Thương hiệu quốc gia nhất quán có thể trở thành tiền đề thúc đẩy sự hợp tác quốc tế. Năm 2023, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua. Đây là lợi thế rất lớn đối với việc phát triển thương hiệu quốc gia.
Thương hiệu quốc gia là một trong nội dung nổi bật được các diễn giả đề cập tại The Makeover 2024 - sự kiện thường niên do Talentnet tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong các ngày 15 và 16/10/2024. Sự kiến có sự góp mặt của hơn 20 diễn giả là các chiến lược gia đổi mới và quản trị từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác khu vực: Câu chuyện từ những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu”, bà Ziena Jalil – Nhà lãnh đạo danh tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, chính sách công và ngoại giao; Chuyên gia tư vấn chính phủ cho các bộ trưởng, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận; Thành viên HĐQT Cơ quan chính phủ Education New Zealand cho biết: “Thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp cần phải có sự nhất quán. Chúng ta không thể có một thương hiệu quốc gia mà các doanh nghiệp không sống đúng với tinh thần của thương hiệu quốc gia đó. Thế giới có thể chưa biết đến tên thương hiệu doanh nghiệp, nhưng sẽ biết đến thương hiệu quốc gia của họ”.
Mở rộng hơn chủ đề này, bà Trần Tuệ Tri – Cố vấn cấp cao, Vietnam Brand Purpose; Nguyên Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever; Tác giả quyển “Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng” cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022 (theo Brand Finance). Đây là lợi thế rất lớn đối với sự phát triển thương hiệu quốc gia. Mỗi câu chuyện, mỗi tương tác đều tạo nên giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thế giới.
“Thế mạnh của thương hiệu Việt Nam chính là con người Việt Nam. Điều chúng ta còn thiếu là cách kể câu chuyện quốc gia, con người Việt Nam. Để làm được điều đó, lãnh đạo nên chú trọng các khía cạnh quan trọng, như: Xây dựng sự thấu hiểu người tiêu dùng quốc tế; xây dựng đội ngũ nhân tài trong và ngoài nước, để giúp thương hiệu quốc gia Việt Nam tương tác, thấu hiểu văn hoá thế giới và mở rộng hợp tác quốc tế”, bà Tuệ Tri nói.
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Theo bà Ziena Jalil, để tạo nên thương hiệu quốc gia, một trong những yếu tố hàng đầu là xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia theo hướng xanh và bền vững. Điểm thương hiệu quốc gia tăng sẽ thu hút nhà đầu tư, khách mua hàng quan tâm đến thương hiệu doanh nghiệp. Chính phủ xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia chính là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của họ.
Tạo được lòng tin thương hiệu quốc gia sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực, xây dựng tính nhất quán trong thương hiệu quốc gia chính là tạo đòn bẩy đầu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thế giới.
“Nếu nhìn vào từng quốc gia trong khối Asean là những thị trường nhỏ, nhưng nhìn vào toàn khối là thị trường rất lớn nên có nhiều nước mong muốn hợp tác. Úc và New Zealand cũng đã ký các hiệp định thương mại tư do (FTA) với Asean. Qua đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ sẽ có cơ hội kinh doanh tại Asean.
Trung Quốc khi mới phát triển rất muốn hợp tác với New Zeanland. Tuy là nước lớn nhưng họ muốn ký các FTA với New Zealand, vì thương hiệu quốc gia của New Zealand tốt, hợp tác với New Zealand sẽ giúp thương hiệu quốc gia của họ tăng lên”, bà Ziena Jalil chia sẻ.
Để hợp tác với nhau cần có thương hiệu quốc gia tốt, vì thương hiệu quốc gia sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp.
Bà Ziena Jalil đặt vấn đề, là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, nhưng Việt Nam chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cà phê. Mặc dù đã có chuỗi cửa hàng cà phê của mỗi công ty, nhưng làm thế nào để các nhà nhập khẩu toàn cầu “khi nghĩ về Việt Nam là nghĩ về quốc gia mạnh về cà phê xanh, sạch và chất lượng cao”, chứ đừng cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá bán mà doanh nghiệp cần “nắm tay” nhau cùng phát triển thị trường nước ngoài.
New Zealand đi đầu trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia. Mọi người muốn hợp tác tốt với nhau cần xác định các tiêu chuẩn như phát triển bền vững, phát triển xanh, ...
Theo bà Tuệ Tri, khi nói đến quốc gia nào đó người ta nghĩ ngay đến một số lĩnh vực hoặc tính chất riêng nói lên giá trị của quốc gia đó. Ngày nay, đa phần các nước đều có ngày thương hiệu quốc gia, vì thương hiệu quốc gia sẽ thúc đẩy phát triển thương hiệu công ty.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, muốn phát triển bền vững nên tập trung vào khu vực này, có thể tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ... khi đó nông nghiệp sẽ là một trong những yếu tố để phát triển bền vững của thương hiệu quốc gia.
Việt Nam cũng có bờ biển chạy dọc theo chiều dài đất nước, đây là điều kiện thuận lợi để có thể phát triển điện gió, phát triển du lịch xanh, bền vững…
Thương hiệu quốc gia không chỉ đến từ chính phủ mà còn đến từ người dân. Thế mạnh của thương hiệu quốc gia Việt Nam chính là con người Việt Nam. Ví dụ, các du học sinh ra nước ngoài, hành vi và cách sống của các em ở nước sở tại sẽ góp phần phần tạo nên thương hiệu quốc gia.
Ông Trần Quốc Khánh - Người sáng lập và Giám đốc điều hành Vietsuccess, cũng nhận định: “Mỗi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, đều có thể tác động đến giá trị thương hiệu quốc gia và ngược lại”.