(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 4/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức hội nghị tại Mộc Châu - Sơn La bàn về việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò chính sách tín dụng ưu đãi đối với khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Hội nghị do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì.
Toàn cảnh hội nghị |
Tham dự hội nghị có đại biểu tới từ các cơ quan Đảng và Nhà nước trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân 14 tỉnh trong khu vực; đại diện các NHTM và doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc là địa bàn quan trọng về kinh tế - xã hội, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống lâu đời với bản sắc văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, đây cũng là vùng còn nhiều khó khăn nhất cả nước về địa hình, khí hậu, dân số, cơ sở hạ tầng và điều kiện phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa.
Tính đến hết tháng 7/2019, huy động vốn của toàn ngành Ngân hàng trong khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Thông tin từ NHNN cho biết, đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực trung du miền núi phía Bắc, ngoài 14 chi nhánh NHNN với chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, mạng lưới ngân hàng hoạt động tại khu vực đã được mở rộng đến 176 chi nhánh cấp 1; 151 quỹ tín dụng nhân dân và 1.052 chi nhánh trực thuộc và phòng giao dịch. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có 17 chi nhánh loại I đang hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh; Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) có mạng lưới hoạt động của 14 chi nhánh NHCSXH tỉnh, 127 phòng giao dịch cấp huyện, tổ chức 2.566 điểm giao dịch xã, thành lập 37.489 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, bản.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp, trong đó tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách. Chẳng hạn như Công ty CP chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung có địa chỉ tại Bản Mé, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La - hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn nái và lợn thịt thương phẩm - đã nhận được sự đồng hành của Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La tạo điều kiện cho vay 82 tỷ đồng để thực hiện dự án. Bắt đầu đi vào xây dựng từ năm 2016, đến nay công ty đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động với quy mô đàn 2.400 lợn nái sinh sản và 20.000 lợn thịt thương phẩm/năm; diện tích chuồng trại 32.000 m2. Đi vào hoạt động với quy mô đàn đúng như thiết kế, hiện công ty đã có sản phẩm cung cấp ra thị trường, tạo điều kiện công ăn việc làm cho 150 lao động tại địa phương, với mức lương ổn định từ 5 triệu đồng/ tháng trở lên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo UBND các tỉnh; tham luận, ý kiến tham gia của các tổ chức tín dụng; tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn trên địa bàn. Nhìn chung các ý kiến đã thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, như: Nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn dẫn đến phải bố trí nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên và vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác; đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp; thiếu các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực nói chung, khu vực trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp, địa hình phức tạp, hiểm trở, nhiều nguồn lực và lợi thế của vùng chưa được khai thác và phát huy; thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng nguy cơ tái nghèo cao…
Tín dụng ưu đãi từ NHNN&PTNT giúp Công ty CP chè Cờ Đỏ không ngừng phát triển sản xuất |
Đại diện Quỹ Tín dụng Nhân dân Thị trấn Nông Trường Mộc Châu - Tỉnh Sơn La kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân hơn nữa; kiến nghị giảm thu lệ phí xuống còn 50% so với hiện hành; đề nghị các cơ quan lập pháp, tư pháp nghiên cứu những thủ tục liên quan đến việc vay vốn được nhanh gọn, không rườm rà, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân thuận lợi trong công tác tiếp cận vốn vay vừa bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn, có như vậy mới thúc đẩy được phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào cuộc chiến chống cho vay nặng lãi, góp phần hạn chế mất trật tự an toàn xã hội.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách; đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa; tăng cường biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; lồng ghép các chương trình chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên mỗi một tỉnh, huyện phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương; có chính sách điều hòa vốn phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các chi nhánh trên địa bàn để đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, hiểu biết về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng do ngành ngân hàng triển khai để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin và cách thức tiếp cận vốn vay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu kết luận tại hội nghị |
Bế mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú khẳng định: “Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng những giải pháp nêu trên sẽ được triển khai một cách mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc”.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Cùng với nhiều chính sách, giải pháp của Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau hơn 16 năm hoạt động NHCSXH đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn quốc nói chung và tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói riêng. Vốn tín dụng chính sách xã hội tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã góp phần giúp trên 762 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 204 ngàn lao động (trên 10 ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 186 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 127 ngàn căn nhà ở... góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010-2019, tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhờ tổ chức thành công mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng..., thực hiện giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, tổ chức giao dịch tại điểm giao dịch xã, NHCSXH đã chuyển tải trên 86.330 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ. Việc thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn theo cấp thôn đã giúp quản lý tốt nguồn vốn, tạo thuận lợi hơn trong việc bình xét hộ vay vốn, việc sinh hoạt định kỳ theo quy ước hoạt động của tổ và công tác kiểm tra, giám sát công khai dân chủ trong thôn. Ông Nguyễn Sơn Vương – Phó Giám đốc Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Công ty thành lập từ 1958, ban đầu là nông trường quốc doanh, năm 2006 chuyển đổi thành công ty cổ phần. Hiện tại mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 600 tấn chè sang thị trường Đài Loan và Đông Âu. Công ty chủ yếu có hai loại sản phẩm Kim Tuyên và chè San Tuyết – Mân Côi. Nhiều năm qua trong quá trình chuyển đổi và phát triển công ty luôn được hưởng mức tín dụng ưu đãi của NHNN&PTNT như năm 2017, 2018 mức lãi suất 6,5 %, năm 2019 công ty vay ngắn hạn 8 tỷ đồng, mức lãi suất ưu đãi 6%. Nguồn vốn vay ưu đãi đã hỗ trợ công ty ổn định vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng mới, đầu tư tái sản xuất, đáp ứng chi trả nhân công…. Đặc biệt từ đầu năm 2019, công ty đầu tư chuyển 2 xưởng chế biến về gần nhau để thuận lợi cho sản xuất, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, máy móc mới để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Nhờ nguồn vốn vay này, công ty đã mạnh dạn thay dần giống chè mới. Công ty hiện tạo công ăn việc làm cho 256 hộ gia đình tại 3 bản Nà Tân, Nậm Tôm Bà Hía là những người dân tái định cư từ vùng hồ Thủy điện Sơn La với mức bình quân thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ông Kiều Quốc Nhật - Phó Giám đốc Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu Hợp tác xã (HTX) thành lập năm 2015, hoạt động với mô hình hợp tác cùng các hộ nông dân về đất đai, tư liệu sản xuất. HTX cung ứng vật tư, cây giống, kỹ thuật chăm sóc, thu mua và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân theo giá thị trường. Hiện tại sản phẩm của HTX Chanh leo Mộc Châu được bán tại thị trường Trung Quốc và trong nước. Nguồn vốn vay ưu đãi của HTX chủ yếu từ NHNN&PTNT, NHCSXH. Các ngân hàng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho HTX ngay từ những ngày đầu thành lập. Với nguồn vốn này, HTX đầu tư cho vật tư đầu vào, cho sản xuất giống cây trồng, phân bón, phương tiện vận tải phục vụ thu mua… Hiện tại, năng suất giá trị sản phẩm của HTX ước tính đạt khoảng 200 triệu/ hecta. Năm 2018 lợi nhuận hợp tác xã đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngọc Lan - huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La HTX Ngọc Lan thành lập tháng 5/2010 trên cơ sở tự nguyện góp vốn của các thành viên để cùng hợp tác sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng dân dụng, nước sinh hoạt, giao thông nông thôn, thủy lợi, kinh doanh vật liệu xây dựng, chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp…. Năm 2016, HTX chuyển hoạt động sang lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển trồng cây ăn quả lâu năm. Hiện tại HTX có 52 thành viên với quy mô 100 ha trồng xoài, nhãn, cam và bưởi da xanh theo mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Sản xuất nông nghiệp nói chung trồng cây ăn quả nói riêng là nghề sản xuất liên quan trực tiếp đến người nông dân, đòi hỏi người sản xuất phải có vốn, tư liệu sản xuất để duy trì sản xuất đến 3 năm sau đầu tư. Rất may Agribank huyện Mai Sơn - Sơn La đã luôn đồng hành và tạo điều kiện để HTX được tiếp cận nguồn vốn vay theo các chương trình tín dụng của chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tháo gỡ khó khăn và chủ động được về nguồn vốn giúp phát triển trồng cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Agribank đồng hành từ việc hướng dẫn thiết lập các hồ sơ vay vốn đến hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh của HTX cũng như trực tiếp giám sát việc sử dụng vốn vay, những lúc khó khăn đã tìm nhiều giải pháp để giúp đỡ HTX giải quyết. Bên cạnh đó, được hỗ trợ từ Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây trên địa bàn tỉnh và nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, HTX đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói sản phẩm và vườn ươm giống cây ăn quả lưu vườn. Đào giếng đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu an toàn vệ sinh và hệ thống tưới phun mưa tự động trong các vườn ươm giống, đáp ứng nhu cầu giống cho các thành viên và nhân dân trong tỉnh, ngoài tỉnh. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sản phẩm quả của HTX Ngọc Lan đã được các cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cấp Giấy chứng nhận là đơn vị đủ điều kiện sản xuất cây ăn quả sạch, có mã số mã vạch, mã truy suất nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Năm 2016, sản phẩm bưởi da xanh, xoài Đài Loan của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều đơn vị khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh đã liên hệ thu mua sản phẩm của HTX. Vụ thu hoạch năm nay, trên 100 tấn xoài của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Australia và Trung Quốc. |