Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất: Cần chính sách tài khóa hỗ trợ bằng tiền thật

Thanh Hải - Bùi Trang| 28/10/2021 07:27
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh” diễn ra ngày 27/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, cần sự kết hợp đồng bộ của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ; đặc biệt, cần chính sách tài khoá hỗ trợ bằng tiền thật... để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngân hàng chủ động vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết ngay khi dịch bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc quyết liệt đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, điển hình là ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNH về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến nay thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3, mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Điều đó cho thấy ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng.

Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp… Kết quả đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32.000 tỷ đồng. Đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/2021 là 5,2 triệu tỷ đồng.

Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay, các TCTD tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến nay đạt 12.600 tỷ đồng. Số tiền này chưa bao gồm 4.000 tỷ đồng theo cam kết của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Cùng với đó là 1.800 tỷ đồng giảm phí cho các doanh nghiệp.

Trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, hoạt động ngân hàng vẫn đảm an toàn, thông suốt. Cùng với đó, các ngân hàng cũng tích cực chung tay ủng hộ công tác phòng chống COVID-19 theo lời kêu gọi của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tỉnh thành. Chỉ tính riêng việc ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19, các ngân hàng cũng đã đóng góp gần 1.000 tỷ đồng.

“Các hoạt động hỗ trợ hiện nay ngành Ngân hàng đang làm, bản chất là doanh nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm lãi giảm phí”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng các khoản dư nợ cơ cấu cho khách hàng đều phải loại khỏi dự thu, đồng thời phải trích dự phòng rủi ro tối thiểu 30% ngay vào cuối năm 2021. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng gây khó cho các tổ chức tín dụng.

Hiện chính sách tài khoá miễn giảm thuế 30% thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng thì các tổ chức tín dụng không được hưởng. Các ngân hàng cũng chưa nhận được sự chia sẻ từ các đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông. Hiện nay, các ngân hàng đang phải trả phí tin nhắn dịch vụ với mức giá gấp 3 lần thông thường, Hiệp hội Ngân hàng đã 4 lần kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng tới nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ngoài ra, tất cả những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn, việc xem xét cho vay mới là rất khó khăn.

Trong bối cảnh ngân hàng không hạ chuẩn cho vay, doanh nghiệp thì doanh thu giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thậm chí thua lỗ, tài sản bảo đảm thiếu, quản lý dòng tiền khó khăn…. Việc các tổ chức tín dụng tiếp tục cho doanh nghiệp vay cần phải được xem xét trong điều kiện riêng có, vì vậy, cần có cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.

Cần chính sách tài khóa hỗ trợ bằng tiền thật

Đối với các giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dư địa giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng hiện còn rất nhỏ. Thực tế tiền gửi dân cư 9 tháng đầu năm chỉ có xu hướng sụt giảm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm, có thể thấy người dân sẽ đầu tư vào các kênh khác như vàng, bất động sản, chứng khoán… dẫn đến các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong huy động vốn.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng phải cơ cấu nợ, giảm lãi vay, giảm phí cho các doanh nghiệp… vòng quay đồng tiền khó khăn hơn, tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng bị ảnh hưởng nếu không linh hoạt. Thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng đã gần hết dư địa trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, về tổng thể, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng rất cần chính sách đồng bộ như sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. "Cần chính sách tài khoá bằng tiền thật cho doanh nghiệp. Nhiều quốc gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp. Muốn nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách phải tạo nguồn thu cho doanh nghiệp ", Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất các giải pháp để mở rộng hỗ trợ từ phía tài khóa nếu ngân sách khó khăn: Chính phủ có thể "vay tiền" từ ngân hàng trung ương, hoặc phát hành trái phiếu, qua đó có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.

Tại diễn đàn này, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi sự đồng lòng, sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp với ngành Ngân hàng, để cùng nhau đồng hành, cùng cộng sinh để có đủ nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn do chịu tác động của đại dịch, hướng tới phát triển ổn định, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất: Cần chính sách tài khóa hỗ trợ bằng tiền thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO