Nhìn ra thế giới

IMF công bố dữ liệu về dự trữ ngoại hối quốc tế đến cuối quý III/2023

Xuân Thanh 27/12/2023 07:03

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tính đến cuối quý III/2023. Dữ liệu này được tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên và phi thành viên IMF cùng một số thực thể khác có nắm giữ ngoại hối quốc tế. Dự trữ ngoại hối bao gồm: Ngoại tệ, vàng, tiền gửi ngoại tệ, trái phiếu kho bạc và chứng khoán khác của chính phủ...

Cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc tế (tỷ USD)

screenshot-2023-12-26-174621.png
Nguồn: IMF tháng 12/2023

Tính đến cuối quý III/2023, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt trên 11.902 tỷ USD, giảm nhẹ từ con số 12.055 tỷ USD vào cuối quý trước đó. Tương tự, dự trữ đã phân bổ đạt trên 10.981 tỷ USD, giảm gần 185 tỷ USD. Trong số dự trữ ngoại hối đã phân bổ, USD tiếp tục chiếm vị thế áp đảo với giá trị gần 6.498 tỷ USD, tăng từ tỷ trọng 58,88% trong quý trước đó lên 59,17%, phản ánh xu hướng phục hồi USD sau khi giảm nhẹ do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra từ tháng 3 cho đến tháng 5 vừa qua. Tỷ trọng một số ngoại tệ khác cũng tăng nhẹ, bao gồm JPY (tăng 0,05% lên 5,45%), đô la Úc, AUD (tăng từ 1,97% lên 2,02%), đô la Canada, CAD (tăng nhẹ 0,01% lên 2,5%), nhóm ngoại tệ khác (tăng 0,1% lên 3,89%). Những ngoại tệ ghi nhận xu hướng giảm bao gồm: EUR giảm từ 19,97% xuống 19,58%; Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm từ 2,45% trong quý trước xuống 2,37%, nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc giảm tốc; Bảng Anh, GBP giảm từ tỷ trọng 4,87% xuống 4,83%. Riêng tỷ trọng Franc Thuỵ Sỹ, CHF không thay đổi (0,18%), mặc dù dự trữ dưới dạng đồng tiền này giảm từ 20,63 tỷ CHF xuống 20,30 tỷ CHF.

Trong nhóm các đồng tiền chủ chốt, tính từ đầu năm đến ngày 22/12/2023, USD tăng 3,76% so EUR lên 1,1013 USD/EUR; tăng 2,16% so CNY lên 7,1556 CNY/USD; tăng 7,3% so JPY lên 142,489 JPY/USD; tăng 5,36% so GBP lên 1,2704 USD/GBP; USD tăng 1,23% so AUD lên 0,6799 USD/AUD; giảm 2,5% so CAD xuống 1,3258 CAD/USD; giảm 8,35% so CHF xuống 0,8554 CHF/USD.

So với một số đồng tiền khác, USD tăng 1,39% so với đồng Won (Hàn Quốc) lên 1.297,28 KRW/USD; tăng 33,03% so với Ruble Nga lên 92,1205 RUB/USD; giảm 2,05% so với đô la Singapore xuống 1,324 SGD/USD.

Liên quan đến đồng Ruble của Nga, đồng tiền này ghi nhận mức giảm sâu nhất vào ngày 7/3/2022 xuống khoảng 153 RUB/USD. Sau thời gian đó, đồng Ruble đã phục hồi dần khi CHLB Nga triển khai các biện pháp hạn chế sử dụng USD trong các giao dịch thanh toán và dự trữ ngoại hối. Từ cuối năm 2022 đến nay, giá trị đồng Ruble đã tăng trở lại lên khoảng 100 RUB/USD, có lúc lên 88 RUB/USD. Trong tháng 12/2023, đồng Ruble lại trượt giá xuống khoảng 92 RUB/USD do lạm phát vẫn ở mức cao, mặc dù giảm dần theo xu hướng lạm phát chung trên toàn cầu. Một yếu tố khác khiến đồng ruble trượt dốc là do USD liên tục tăng giá, bắt đầu từ khi NHTW Mỹ tiến hành thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Theo quyết định gần đây nhất, ngày 15/12/2023, NHTW Nga đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 1,0% lên 16%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Theo NHTW Nga, quyết định tăng lãi suất lần này là do lạm phát tháng 11 vẫn tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tại cuộc họp này, NHTW Nga cũng phát tín hiệu về khả năng sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất. Thị trường kỳ vọng, ngân hàng này sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ đầu năm 2024. Sau khi chạm đáy vào đầu tháng 10 vừa qua xuống 102 RUB/USD, đồng ruble đã phục hồi khoảng 8% nhờ các nỗ lực kiểm soát dòng vốn và USD giảm giá nhẹ, lạm phát tháng 12 dự kiến tiếp tục giảm xuống tỷ lệ 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê do Wikipedia công bố, top 10 quốc gia nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế bao gồm: Trung Quốc với 3.700 tỷ USD (dữ liệu ngày 7/10/2023), giảm 43 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Nhật Bản (dữ liệu ngày 30/11/2023) 1.530 tỷ USD, giảm 32 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Thụy Sỹ 1.132 tỷ USD, giảm 59 tỷ USD so với dữ liệu trước đó (dữ liệu ngày 31/10/2023); CHLB Nga (dữ liệu ngày 15/12/2023) 622 tỷ USD, giảm 0,4 tỷ USD so với dữ liệu trước đó, tăng một bậc so với kỳ báo cáo trước; Ấn Độ (dữ liệu ngày 15/12/2023) 581 tỷ USD, tăng 9,1 tỷ USD so với dữ liệu trước đó, giảm 1 bậc so với kỳ báo cáo trước; Đài Loan, Trung Quốc (dữ liệu ngày 30/09/2023) 578 tỷ USD, giảm 1,46 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Ả rập Xê út (dữ liệu tháng 8/2023) 492 tỷ USD, tăng nhẹ so với dữ liệu trước đó); Hồng Kông, Trung Quốc (dữ liệu ngày 31/8/2023) 488 tỷ USD, giảm 3,25 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Hàn Quốc (dữ liệu tháng 8/2023) 484 tỷ USD, giảm 3,5 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Brazil (dữ liệu tháng 8/2023) 344 tỷ USD, giảm 1,3 tỷ USD so với dữ liệu trước đó.

Tại bảng thống kê này, dự trữ ngoại hối của Mỹ đạt 240 tỷ USD, tiếp tục đứng thứ 13 trong bảng thống kê, mặc dù vẫn sử dụng dữ liệu cũ (ngày 22/9/2023). Tương tự trong trường hợp Việt Nam, do chưa có dữ liệu cập nhật, nên Wikipedia tiếp tục sử dụng dữ liệu tháng 8/2022 với 92 tỷ USD. Trên thực tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng trên 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

(Nguồn: IMF, Trading Economics, Wikipedia)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF công bố dữ liệu về dự trữ ngoại hối quốc tế đến cuối quý III/2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO