(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 15/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; Ban Lãnh đạo NHNN cùng đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng.
Ngành Ngân hàng góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm ngành Ngân hàng đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Bức tranh nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm hiện lên khá tích cực khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Đi đôi với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức khá thấp so với bối cảnh lạm phát tăng nóng trên toàn cầu.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tạ Dũng |
Với thị trường tiền tệ ngoại hối, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay chỉ tăng rất nhẹ, trong khi lãi suất tại các nước khác tăng cao. Tỷ giá cũng được kiểm soát ổn định, trong khi đồng nội tệ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới mất giá.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Ngân hàng cũng tổ chức triển khai được các nhiệm vụ quan trọng như đánh giá, tổng kết và tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2022 - 2026; trình các cấp có thẩm quyền chủ trương đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó, ngành cũng đã thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, diễn biến trong tháng 6 đầu năm đã cho thấy rằng những khó khăn bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm tới, ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh thị trường thế giới biến động khó lường.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Tạ Dũng |
Lạm phát ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu ghi nhận mức kỷ lục lên tới 10%, trong khi đó mục tiêu lạm phát chỉ là 1 - 2%; Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất; đồng USD liên tục tăng giá,…
“Trong 6 tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn như triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 11/NQ-CP 2022, trong đó đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay", Thống đốc nêu rõ.
Đơn cử như phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hoá tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, nước ta lại là nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu…. Đặc biệt, việc triển khai gói cấp bù lãi suất với lượng tiền lớn khi lạm phát đang tăng cũng đặt ra những thách thức nhất định.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động trong thời gian qua cũng sẽ tác động đến ngành Ngân hàng.
“Chính vì vậy, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tới đây sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều hành khéo léo của chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá
Trình bày Báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trên cơ sở dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô và thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 và triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, NHNN đã điều tiết thanh khoản phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Thời gian tới, cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: Tạ Dũng |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước chuyển sang thắt chặt CSTT và tăng nhanh lãi suất, cùng với áp lực lạm phát trong nước gia tăng, NHNN đã nỗ lực điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh
Đồng thời, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong khi vẫn nỗ lực để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, trong đó có nhu cầu nhập khẩu xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu.
Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, xác định bối cảnh thế giới, trong nước có nhiều thách thức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Theo dõi tỷ giá biến động linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường thông qua việc phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT. Với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, NHNN đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
NHNN cũng sẽ triển khai thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội Nghị. Ảnh: Tạ Dũng |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhận định, bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua và tới đây tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới vẫn đang diễn ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có những nỗ lực lớn, quyết tâm cao để triển khai.
Trước tình hình đó, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm để tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo, điều hành của NHNN, cùng với nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, thời gian tới các TCTD có dư địa để ổn định và thậm chí giảm lãi suất cho vay. NHNN đề nghị các TCTD quyết tâm cùng toàn Ngành ủng hộ chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc ổn định, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
Về điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt điều hành, tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động mua bán ngoại tệ của các TCTD, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết, NHNN đã quán triệt, chỉ đạo các NHTM triển khai trong toàn hệ thống tại 2 hội nghị vừa qua, đồng thời đã thực hiện các thủ tục đề nghị cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn đầu tư công thực hiện chính sách hỗ trợ và đã phân bổ hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng NHTM.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ trình bày Báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Tạ Dũng |
Điều chỉnh linh hoạt, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã trình bày Báo cáo Đánh giá hoạt động, tình hình triển khai công tác tín dụng ngành, lĩnh vực 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm 2022.
Theo đó, về điều hành tín dụng chung, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. Ảnh: Tạ Dũng |
Kết quả, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của NHNN.
Đồng thời, NHNN đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời đã phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan chủ trì trong xây dựng, trình ban hành các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả, đến cuối tháng 6/2022, dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 274.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2021. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 74,3% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống chiếm tỷ trọng 25,7% tổng dư nợ.
Đối với các nhiệm vụ tín dụng chính sách tại Chương trình phục hồi theo Nghị quyết 43/2022/QH15, đến ngày 13/7/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 9.048 tỷ đồng.
Đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, sau 2,5 năm triển khai, chính sách này đã góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với giá trị nợ được cơ cấu lũy kế là gần 710.000 tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng. Việc cơ cấu thực hiện đến ngày 30/6/2022, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đến nay, các TCTD đã trích bổ sung dự phòng đối với các khoản cơ cấu, giữ nguyên nhóm ở mức cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục đánh giá khả năng phát triển bền vững của các ngành kinh tế nhất là các ngành động lực tăng trưởng nhanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế 6 tháng.
Tín dụng với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong việc cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án quy mô lớn, phân khúc cao cấp… Đồng thời, tập trung tín dụng vào việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, nhà ở giá rẻ…
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng phải hết sức bình tĩnh, phân tích kỹ lưỡng trước những chính sách vĩ mô, hướng đến mục tiêu “bất di bất dịch” của ngành: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.
Với mục tiêu đó, Thống đốc đã nêu rõ những nhiệm trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Thứ nhất, tổng quan vẫn phải bám sát Chỉ thị 01, cho đến nay thì các giải pháp vẫn đang đi đúng hướng. Cần theo dõi sát các diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới để đưa ra giải pháp phù hợp đặc biệt là điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành khéo léo.
Thứ hai, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữ ở mức 14% trong năm nay. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam hiện dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá đây là một rủi ro tiềm ẩn trong tương lai nếu hệ thống tài chính có vấn đề.
Thứ ba, khẩn trương triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN. Đây là chương trình mà ngành Ngân hàng phải nghiêm túc thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.
Thứ tư, tập trung thực hiện tốt đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 5 năm tới.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong ngân hàng, đáp ứng nhu cầu các mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời tăng cường an toàn, an ninh cho hoạt động thanh toán số.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra giám sát toàn diện mọi mặt hoạt động của ngân hàng.
Thứ bảy, làm tốt công tác truyền thông.
Thứ tám, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý.
Các đầu cầu trực tuyến tham dự hội nghị |
Thống đốc đề nghị, ngay sau Hội nghị, các đơn vị chức năng khẩn trương tiến hành rà soát để tháo gỡ ngay những vướng mắc trong các chính sách đã ban hành, đồng thời tăng cường đôn đốc kiểm tra giám sát các đơn vị phụ trách. Chi nhánh các tỉnh, thành phố cần bám sát chính sách để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện và giám sát, cũng như là tăng cường thanh kiểm tra, tham mưu cấp ủy các địa phương xử lý những vướng mắc.
Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia các buổi tiếp xúc với người dân để giải đáp thắc mắc chính sách. Các TCTD cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và các hoạt động khác.
Về phía các tổ chức tín dụng, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn chia sẻ: “Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn từ đại dịch COVID-19 và lạm phát tăng cao trên toàn thế giới. Song, với sự vào cuộc sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như NHNN, nền kinh tế đã đạt được những hiệu quả ấn tượng. Sự phục hồi kinh tế cho thấy, chính sách mà NHNN điều hành rất nhất quán, linh hoạt, những giải pháp đã đúng hướng, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Công tác điều hành lãi suất mang lại kết quả tích cực, giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo quyền lợi của người dân". Bên cạnh đó, dưới góc độ của một NHTM, ông Phạm Đức Ấn cũng cho rằng, việc NHNN kiểm soát đối với tăng trưởng tín dụng là động thái cần thiết để kiểm soát rủi ro, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. “Agribank với quy mô là một trong những ngân hàng lớn, vẫn luôn thể hiện vai trò gương mẫu đối với việc thực hiện những chỉ đạo NHNN, đặc biệt là không tăng lãi suất, góp phần duy trì mặt bằng lãi suất ở mức vừa phải, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, ổn định, bền vững”, Chủ tịch HĐTV Agribank nhấn mạnh. |