Chủ Nhật, 30/3/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc thực hiện cải cách đồng thời đối với các lĩnh vực bao gồm: cải thiện quy định kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế có thể thúc đẩy tổng sản lượng của các quốc gia Đông Nam Á lên đến 3% trong 4 năm.
Các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong vài thập kỷ qua. Thu nhập bình quân đầu người của các nền kinh tế lớn nhất ở khu vực này đã tăng ít nhất gấp 3 lần trong 20 năm qua, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và hoạch định chính sách thận trọng. Việt Nam là quốc gia hiện có mức thu nhập cao hơn 11 lần so với năm 2000. Dựa trên những thành quả như vậy, việc thu hẹp khoảng cách với các quốc gia có thu nhập cao và tránh "bẫy thu nhập trung bình" mặc dù đầy thách thức nhưng vẫn trong tầm tay.
Việc thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu có chủ đích và đầy tham vọng có thể giúp các nền kinh tế lớn trong khu vực đạt được tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao hơn, cũng như đạt được mức thu nhập cao một cách bền vững. Các cải cách sâu rộng có thể xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc khi đối mặt với những bất ổn, giúp khu vực tư nhân thúc đẩy tăng trưởng.
Nghiên cứu của IMF cho thấy, việc kết hợp các cải cách toàn diện, trên toàn nền kinh tế, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ quy định, quản trị đến giáo dục, là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó.
Nghiên cứu về mức tăng sản lượng từ các cải cách cơ cấu ở các nền kinh tế tiên tiến và các thị trường mới nổi cho thấy, các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam - 5 thị trường mới nổi lớn nhất trong số 10 nền kinh tế trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - có thể tăng sản lượng kinh tế thực tế trung bình từ 1,5% đến 2% sau 2 năm và lên đến 3% sau 4 năm khi áp dụng các biện pháp cải cách toàn diện và đồng thời trên toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện các cải cách này thường kéo theo những thách thức lớn về kinh tế chính trị; đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực từ nhiều bên liên quan để đảm bảo thành công và phát triển bền vững.
6 quốc gia, 4 yếu tố
Phân tích của IMF nhằm mục đích giúp 5 nền kinh tế lớn của ASEAN đạt được mục tiêu cùng với nền kinh tế thứ 6 - Singapore, trở thành một trong những quốc gia có thu nhập cao trong 2 - 3 thập kỷ tới.
IMF tập trung đánh giá vào 4 yếu tố: Sự cởi mở về thương mại và kinh tế, sự nhạy bén của thị trường, điều kiện đầu tư - quản trị và phát triển nguồn nhân lực. Đây là những yếu tố chính cần giải quyết, mặc dù các lĩnh vực trọng tâm được khuyến nghị sẽ khác nhau tùy theo từng quốc gia.
Trong khi 6 nền kinh tế lớn của ASEAN nhìn chung cởi mở hơn so với các thị trường mới nổi trung bình trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), các quốc gia này vẫn còn nhiều rào cản thương mại hơn so với quốc gia trung bình trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khi đo bằng chỉ số Hiệu suất tạo thuận lợi thương mại (TFP). Cải thiện logistics và tạo thuận lợi thương mại để giúp các giao dịch xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn và ít bất ổn hơn sẽ giúp 5 quốc gia có nền kinh tế mới phát triển lớn nhất ASEAN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, tại buổi thảo luận trong Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF vào tháng 10/2024, việc giải quyết tình trạng thương mại dịch vụ chậm trễ có thể giúp tối đa hóa lợi ích cạnh tranh và sự lan tỏa công nghệ, đồng thời tạo ra việc làm chất lượng cao. Trên thực tế, quá trình chuyển đổi kinh tế dựa vào dịch vụ tại các thị trường mới nổi nhiều hơn không có nghĩa là phạm vi bắt kịp mức thu nhập của các nền kinh tế tiên tiến sẽ bị thu hẹp - tuy nhiên, để tận dụng tối đa điều đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang các dịch vụ có năng suất cao .
Các nền kinh tế lớn của ASEAN nhìn chung đều đa dạng hóa tốt, mặc dù có nhiều mức độ phức tạp về kinh tế khác nhau, dẫn đầu là Singapore. Các quốc gia này thường có trình độ giáo dục và năng suất lao động còn hạn chế. Do đó, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục chất lượng cao, cải thiện chất lượng học tập và kết hợp tốt hơn các kỹ năng với công việc sẽ giúp các quốc gia này cải thiện năng suất và có bước tiến đáng kể cho nền kinh tế nói chung (thay vì chỉ trong các lĩnh vực cụ thể).
Xét về sức hấp dẫn đầu tư, các thị trường mới nổi lớn nhất ASEAN có xu hướng tụt hậu so với mức trung bình của các nước OECD về các biện pháp quản trị như hiệu quả của chính phủ và chất lượng quản lý. Tuy nhiên, các nước này lại đi trước nền kinh tế thị trường mới nổi trung bình trong G20 về lĩnh vực này. Các nước ASEAN thường cho thấy hiệu suất logistics yếu hơn và quy định kinh doanh phức tạp hơn, chỉ có Singapore là ngoại lệ. Cuối cùng, trong khi tín dụng nội địa tương đối dồi dào ở các nền kinh tế mới nổi lớn của ASEAN, thì sự hòa nhập tài chính vẫn chưa đủ để hỗ trợ tăng trưởng trên diện rộng, được phản ánh trong tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp ở một số quốc gia. Tăng cường quản trị và chống tham nhũng, cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng cũng sẽ hỗ trợ phát triển kinh doanh bền vững và có khả năng cải thiện đầu tư.
Về phát triển nguồn nhân lực, điều đáng chú ý là các quốc gia thị trường mới nổi lớn của ASEAN đều có lợi thế về mặt nhân khẩu học so với chuẩn mực. Nói cách khác, các nước này thường có nhiều người đi làm hơn người phụ thuộc (trẻ em và người già). Do đó, cơ hội để thực hiện cải cách trước khi dân số già hóa làm tăng gánh nặng tài chính (như lương hưu và chăm sóc sức khỏe) là rất lớn. Một vấn đề khác là các quốc gia này thường có bất bình đẳng lớn hơn mức trung bình của OECD, với tuổi thọ, sức khỏe dân số và mức sống thấp hơn. Ngoài ra, còn có tỷ lệ lao động phi chính thức cao hơn. Nếu thu hẹp được những khoảng cách này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng toàn diện và phục hồi.
Ưu tiên cải cách để thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững và toàn diện
Dựa trên phân tích trong báo cáo năm 2024 của IMF về Indonesia và Philippines, tác động của gói cải cách toàn diện sẽ hiệu quả hơn so với cải cách kinh tế đơn lẻ. Việc đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, quy định đối ngoại, quản trị và phát triển nguồn nhân lực có thể nâng tổng sản lượng kinh tế lên tới 3% sau 4 năm. Còn nếu chỉ thực hiện một cải cách kinh tế đơn lẻ, thì lợi ích mang lại sẽ ít hơn đáng kể.
Kết quả này nhấn mạnh rằng, các cải cách kinh tế được thực hiện đồng thời và toàn diện có thể giúp các quốc gia đang phát triển của ASEAN đạt được tiềm năng tăng trưởng cao hơn và hiện thực hóa tầm nhìn đạt được mức thu nhập cao theo xu hướng bền vững. Trong bối cảnh môi trường toàn cầu dễ bị sốc, các biện pháp này cũng có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi bằng cách thúc đẩy tăng trưởng đa dạng, toàn diện và bao trùm ở cấp độ trong nước và đảm bảo một khuôn khổ thể chế đáng tin cậy, mạnh mẽ để tiếp tục bứt phá tăng trưởng do khu vực tư nhân thúc đẩy.