Kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nên bắt đầu chuẩn bị cho việc thắt chặt tiền tệ trong tương lai bằng cách rời bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ.
Nhận xét được đưa ra trước cuộc họp được theo dõi sát sao của BOJ vào thứ Sáu sắp tới, nơi hội đồng sẽ đưa ra dự báo về giá cả mới và tranh luận về việc có nên điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) đang gây tranh cãi hay không khi lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2%.
“Ngay bây giờ, rủi ro có thể đang tăng lên, đó là có thể áp lực lạm phát sẽ tiếp tục duy trì trên mức mục tiêu,” Kinh tế trưởng Gourinchas nói về triển vọng lạm phát của Nhật Bản.
“Lời khuyên của chúng tôi dành cho các nhà chức trách Nhật Bản là ngay bây giờ, chính sách tiền tệ có thể vẫn duy trì tính hỗ trợ, nhưng cần phải chuẩn bị cho yêu cầu có thể bắt đầu tăng lãi suất,” ông Gourinchas nói trong một cuộc họp báo được tổ chức sau khi IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật hôm 25/7.
Ông cho biết IMF khuyến khích Nhật Bản "linh hoạt hơn một chút và có thể rời bỏ sự kiểm soát đường cong lợi suất mà nước này đang triển khai thực hiện".
Với việc lạm phát vượt quá mục tiêu, thị trường đang có nhiều đồn đoán rằng BOJ có thể sớm rút các biện pháp kích thích khổng lồ của mình bắt đầu bằng việc điều chỉnh YCC - một chính sách giới hạn lãi suất trái phiếu 10 năm quanh mức 0% với mức trần ngầm định là 0,5%.
Theo các nguồn tin cung cấp cho Reuters, BOJ đang nghiêng về việc giữ nguyên chính sách về đường cong lợi suất YCC trong cuộc họp tuần này, mặc dù chưa có sự đồng thuận về thời điểm nên bắt đầu rút dần sử dụng các biện pháp kích thích.
Cũng theo các nguồn tin, trong khi việc tăng lãi suất ngắn hạn vẫn còn xa vời, thì quyết định về việc có thực hiện các điều chỉnh đối với biên độ lợi suất hay không sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa những lợi ích và giá phải trả liên quan đến vấn đề đường cong lợi suất.
Dữ liệu cho thấy, lạm phát dịch vụ của Nhật Bản đã giảm bớt vào tháng 6, một dấu hiệu cho thấy các công ty chậm chuyển chi phí lao động tăng vào giá dịch vụ mặc dù thị trường việc làm thắt chặt.
Tuy nhiên, nhấn mạnh áp lực mà BOJ phải đối mặt, nhà ngoại giao tài chính hàng đầu của Nhật Bản đã đề nghị ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh cách tiếp cận đối với vấn đề kích thích tiền tệ do "dấu hiệu thay đổi" trong hành vi thiết lập giá và tiền lương của doanh nghiệp.
Các quan chức của BOJ, bao gồm cả Thống đốc Kazuo Ueda, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách cực kỳ nới lỏng cho đến khi có thêm bằng chứng lạm phát sẽ đạt mức 2% một cách bền vững, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Họ cũng cho biết BOJ đã nhận thức đầy đủ về cái giá phải trả của việc duy trì chính sách đường cong lợi suất như hiện tại, chẳng hạn như sự bóp méo thị trường do mua vào trái phiếu quá nhiều.
Các nhà phân tích cho biết việc mở rộng biên độ xung quanh mục tiêu lợi suất 10 năm, một bước mà BOJ đã thực hiện vào tháng 12 năm ngoái, có thể là một trong những lựa chọn để giảm thiểu tác dụng phụ của YCC.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật, IMF cho biết kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,4% vào năm 2023, nhanh hơn mức tăng 1,0% vào năm ngoái, do việc dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy tiêu dùng.
IMF cũng cho rằng, "các chính sách hỗ trợ" là nền tảng tăng trưởng, khi Nhật Bản giữ lãi suất thấp và tiếp tục chi tiêu tài khóa lớn để giảm bớt tác động từ chi phí sinh hoạt tăng cao.
IMF cho biết, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dự kiến sẽ chậm lại ở mức 1,0% vào năm 2024 do tác dụng của các biện pháp kích thích trước đây không còn nữa.
(Nguồn: Reuters)