Nhìn ra thế giới

IMF: Ngân hàng trung ương châu Âu cần giữ lãi suất khoảng 4% cho đến hết năm 2024 để giảm lạm phát

Vân Anh 09/11/2023 07:31

Đồng thời, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo châu Âu không nên vội vàng tuyên bố chiến thắng lạm phát.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các nhà hoạch định chính sách khác thuộc châu Âu cần giữ lãi suất ở mức cao hiện tại cho đến khi chắc chắn rằng lạm phát được kiểm soát dù cho tăng trưởng có chậm chạp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết ngày 8/11, đồng thời cũng đưa ra cảnh báo không nên ăn mừng quá sớm khi lạm phát đang giảm từ mức đỉnh.

IMF cho biết cái giá phải trả của việc đánh giá thấp sự tồn tại dai dẳng của lạm phát có thể rất cao và dẫn đến một đợt tăng lãi suất “đau đớn” khác, có thể cướp đi phần lớn thành quả tăng trưởng của nền kinh tế.

IMF cho biết trong báo cáo bán niên về triển vọng kinh tế châu Âu mới nhất rằng, ECB, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và các ngân hàng trung ương khác không thuộc 20 quốc gia thuộc khu vực đồng Euro “đang đạt đến đỉnh điểm của chu kỳ lãi suất, trong khi một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu giảm lãi suất chính sách”. “Tuy nhiên, lập trường hạn chế kéo dài vẫn là cần thiết để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức mục tiêu.”

Trong lịch sử, phải mất trung bình ba năm để đưa lạm phát xuống mức thấp hơn, trong khi một số chiến dịch chống lạm phát thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, IMF cho biết. Trong khi các ngân hàng trung ương dường như đã kết thúc chuỗi tăng lãi suất, thì việc chưa hoàn thành mục tiêu, dẫn đến việc phải tăng lãi suất trở lại có thể khiến sản lượng kinh tế hằng năm bị triệt tiêu.

Alfred Kammer, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF, đã cảnh báo không nên "ăn mừng quá sớm" khi nói chuyện với các nhà báo về triển vọng này. "Thắt chặt quá sẽ ít tốn kém hơn là quá lỏng lẻo" với chính sách lãi suất, ông Kammer nói. ECB đã tạm dừng tăng lãi suất vào ngày 26/10 lần đầu tiên sau hơn một năm và “đang ở một vị trí tốt”.

Ông cũng cho rằng lãi suất tiền gửi của ECB nên ở gần mức cao kỷ lục 4% trong suốt năm tới.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022 và giảm dần xuống 2,9% một năm sau đó.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023, ECB đã tăng lãi suất tiền gửi chuẩn thêm 4,5 điểm phần trăm, từ âm 0,5% lên 4%. Lãi suất cao hơn là công cụ điển hình mà các ngân hàng trung ương sử dụng để kiểm soát lạm phát, vì lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí đi vay để mua sắm của người tiêu dùng và tài trợ cho hoạt động sản xuất cũng như thiết bị nhà máy cao hơn. Điều đó làm giảm nhu cầu hàng hóa và giảm bớt áp lực lên giá cả, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng - một hành động thắt chặt khó khăn đối với ECB.

Ngân hàng trung ương Anh đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25% tại cuộc họp chính sách vào tuần trước.

IMF cho biết châu Âu đang hướng tới một cuộc “hạ cánh nhẹ nhàng” sau khi chịu tác động của việc tăng lãi suất và không nhìn thấy trước suy thoái kinh tế, trong khi đó dự báo tăng trưởng vẫn chưa chắc chắn, có thể diễn biến tốt hơn hoặc tồi tệ hơn dự kiến.

IMF dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Âu - bao gồm Anh và Thụy Sĩ cũng như Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia - là 1,3% trong năm nay và 1,5% trong năm tới. Đối với khu vực đồng Euro, triển vọng tăng trưởng là 0,7% trong năm nay và 1,2% trong năm tới.

Nếu lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, điều này sẽ thúc đẩy thu nhập thực tế của người tiêu dùng và chi tiêu cũng như tăng trưởng có thể được cải thiện. Tuy nhiên, sự leo thang trong chiến sự Nga - Ukraine cùng với việc gia tăng các biện pháp trừng phạt và gián đoạn thương mại có thể đồng nghĩa với việc tăng trưởng sẽ yếu đi.

Ông Kammer cũng cho biết, hiện tại, cuộc chiến kéo dài hàng tháng giữa Israel và Hamas ở Gaza đã khiến giá dầu tăng tạm thời nhưng không làm gián đoạn nền kinh tế châu Âu.

Theo AP
Copy Link
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF: Ngân hàng trung ương châu Âu cần giữ lãi suất khoảng 4% cho đến hết năm 2024 để giảm lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO