Hoạt động ngân hàng

Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC)

P.V 10/03/2024 - 16:35

Trong khuôn khổ tiến trình hội nhập ngân hàng khu vực ASEAN, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC) lần thứ 27 vào ngày 7/3/2024 tại Viêng Chăn, Lào.

web.jpeg
Các Phó Thống đốc NHTW ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị SLC 2024

Hội nghị được tổ chức nhằm định hướng và quản lý hoạt động của toàn bộ tiến trình hội nhập tài chính - ngân hàng ASEAN trong các giai đoạn, gắn liền với quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN chung vì sự phát triển và thịnh vượng. Đây là Hội nghị SLC đầu tiên trong năm 2024 dưới sự chủ trì của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) và NHTW Lào.

Hội nghị có sự tham gia của toàn bộ các Phó Thống đốc NHTW ASEAN, Đồng chủ trì các Nhóm công tác ASEAN về hợp tác ngân hàng và đại diện các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB, Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN – AMRO, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo NHTW các nước Đông Nam Á – SEACEN).

Hội nghị đã thảo luận về kết quả hoạt động năm 2023 và định hướng ưu tiên công tác năm 2024 của các Nhóm công tác ASEAN, cập nhật về tiến độ triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng khu vực ASEAN.

Đồng thời, hội nghị cũng dành thời gian điểm lại ý kiến chỉ đạo của các Thống đốc NHTW ASEAN vào tháng 8/2023 tại Hội nghị cấp cao của khu vực ASEAN. Theo đó, các lãnh đạo cấp cao về tài chính – ngân hàng trong khu vực ghi nhận những thành tựu ấn tượng của các NHTW ASEAN trong tiến trình thúc đẩy tài chính bền vững, cụ thể: (i) Hoàn thành chương trình nâng cao năng lực về tài chính bền vững lần thứ 2; (ii) Xây dựng Lộ trình xanh hoá ASEAN (ASEAN Green Map) – văn bản hướng dẫn tổng thể định hướng phát triển hệ sinh thái tài chính bền vững trong khu vực.

AFMGM nhấn mạnh các công cụ tài trợ đổi mới, sáng tạo là động lực then chốt không chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng một cách công bằng, hợp lý, đáng tin cậy, mà còn có tác dụng tích cực trong việc kết nối các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Các Thống đốc NHTW ASEAN khuyến khích các nước thành viên triển khai các sáng kiến mang tính định hướng ứng dụng cho các tổ chức tài chính nhằm tạo điều kiện chuyển đổi năng lượng, cắt giảm sử dụng nhiên liệu than đá và tích cực huy động nguồn vốn tư nhân.

Tăng trưởng kinh tế khu vực tiếp tục vững mạnh

Tại phiên thảo luận về diễn biến kinh tế vĩ mô, AMRO nhận định tăng trưởng khu vực tiếp tục vững mạnh trong năm 2024 và thời gian tới (tăng trưởng năm 2024 dự kiến đạt mức 4,9%) nhờ động lực chính là cầu nội địa, lạm phát khu vực tiếp tục ở mức vừa phải (dự báo ở mức 5,2% năm 2024) với tốc độ cắt giảm lạm phát chậm hơn.

Chi tiêu hộ gia đình dự báo tiếp tục tăng nhờ vào điều kiện việc làm tốt và thu nhập hộ gia đình được cải thiện.

Hoạt động đầu tư có triển vọng dần phục hồi, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dự báo cải thiện trong năm 2024 nhờ vào nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng từ Mỹ, lĩnh vực du lịch được kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những thách thức và nhiều yếu tố bất định đến từ rủi ro các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu suy thoái và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu.

Tại Hội nghị, đại diện ADB đã có bài trình bày về tài chính xanh và tài chính chuyển đổi trong khu vực. ADB đánh giá xu hướng đầu tư trái phiếu bền vững ASEAN đang gia tăng về cả khối lượng, kỳ hạn và tính đa dạng. Tuy nhiên, vai trò của ngành Ngân hàng ASEAN trong thúc đẩy tài chính bền vững còn khá khiêm tốn, thị phần tài chính bền vững trong lĩnh vực ngân hàng hiện chỉ chiếm 2%.

Do vậy, ADB khuyến nghị các quốc gia ASEAN bổ sung lộ trình chuyển đổi cho lĩnh vực ngân hàng trong quá trình xây dựng hệ thống phân loại tài chính bền vững (Taxonomy).

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đánh giá cao những thông tin và khuyến nghị của ADB, đồng thời cho rằng với cơ chế khuyến khích phù hợp, hệ thống ngân hàng thương mại trong nước có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy tài chính bền vững. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống phân loại tài chính bền vững khu vực ASEAN cần đảm bảo tính linh hoạt, cho phép các nước thành viên có lộ trình chuyển đổi riêng trên cơ sở mức độ phát triển/sẵn sàng của hệ thống quản lý tài chính và kĩ thuật trong nước.

Hội nghị ghi nhận ý kiến đóng góp của Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng và giao Nhóm công tác Tài chính bền vững của SLC phối hợp với ADB tiếp tục triển khai các ý kiến chỉ đạo của các Phó Thống đốc.

Trong khuôn khổ Hội nghị, dưới sự điều phối của Đồng chủ trì, các Nhóm công tác về hợp tác ngân hàng ASEAN đã báo cáo tiến độ triển khai các sáng kiến/hoạt động trong năm 2023 và trình các Phó Thống đốc phê duyệt/cho ý kiến chỉ đạo về định hướng triển khai hoạt động trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đánh giá cao nỗ lực của các Nhóm công tác trong việc hoàn thành hầu hết các hoạt động đã đề ra trong năm 2023 với các kết quả đáng ghi nhận như hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu tài chính toàn diện, thúc đẩy triển khai xây dựng Khuôn khổ giao dịch đồng bản tệ, thúc đẩy sửa đổi nâng cấp Thỏa thuận hoán đổi ASEAN, tổ chức nhiều hoạt động tăng cường năng lực hiệu quả và thiết thực, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chung theo Tầm nhìn ASEAN 2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng NHTW Indonesia tiếp nhận vai trò đồng chủ trì SLC, nhiệm kì 2024-2026

Kết thúc Hội nghị, NHNN đã cùng với NHTW Indonesia tuyên bố tiếp nhận vai trò Đồng chủ trì SLC nhiệm kỳ 2024-2026. Đây là lần đầu tiên NHNN tiếp quản vai trò đồng chủ trì SLC, qua đó thể hiện trách nhiệm của NHNN với các thành viên ASEAN, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng trong tiến trình hội nhập ngân hàng trong khu vực, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại đa phương trong lĩnh vực ngân hàng. Đây cũng là cơ hội để NHNN tăng cường kết nối hợp tác với các đối tác quan trọng như lãnh đạo cấp cao của các NHTW, Bộ Tài chính, tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng chúc mừng thành công của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore và NHTW Lào trên cương vị Đồng chủ trì SLC nhiệm kỳ 2022-2024.

Với tư cách là Đồng chủ trì tiếp theo của SLC, Phó Thống đốc khẳng định NHNN và NHTW Indonesia sẽ tiếp tục phát huy các thành quả của Đồng chủ trì tiền nhiệm, đồng thời mong muốn các Phó Thống đốc NHTW ASEAN cùng đồng lòng hỗ trợ NHNN và NHTW Indonesia hoàn thành tốt nhiệm vụ Đồng chủ trì SLC trong nhiệm kì 2024-2026.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO