Các Hiệp hội ngành, nghề

Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

P.V 16/04/2024 - 11:52

Ngày 16/4, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia 2024 và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024.

z5352534154899_14ccaa731c7ae0bbbe0dc47b5fd08081.jpg
Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương.

Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu.

Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả thì cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu suy giảm, lạm phát tiếp tục tăng cao, bất ổn địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực hành động để phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Các cân đối lớn được bảo đảm, góp phần đưa đất nước giành được nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.

“Giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Qua phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngay sau Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024, Diễn đàn quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024 cũng diễn ra với chủ đề "Nâng tầm những giá trị cốt lõi".

Diễn đàn là sự kiện thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, với mục tiêu là tạo ra đối thoại chuyên sâu, đa góc nhìn thu hút được sự tham gia đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp liên quan tới xây dựng, phát triển thương hiệu.

Năm nay, diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, Đại học RMIT (Úc) và một số doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia. Diễn dàn sẽ chia sẻ những thông tin về: Giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia và giải pháp nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia; Phát huy sức mạnh, gia tăng giá trị sản phẩm 'Made in Vietnam' thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu và đề xuất những định hướng, giải pháp cho Việt Nam.

Chương trình THQG Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình có 3 tiêu chí cốt lõi là: Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong.

Với ý nghĩa đó, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm khơi dậy khát vọng của các cấp, các ngành, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung vì một Việt Nam hùng cường.

Để triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn mới, ngày 8/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết djnh số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Quyết định 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Theo đó, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể như sau:

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước;

- Trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam;

- Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới;

- 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư;

- 100% sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO