Hoạt động ngân hàng

Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội

Ngô Hải 16/06/2023 14:45

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2023”, ngày 16/6, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) phối hợp báo Tuổi trẻ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh – thúc đẩy phát triển xã hội”. Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

base64-16869000755921799881442.png
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (bìa trái) và Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Ảnh: Quang Định

Hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh – thúc đẩy phát triển xã hội” sẽ tập trung vào những nội dung: vai trò và tầm quan trọng của kết nối dữ liệu trong thanh toán thông minh, đồng thời đưa ra các vấn đề cần giải quyết để tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái ngân hàng số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thanh toán thông minh, dịch vụ thanh toán đổi mới, sáng tạo, cung cấp dịch vụ đa tiện ích cho người dân.

Gia tăng kết nối, khai thác dữ liệu dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng đã xác định chủ đề năm 2023 là "Năm quốc gia về dữ liệu số”, là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, triển khai.

Xác định rõ mục tiêu, định hướng của Đề án 06 và của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã và đang tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế.

Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số xác định chủ đề năm 2023 là "Năm quốc gia về dữ liệu số”, là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.

Sự kiện Ngày không tiền mặt năm nay sẽ hướng đến các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06, các giải pháp để gia tăng kết nối, khai thác dữ liệu dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng nói riêng và các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nói chung đảm bảo an toàn, hiệu quả, gia tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy TTKDTM, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xã hội.

Nhìn lại 4 năm triển khai “Ngày không tiền mặt” cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã cùng với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong hoạt động TTKDTM.

Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, chuyển đổi số ngành Ngân hàng liên tục tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

NHNN tiếp tục tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06; Quy định mở tài khoản thanh toán của cá nhân, phát hành thẻ ngân hàng, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử eKYC; Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Đề án phát triển TTKDTM; Các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định về đảm bảo an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...).

Đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023).

Các hạ tầng công nghệ phục vụ TTKDTM, chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán quan trọng được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn; Hệ thống Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử vận hành ổn định, dịch vụ thông suốt. Hệ thống thanh toán bán lẻ Việt Nam cũng đã đạt bước tiến mới vào cuối năm qua khi đã kết nối thanh toán song phương với Thái Lan, cho phép người dân, du khách 2 nước có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ thuận tiện qua quét mã QR code.

NHNN tích cực chủ động triển khai Đề án 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 24/4/2023 vừa qua, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06/QĐ-TTg bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được NHNN và ngành NH chú trọng. NHNN cũng thường xuyên triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng để hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lý.

Hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực

Theo công bố của Bộ Thông tin truyền thông, năm 2021 NHNN được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Tỷ lệ người dân Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt khoảng 74,63%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành.

Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile-money,...) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Số liệu thống kê được NHNN công bố cho biết, tỷ lệ người dân Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt khoảng 74,63%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành.

Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng.

Đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023).

Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 52,8% về số lượng; qua kênh Internet tăng 83,76% về số lượng và 2,83% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,84% và 9,47%; qua phương thức QR code tăng 161,6% và 36,62%; qua POS tăng 33,98% và 29,15%; qua ATM giảm 3,49% về số lượng và 5,45% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025

Để tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cụ thể:

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM. Tiếp tục phối hợp rà soát, xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của NHNN về ứng dụng/ chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy trển khai Đề án 06.

Tiếp tục triển khai các chiến lược/Đề án thúc đẩy TTKDTM nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số. Tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.

Tiếp tục nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục phối hợp triển khai, kết nối với các cơ dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các TCTD có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong dịch vụ cấp tín dụng đối với các khoản vay cá nhân nhỏ lẻ.

Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Tăng cường phối hợp với Bộ Công an, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thức hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng.

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO