Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, đề xuất gói hỗ trợ kinh tế 80.000-170.000 tỷ đồng

Nhóm PV| 28/10/2021 16:50
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Diễn đàn Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 27/10, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia - cho rằng, để hỗ trợ nền kinh tế, dư địa chính sách tiền tệ đã gần hết nhưng dư địa chính sách tài khóa vẫn còn và khuyến nghị gói hỗ trợ 80.000-170.000 tỷ đồng.

Diễn đàn Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Bài học quốc tế: Tập trung hỗ trợ bằng "tiền tươi, thóc thật"

TS. Cấn Văn Lực cho biết theo IMF và UNCTAD, hết quý II/2021, các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu đã lên tới 17.910 tỷ USD, tương đương 16% GDP toàn cầu năm 2020. Quy mô bình quân các gói hỗ trợ này khoảng 19,5% GDP đối với các nước phát triển; 7,7% GDP đối với các nước đang phát triển và mới nổi và 4% GDP đối với các nước thu nhập thấp. Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị 5.860 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP.

Theo TS. Cấn Văn Lực, bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy cơ cấu các gói hỗ trợ khác Việt Nam, các gói hỗ trợ tài khóa lớn hơn nhiều so với gói hỗ trợ tiền tệ; tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; ít tập trung vào giãn hoãn thuế và nghĩa vụ trả nợ. Việc triển khai nhanh, gọn, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các chính sách. Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bao trùm, đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, Nhà nước phải chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng (bình quân thế giới từ 3,6% GDP năm 2019 lên 10,2% GDP năm 2020 và 8% GDP năm 2021, sau đó giảm dần); nợ công tăng (bình quân thế giới từ 84% GDP năm 2019 lên 99% GDP năm 2020 và 98% GDP năm 2021, sau đó giảm dần).

TS. Cấn Văn Lực -Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia - phát biểu tại Diễn đàn

Tiến độ triển khai hỗ trợ tại Việt Nam còn chậm

Tại Việt Nam, các gói giải pháp hỗ trợ tiền tệ - tín dụng trong năm 2020 lên tới hơn 30.600 tỷ đồng thông qua các chính sách như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất thấp, miễn giảm phí, ủng hộ phòng chống dịch. Trong năm 2021, số tiền hỗ trợ của ngành ngân hàng ước lên tới 54.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2022, số tiền hỗ trợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ và miễn giảm lãi phí lên tới 30.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro trong giai đoạn 2021-2013 do cơ cấu nợ tăng thêm khoảng 170.000 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ bao gồm gói tài khóa miễn giảm thuế phí, lệ phí, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; gói an sinh xã hội, hỗ trợ khác bao gồm giảm tiền điện, giảm giá dịch vụ và chi ngân sách phòng chống dịch trong năm 2020 của Việt Nam vào khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, tương đương 1,26% GDP.

Tính cả chính sách tài khoá và tiền tệ thì gói hỗ trợ vào khoảng 4% GDP, tương đương với mức hỗ trợ của các nước thu nhập thấp. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho nền kinh tế vẫn còn khá khiêm tốn và quá trình thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn còn một số hạn chế, thách thức như: Tiến độ triển khai hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm. Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp.

Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn

Phân tích về các chính sách hỗ trợ thời gian tới, TS Cấn Văn Lực cho rằng điều kiện thị trường tiền tệ - ngân hàng hiện nay khả quan hơn giai đoạn trước nhờ lạm phát ổn định ở mức thấp nhất; năng lực tài chính, sức chống chịu của ngành ngân hàng đã tốt hơn nhiều; nợ xấu gia tăng nhưng cơ bản trong tiên lượng và tầm kiểm soát. Dù vậy, các TCTD cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro tăng theo Thông tư 14.

“Dư địa hạ lãi suất điều hành hầu như không còn do lãi suất đã ở mức thấp trong vòng 20 năm, tiền gửi vào ngân hàng tăng thấp - khoảng 4% trong 9 tháng đầu năm 2021, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn, ít nhất đến giữa năm 2022”- TS. Cấn Văn Lực nói.

Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, thâm hụt ngân sách, nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi có cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành Trái phiếu Chính phủ) và quốc tế với lãi suất thấp. Các cân đối lớn như thâm hụt NS/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát… vẫn trong ngưỡng an toàn.

Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang quay trở lại với nhịp độ sản xuất, tăng trưởng trở lại, để Việt Nam không tiếp tục bị lỡ nhịp, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị: Việt Nam vẫn còn dư địa với chính sách tài khoá, có thể dùng “tiền tươi thóc thật” từ 80.000 - 160.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1-2% GDP để hỗ trợ nền kinh tế. Gói hỗ trợ có thể làm tăng nợ công, thâm hụt ngân sách nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, chấp nhận được.

Nhìn lại những khó khăn của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, ông Lực cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng tiền, lao động; đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng & tiêu dùng, khó khăn do chi phí đầu vào, phòng chống dịch…. tăng, trong khi giá đầu ra khó tăng ngay.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do COVID-19, ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, cùng với đó là tiết giảm chi phí và "giữ chân" lao động, và tăng năng suất.

Ngoài ra, ông Lực cho rằng doanh nghiệp nên thực hiện theo mô hình 5Rs như sau: (i) Respond: thích ứng, linh hoạt; (ii) Recover: phục hồi càng nhanh càng tốt; (iii) Restructure: tái cấu trúc; (iv) Re-invent: đổi mới, sáng tạo; (v) Resilience: tăng sức đề kháng (khả năng chống chịu các cú sốc).

“Đây sẽ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khủng hoảng COVID-19”, ông Lực nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, đề xuất gói hỗ trợ kinh tế 80.000-170.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO