Hỗ trợ phục hồi tăng trưởng đi đôi với kiểm soát lạm phát là bài toán khó cho NHNN

Bùi Trang| 15/08/2022 06:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần nguồn vốn phục hồi tăng trưởng nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, các chuyên gia cho rằng cần cơ chế phân bổ room tín dụng theo hướng nắn dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh các lĩnh vực rủi ro.

Nhiều thách thức trong nửa cuối năm

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng phản ánh tình trạng dư nợ cho vay đã chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm cấp từ đầu năm, trong khi nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp vẫn rất cao. Báo cáo của NHNN cũng cho thấy tín dụng 6 tháng năm 2022 đã tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2019-2021 và dần tiệm cận chỉ tiêu định hướng của NHNN.

Được biết, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế được đề ra tại Chỉ thị 01, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD và chỉ đạo TCTD mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến ngày 11/7/2022, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm 2021 (cao hơn cùng kỳ năm 2020-2021)  và tăng 16,79% so với cùng kỳ 2021 do cầu tín dụng tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực của quá trình phục hồi kinh tế. Như vậy, trong hơn 5 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm chưa đầy 5%.

Bên cạnh đó, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN cũng tạo thêm áp lực đối với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo thông tin từ NHNN, các ngân hàng đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2022 và cơ quan này đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp thẩm quyền để giao bổ sung vào kế hoạch đầu tư công năm 2022, năm 2023 để NHNN triển khai chính sách.

Tuy nhiên, diễn biến trong tháng 6 đầu năm đã cho thấy những khó khăn bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm tới, ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường thế giới biến động khó lường. Lạm phát ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu ghi nhận mức kỷ lục lên tới 10%, trong khi mục tiêu lạm phát chỉ là 1 - 2%; Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất; đồng USD liên tục tăng giá…

Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Trong 6 tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn như triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 11/NQ-CP 2022, trong đó đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay…

Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, phân tích kỹ lưỡng những động thái của Ngân hàng Trung ương các nước và những thay đổi chính sách vĩ mô trong nước để có những quyết sách, hành động hướng đến mục tiêu: kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống. Với mục tiêu đó, toàn Ngành tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.”

Thực hiện, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13,6% của năm 2021 và 12% của năm 2020, trong điều kiện áp lực lạm phát tăng, thì đây là sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu này đã được NHNN đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo các mục tiêu đề ra. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại cũng được tính toán, cân nhắc trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, cụ thể.

Cấp hạn mức tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên

Liên quan đến hạn mức cấp tín dụng, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng: “Nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ không tăng để hạn chế lạm phát thì chúng ta cần sử dụng hạn mức này tốt hơn đặc biệt trong việc phân bổ hạn mức còn lại. Cấp room tín dụng cho ngân hàng nào cũng cần thận trọng. Cần ưu tiên cho các ngân hàng sử dụng đúng hạn mức tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên”.

Thực tế ở Việt Nam, lạm phát hiện nay có yếu tố chi phí đẩy và room tín dụng đang được NHNN tính toán cân nhắc để vừa đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Đây là bài toán khó của NHNN và cũng được các TCTD rất chia sẻ. Tuy nhiên, room tín dụng còn liên quan đến sản xuất kinh doanh trong nước nên các doanh nghiệp và ngân hàng đều mong sớm có phương án phân bổ hạn mức tín dụng còn lại. Bên cạnh đó, để tránh dòng tiền đi vào những lĩnh vực rủi ro, NHNN có thể kiểm soát dòng tiền đầu vào, khuyến khích các TCTD cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên.

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN đang theo dõi đánh giá tình hình tăng trưởng tín dụng cũng như các diễn biến kinh tế vĩ mô, các yếu tố như lạm phát và các yếu tố khác, trên cơ sở đó xem xét điều chỉnh phần hạn mức còn lại chưa giao cho các TCTD. NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng căn cứ vào tình hình hoạt động, ưu tiên hỗ trợ các TCTD giảm lãi suất cho vay và căn cứ vào một số tiêu chí khác.

Một chuyên gia tài chính cho rằng việc phân bổ room tín dụng cũng như giám sát sau phân bổ là một thách thức lớn. Theo đó, cần đổi mới cơ chế phân bổ, đảm bảo dòng vốn đúng kế hoạch, không đi vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và phải có cơ chế “dừng” nếu thấy có sự lệch hướng bởi NHNN luôn muốn phòng ngừa trước rủi ro hơn là “chạy chữa”. Vị chuyên gia này cho rằng, trong việc thực hiện, rất cần sự gắn kết giữa cơ quan quản lý là NHNN và các TCTD trong đó Hiệp hội Ngân hàng là cầu nối để điều chỉnh đảm bảo phát triển và an toàn khi môi trường bên ngoài biến động nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ phục hồi tăng trưởng đi đôi với kiểm soát lạm phát là bài toán khó cho NHNN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO