Tin tức

Indonesia đấu thầu mua 320.000 tấn gạo, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng

Nguyễn Huyền 24/07/2024 09:07

Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa phát thư mời đấu thầu quốc tế mua 320.000 tấn gạo loại 5% tấm. Gói thầu này diễn ra khi lúa Hè Thu đang thu hoạch rộ, tạo động lực cho giá lúa gạo tăng trở lại sau thời gian sụt giảm do thị trường gạo xuất khẩu trầm lắng.

gao-xuat-khau.jpg
Ảnh minh họa

Vụ Hè Thu rộng đường ra

Thư mời được Bulog gửi đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo các nước: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan. Thời gian giao hàng trong tháng 8 và tháng 9/2024. Hạn nộp báo giá phiên đấu thầu là ngày 31/7. Thời gian giao hàng trong tháng 8 và tháng 9/2024.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Hưng Việt cho biết, thầu Bulog mở ra ngay vụ Hè Thu sẽ tác động tích cực lên giá lúa gạo, vì thời gian gần đây giá gạo trên thị trường xuất khẩu giảm nhẹ. Thời gian giao hàng của gói thầu này trùng với thu hoạch Hè Thu chính vụ.

Hiện nay, giá gạo của Việt Nam loại 5% tấm thường khoảng 560 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan quanh mức 550 USD/tấn. Gạo Thái Lan giảm giá trước gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, Sắc lệnh số 62 (EO 62) của Philippines có mức thuế nhập khẩu gạo giảm đến 20% là rất lớn, như vậy sẽ tạo điều kiện tốt cho gạo Việt Nam thâm nhập thị trường này nhiều hơn, vì lúc đó giá gạo nhập khẩu khá rẻ, có thể cạnh tranh với gạo sản xuất trong nước. Song, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu gạo cũng cần có thời gian, để hàng hóa nhập khẩu theo mức thuế cũ được hấp thụ.

Đối với vụ Hè Thu muộn hay còn gọi là vụ Thu Đông thu hoạch vào khoảng tháng 10, 11… khi đó giá gạo xuất khẩu chắc sẽ được cải thiện và đầu ra cũng rộng đường hơn, như vậy sẽ tốt cho doanh nghiệp.

Thông thường vào cuối tháng 11 là thời điểm doanh nghiệp mong muốn giảm lượng tồn kho về mức thấp nhất có thể, nên hầu hết các kho và nhà máy xay xát có tồn kho đều muốn xuất hàng đi. Thậm chí không còn tồn kho để đúng với nhịp luân chuyển hàng hóa sản xuất trong nước, vì vào tháng 01, 02/2025, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân – vụ lúa lớn nhất trong năm.

“Nhìn chung, thầu Bulog và Sắc lệnh 62 là tốt cho thị trường gạo xuất khẩu, còn tốt ở mức độ nào thì vẫn phải chờ vì không thể dự báo xa quá. Song, Philipinnes giảm thuế nhập khẩu là chung cho các nước chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng thị hiếu tiêu dùng của người Philippines đã quen với gạo Việt Nam nên chúng ta có lợi thế hơn các nước khác.

Với lợi thế này cộng với thầu Bulog và các thị trường truyền thống khác thì đầu ra vụ Hè Thu sẽ thuận lợi hơn. Thị trường xuất khẩu tốt sẽ tạo động lực doanh nghiệp tăng thu mua lúa Hè Thu”, Giám đốc Công ty Hưng Việt phân tích.

Bảo đảm nguồn lực tài chính để bước vào vụ Thu Đông và vụ chính Đông Xuân

Indonesia - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới có thể mua sẽ đến 5,18 triệu tấn trong năm nay, thay vì 3,6 triệu tấn như chính phủ đã cấp giấy phép nhập khẩu trước đó. Gần đây, nước này theo đuổi chính sách mua gạo hàng quý, thậm chí hàng tháng và chia nhỏ lượng gạo nhập khẩu nên hoạt động mua gạo của thị trường Indonesia diễn ra đều đặn hơn.

“Doanh nghiệp cần thị trường ổn định nhưng Indonesia trước đây mở thầu theo kiểu “thắt, mở” làm cho giá gạo xuất khẩu khó dự báo, và không có lợi cho nước xuất khẩu. Bây giờ họ mở thầu nhập khẩu gạo thường xuyên hơn nên tốt cho các nước xuất khẩu”, ông Trung cho hay.

Phân tích về nhu cầu thị trường, ông Trung cho rằng hai thị trường truyền thống Philippines và Indonesia có nhu cầu lớn nhập khẩu gạo nên đảm bảo là thuận lợi.

Đối với thị trường Malaysia và Trung Quốc các năm qua không có chuyển biến, riêng thị trường châu Phi (các nước Tây Phi, Bờ Biển Ngà…) vẫn là thị trường truyền thống của Việt Nam, nơi đây vẫn ưa chuộng các loại gạo thơm như DT8, Jasmine … của Việt Nam. Bây giờ thị trường có sự bình ổn và có đầu ra, về giá cả còn phải chờ xem mức độ tiếp nhận của thị trường nhập khẩu.

“Giá gạo xuất khẩu chắc sẽ không giảm nữa vì hiện nay giá gạo đã quay về mức tương đối cạnh tranh, còn tăng như thế nào và tăng bao nhiêu không thể nói trước vì còn phụ thuộc vào mức độ cung cầu của thị trường, vào người bán và chất lượng gạo. Điều quan trọng nhất vẫn là sự ổn định sản lượng vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân”, Giám đốc Công ty Hưng Việt nhấn mạnh.

Hiện nay, chính sách của Indonesia là mở thầu công khai, Philippines đã trao cho tư nhân nhập khẩu gạo nên Việt Nam phải theo thực tế này. Doanh nghiệp cần đầu ra để luân chuyển hàng hóa và không bị vướng vấn đề tồn kho.

"Kinh doanh gạo ngại nhất là tồn kho Hè Thu nên doanh nghiệp sẽ cố gắng tiêu thụ hết hàng vụ này để vừa chuẩn bị kho bãi, vừa chuẩn bị nguồn lực tài chính bước vào vụ Đông Xuân. Chính vì vậy, họ cần luân chuyển vốn bảo đảm nguồn lực tài chính đủ khỏe, để bước vào vụ lúa Thu Đông và vụ chính Đông Xuân đạt hiệu quả tốt nhất có thể", ông Trung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Indonesia đấu thầu mua 320.000 tấn gạo, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO