(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để nhanh chóng hỗ trợ, phục hồi sức dân, sức doanh nghiệp (DN) từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam cần gói hỗ trợ có sự kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế |
Nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng... chưa đủ mạnh
Thời gian qua dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh kinh tế, y tế, văn hóa, an sinh xã hội của nước ta. Nền kinh tế đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn…
Để hỗ trợ cho người dân, DN, nhiều chính sách đã được ban hành. Về chính sách tiền tệ, năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện để hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm hỗ trợ DN. Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi. NHNN gia hạn thời gian áp dụng tỷ lệ cho vay trung dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn để hỗ trợ TCTD tháo gỡ khó khăn cho người đi vay nhất là vay dài hạn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến ngày 27/9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23/1/2020 là khoảng 531.000 tỷ đồng. Các TCTD chủ động miễn giảm các loại phí, lãi vay đến nay là lần thứ tư, mức giảm lãi cao nhất đến 3%/năm, giảm 1% trong năm 2020 và giảm thêm 0,66% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Đến cuối tháng 9/2021 các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn giảm hạ cho khách khoảng 27.000 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng. Đặc biệt 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng giảm lãi lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến ngày 30/9/2021 là 12.236 tỷ đồng.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các chính sách giãn, giảm, miễn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng. Tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân. Chính phủ giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Bộ Tài chính cũng nghiên cứu và trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp hỗ trợ DN, người dân chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 với trọng tâm là giảm thuế. Cụ thể, giảm Thuế Thu nhập DN phải nộp của năm 2021 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và giảm so doanh thu năm 2020, miễn thuế trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, giảm Thuế GTGT từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Đối với một số nhóm hàng hóa, miễn tiền chậm nộp trong năm 2020, 2021 với các DN phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với người thuê đất, giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn từ kỳ hóa đơn từ tháng 9 đến hết tháng 11/2021.
Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh duy trì tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nếu không có các chính sách, giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn, mạnh tay hơn, khó mà phục hồi sức dân, sức doanh nghiệp từ đó mới có tăng trưởng kinh tế.
Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trước khó khăn của dịch bệnh, các nước trên thế giới đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ là 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP. Những gói hỗ trợ đó chưa từng có tiền lệ, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Cần kích tổng cầu, chấp nhận bội chi
Phân tích nguyên nhân tăng trưởng kinh tế thấp, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đều suy giảm: Thứ nhất, tổng cầu thấp, tiêu dùng giảm nghiêm trọng, hàng triệu người mất việc, giảm thu nhập, hàng trăm nghìn doanh nghiệp giải thể phá sản; Thứ hai, sản xuất, đầu tư cả ở khối nhà nước và tư nhân đều suy giảm; Thứ ba, các vùng là động lực tăng trưởng kinh tế như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng trưởng âm.
Từ đó, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: "giải pháp trong ngắn hạn là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, ngân sách phải chi ra, phải chấp nhận bội chi".
“Vấn đề là chi bao nhiêu, như thế nào, cho ai? Tôi cho là phải chi cho người chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh, đó là người lao động trong khu vực chính thức, phi chính thức. Phải khôi phục được sức dân thì mới khôi phục sức DN và từ đó mới phục hồi kinh tế. Gói hỗ trợ phải đủ lớn, đủ dài, đủ quyết liệt và đặc biệt phần thực thi phải hiệu quả”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 và 2022 chưa có mục nào dành cho phòng chống dịch bệnh trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. "Kinh nghiệm các nước trên thế giới đều sử dụng chính sách tài khóa trong trường hợp khẩn cấp. Chúng ta cần có điều luật để xử lý trường hợp khẩn cấp", ông Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lê Xuân Nghĩa, nếu gia tăng bội chi thì sẽ khiến cung tiền tăng lên và có thể có rủi ro gây lạm phát, tuy nhiên điều này có thể kiểm soát bằng các giải pháp thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. “Hiện, vòng quay tiền tệ đang giảm rất sâu, tạm thời chúng ta chưa phải lo lạm phát ngay nhưng khi tăng trưởng kinh tế trở lại thì có nguy cơ lạm phát tăng. Ngân hàng trung ương có thể bán trái phiếu hút tiền về” – TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Phải phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, ngay khi dịch bệnh bắt đầu, ngành Ngân hàng đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN cơ cấu thời hạn nợ để các TCTD có thể xem xét cho doanh nghiệp vay tiếp từ đó tạo điều kiện cho DN tiếp tục sản xuất, có cơ hội phát triển và trả nợ vay.
“Từ đó đến nay, chúng ta chú trọng sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ DN, chúng ta đang dùng DN hỗ trợ DN. Trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh, các DN đều khó khăn, nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ quyết liệt thì các TCTD khó có thể cho DN vay khi DN đang khó khăn, dừng sản xuất, không có doanh thu, đứt gãy chuỗi cung ứng”- ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc các ngân hàng miễn, giảm lãi suất, phí, cơ cấu thời hạn nợ cho các DN cũng như việc các DN viễn thông, điện lực giảm phí là “gói DN hỗ trợ DN”, bởi thực sự đây cũng là các DN chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như các DN khác. Trong khi đó, họ hầu như không được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc giãn hoãn thuế bản chất chỉ là khoản nợ không phải trả lãi, khối các ngân hàng không phải là đối tượng sẽ được giảm 30% thuế TNDN bởi không nằm trong diện DN vừa và nhỏ có doanh thu dưới 200 tỷ đồng trong năm 2021.
Gợi ý về chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, Chính phủ có thể xem xét áp dụng các quy định về khoanh nợ tạo điều kiện cho các TCTD xác định đây là nợ Chính phủ khoanh lại trong một khoảng thời gian. Từ đó, các TCTD có thể xem xét cho DN vay mới để mở rộng sản xuất kinh doanh. Việc này không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của các TCTD. “Việc cơ cấu thời hạn trả nợ bản chất vẫn là nợ xấu nhưng được giữ nguyên nhóm 1. Điều này rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng để hỗ trợ DN hiệu quả, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải có sự kết hợp chặt chẽ. “Nếu chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ mãi thì vài năm nữa gánh nặng nợ xấu rất lớn, để lại hệ quả nặng nề”, ông Nguyễn Quốc Hùng cảnh báo và nhấn mạnh "các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, nhìn nhận đúng thực trạng để đề xuất các giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta phải nhìn nhận đúng thực trạng nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ sẽ gây hệ quả rất lớn, do đó phải có sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa".