, kịch bản đưa ra dựa trên các mức thuế do chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo kể từ ngày 04/4, và là dự báo tham chiếu lần này.

Thứ hai, dự báo đưa ra trước ngày 2/4 kết hợp các thông báo chính sách ưu tiên và diễn biến kinh tế sau dự báo tháng 10/2024.

Thứ ba, mô hình dự báo sau ngày 09/4 được sử dụng để lượng hóa tác động liên quan đến việc tạm hoãn áp đặt các mức thuế quan và leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dự báo tham chiếu và các kịch bản thay thế

Theo dự báo tham chiếu, GDP toàn cầu được dự báo giảm từ kết quả tăng 3,3% trong năm 2024 xuống mức tăng 2,8% trong năm 2025, sau đó phục hồi nhẹ lên mức tăng 3,0% trong năm 2026, và báo cáo điều chỉnh giảm triển vọng kinh tế hầu hết các quốc gia trên thế giới. Phạm vi điều chỉnh rộng khắp này phản ánh tác động trực tiếp của các biện pháp thương mại mới và tác động lan truyền gián tiếp của nó thông qua các mối quan hệ thương mại, bất ổn tăng cao và tâm trạng hoảng loạn. Trong ngắn hạn, các mức thuế quan sẽ gây tác động khác nhau đến mỗi quốc gia, tùy thuộc vào các mối quan hệ thương mại, cơ cấu công nghiệp, biện pháp trả đũa, và các cơ hội đa dạng hóa thương mại. Trong một vài trường hợp (như Trung Quốc, và khu vực đồng euro), các gói hỗ trợ tài khóa sẽ bù đắp phần nào tác động tiêu cực của chính sách thuế.

Với những bất ổn thương mại trên đây, IMF đưa hai kịch bản kinh tế sau đây:

(i) Theo mô hình dự báo trước ngày 2/4/2025, GDP toàn cầu sẽ tăng 3,2% trong năm 2025-2026, mỗi năm giảm 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2025. Theo kịch bản này, mức điều chỉnh giảm sâu nhất đối với các nước bị tác động trực tiếp của chính sách thuế, trong khi GDP những nước khác cũng giảm tốc do tác động lan truyền của chính sách thuế;

(ii) Theo mô hình dự báo sau ngày 09/4, GDP toàn cầu sẽ tăng 2,8% trong năm 2025 và tăng khoảng 2,9% trong năm 2026. Mô hình dự báo này kết hợp các thông báo về mức thuế quan sau ngày 04/4 và vì thế không nằm trong dự báo tham chiếu.

Đối với các nước phát triển (AEs), GDP theo dự báo tham chiếu sẽ giảm từ kết quả tăng 1,8% trong năm 2024 xuống mức tăng 1,5% trong năm 2025 và 1,5% trong năm 2026. Dự báo này điều chỉnh giảm 0,5% GDP năm 2025 so với dự báo cách đây ba tháng, bao gồm mức điều chỉnh giảm đáng kể GDP tại Canada, Nhật Bản, Anh và Mỹ, nâng dự báo kinh tế Tây Ban Nha.

Đối với Mỹ, GDP năm 2025 được điều chỉnh giảm xuống mức tăng 1,8%, giảm 1,0% so với kết quả tăng GDP năm 2024 và giảm 0,9% so với dự báo tháng 01/2025. Động thái điều chỉnh giảm GDP bắt nguồn từ bất ổn chính sách, căng thẳng thương mại, nhu cầu giảm sâu hơn kỳ vọng. Chính sách thuế quan cũng cản trở GDP năm 2026, với dự báo chỉ tăng 1,7% do tiêu dùng tư nhân giảm.

GDP tại khu vực đồng Euro được dự báo giảm nhẹ xuống mức tăng 0,8% trong năm 2025, sau đó phục hồi lên mức tăng 1,2% trong năm 2026. Trong đó, bất ổn và thuế quan tăng cao là yếu tố chủ yếu cản trở kinh tế năm 2025, các yếu tố hỗ trợ GDP năm 2026 bao gồm tiêu dùng tăng vững nhờ thu nhập tăng và các biện pháp nới lỏng tài khóa tại Đức sau những thay đổi cơ bản về luật ngân sách.

Báo cáo điều chỉnh giảm GDP tại AEs khác, bao gồm Canada (giảm 0,6% dự báo GDP năm 2025 và giảm 0,4% dự báo GDP năm 2026), chủ yếu là do tác động của các mức thuế mới áp đặt lên hàng xuất khẩu sang Mỹ. Đối với Nhật Bản, GDP năm 2025 được dự báo chỉ tăng 0,6%, giảm 0,5% so với dự báo tháng 01/2025, phản ánh tác động của chính sách thuế quan mặc dù chi tiêu dùng tăng cao. Đối với Anh, GDP năm 2025 được dự báo tăng 1,1%, giảm 0,5% so với dự báo tháng 01/2025, phản ánh tác động tích cực từ năm 2024, mức thuế quan mới, lợi suất trái phiếu viền vàng tăng cao, tiêu dùng tư nhân yếu ớt do lạm phát và giá cả tăng cao.

Đối với các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs), GDP theo dự báo tham chiếu sẽ giảm từ kết quả tăng 4,3% trong năm 2024 xuống mức tăng 3,7% trong năm 2025 và 3,9% trong năm 2026, lần lượt thấp hơn 0,5% và 0,4% so với dự báo tháng 01/2025. Sau khi giảm rõ rệt trong năm 2024, GDP tại EMDEs châu Á tiếp tục giảm xuống mức tăng 4,5% trong năm 2025 và 4,6% trong năm 2026, chủ yếu là do tác động của chính sách thuế quan. Trong đó, các nước ASEAN chịu tác động mạnh nhất. Đối với Trung Quốc, báo cáo điều chỉnh giảm GDP năm 2025 xuống mức tăng 4,0%, giảm 0,6% so với dự báo tháng 01/2025, chủ yếu là do tác động tiêu cực của các mức thuế quan gần đây, mặc dù được bù đắp một phần nhờ kinh tế quý IV/2024 tăng cao và chính sách mở rộng tài khóa.

GDP tại EMDEs châu Âu được dự báo sẽ giảm từ kết quả tăng 3,4% trong năm 2024 xuống mức tăng 2,1% trong năm 2025-2026, chủ yếu là do kinh tế Nga lao dốc từ kết quả tăng 4,1% trong năm 2024 xuống mức tăng 1,5% trong năm 2025 và 0,9% trong năm 2026 do tiêu dùng tư nhân và đầu tư giảm tốc trong bối cảnh mức lương tăng thấp.

Trong trung hạn, kinh tế toàn cầu không mấy lạc quan do thiếu động lượng cải cách cơ cấu và hàng loạt thách thức. Trong 5 năm tới đây, GDP dự báo tăng 3,2%, thấp hơn kết quả tăng trung bình 3,7% trong giai đoạn 2000-2019. Đối với nhiều EMDEs và một vài AEs, dự báo trung hạn này thấp hơn so với dự báo đưa ra vào năm 2020, chủ yếu là do các nỗ lực đồng quy thu nhập bị mất động lượng.

Theo dự báo tham chiếu, lạm phát cơ bản toàn cầu được kỳ vọng giảm xuống tỷ lệ 4,3% trong năm 2025 và 3,6% trong năm 2026. Tại AEs, lạm phát sẽ giảm dần về mục tiêu của ngân hàng trung ương xuống tỷ lệ 2,2% vào năm 2026, trong khi lạm phát cơ bản tại EMDEs giảm xuống 4,6%. Năm 2025, thương mại toàn cầu được dự báo giảm xuống mức tăng 1,7%, thấp hơn 1,5% so với dự báo tháng 01/2025, phản ánh tác động tiêu cực của chính sách thuế đến các dòng thương mại, xóa nhòa tác động tích cực mang tính chu kỳ trong hoạt động thương mại gần đây.

Về tổng thể, nguy cơ tăng trưởng thấp sẽ chi phối triển vọng kinh tế toàn cầu, cả trong ngắn hạn và trung hạn. Trong đó, rủi ro đối ngược sẽ trầm trọng hơn. Căng thẳng thương mại và bất ổn chính sách kéo dài sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế trung hạn, trầm trọng nhất là tác động đến kinh tế Mỹ và Trung Quốc, nhiều nước châu Á và châu Âu. Chiến tranh thương mại cũng tiếp sức tăng áp lực lạm phát, chủ yếu thông qua tác động tăng giá hàng nhập khẩu. Bên cạnh rủi ro và các rào cản thương mại bổ sung, bất ổn kéo dài liên quan đến chính sách thương mại đặt ra những rủi ro khác đối với đầu tư và tăng trưởng.

Nếu lạm phát kéo dài và bật tăng trở lại, các ngân hàng trung ương tại một số quốc gia có thể sẽ duy trì lãi suất cao hơn so với kỳ vọng hiện nay, dẫn đến những khác biệt về lãi suất, qua đó kích hoạt làn sóng đào thoát dòng vốn và thắt chặt điều kiện tài chính, nhất là tại EMDEs, thị trường tài chính sẽ chao đảo và giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO