(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 27/11/2019, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp”.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục và đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước một số tỉnh, thành phố lân cận; đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Ngân hàng; đại diện một số Trường đại học, Học viện, Viện Nghiên cứu, cơ sở đào tạo; các nhà khoa học có bài viết; đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ); đại biểu đại diện các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, phóng viên của các cơ quan báo chí trong và ngành. Đại diện Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo |
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi mô hình phát triển như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg ngày 25/9/2012), Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định 403/2014/QĐ-TTg ngày 20/3/2014). Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh, cụ thể: Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
Để thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Đây được coi là những bước đi đầu tiên trong định hướng hoạt động ngân hàng hướng tới mục tiêu Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt ngày 7/8/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngay sau khi có những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã ngay lập tức “vào cuộc”. Các tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình; một số ngân hàng thương mại (NHTM) cũng chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh. Nhờ sự triển khai tích cực đó, đến hết tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018, trong đó dư nợ trung, dài hạn chiếm 76% dự nợ tín dụng xanh. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Các tham luận của Hội thảo đã tập trung làm rõ việc tăng trưởng tín dụng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức của quá trình phát triển bền vững cũng như quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương… từ đó đưa ra nhiều giải pháp cho tăng trưởng tín dụng xanh ở Việt Nam hiện nay.
Một số tham luận, ý kiến tại Hội thảo |
ThS. Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết đến cuối tháng 6/2019, dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm 46%), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 15%), quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông tho (chiếm 11%), lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.
Đại biểu từ các NHTM cho biết các NHTM đã rất quan tâm triển khai tín dụng xanh. Đại biểu VietinBank cho biết tính đến hết quý III/2019, VietinBank đã ký kết trên 600 nghìn hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ là hơn 16 nghìn tỷ đồng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung và tài trợ cho năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và quản lý nước sạch.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, thách thức của đối với các NHTM khi thực hiện chính sách tín dụng xanh là: Các quy định về pháp luật còn dàn trải; Các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; Các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường xã hội tường làm phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là các ngành nghề mới ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió, điện rác, nông nghiệp công nghệ cao; và cuối cùng là thách thức về năng lực thông tin thông tin của ngân hàng.
Thông tin từ tham luận của ThS. Trần Thị Thanh Bích, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, VNBA cũng tham gia rất tích cực để góp phần thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam với những hành động cụ thể như: Phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức trao Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu năm. Giải thưởng được xét duyệt dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có cả nội dung về tín dụng xanh và phát triển bền vững, được đánh giá một cách khách quan, độc lập bởi các chuyên gia đại diện các cơ quan Chính phủ, Bộ ngành, Hiệp hội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin. Không chỉ nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh, giải thưởng còn là sự ghi nhận đối với các ngân hàng đã có những thành tựu xuất sắc và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung; Tham gia tích cực và có tiếng nói mạnh mẽ cổ động ngân hàng xanh tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm; Ghi nhận và nêu gương những đóng góp của các tổ chức hội viên đã tích cực tham gia, triển khai hoạt động tài chính xanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững từ đó khuyến khích, nâng cao nhận thức về tài chính xanh trong hệ thống các TCTD và tiến tới là cả trong các doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói: “tăng trưởng xanh, tài chính xanh, ngân hàng - tín dụng xanh là lĩnh vực hết sức mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, việc tổ chức Hội thảo là rất cần thiết để có thể tập hợp ý tưởng, sáng kiến và kinh nghiệm của các đại biểu rút ra từ kết quả nghiên cứu, khảo sát về ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam và quốc tế. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp và khuyến nghị hữu ích nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội, đặc biệt giải quyết tốt những thách thức làm cản trở việc tăng trưởng tín dụng xanh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam”.
Toàn cảnh hội thảo |