Các Hiệp hội ngành, nghề

Khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2025: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo

Thanh Thanh 17/04/2025 - 08:28

Với chủ đề: "Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo", sáng ngày 16/4, Bộ Công Thương đã chính thức khai mạc Tuần lễ THQG và Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam 2025.

Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo

nhan-nut-khoi-dong.jpg
Các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2025

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: “THQG là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập…”.

Thứ trưởng cho biết, trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, THQG Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.

Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị THQG Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới – tăng 1 bậc so với năm 2023.

“Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà chúng ta đã kiên định theo đuổi…”- Thứ trưởng khẳng định.

Chương trình THQG Việt Nam – được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai – là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất ở cấp quốc gia.

Với các giá trị cốt lõi: “Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong”, Chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của THQG càng trở nên cấp thiết.

Để tiếp tục khẳng định tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng THQG thời kỳ mới, Chương trình THQG năm nay có chủ đề “THQG Việt Nam – Bứt phá từ Đổi mới sáng tạo”

“Đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh – sạch – thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

DN đầu tư cho đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn

chia-se-toa-dam.jpg
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại(Bộ Công Thương) cho biết, số lượng doanh nghiệp quan tâm đến Chương trình THQG Việt Nam, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của Chương trình tăng đều qua các năm.

Năm 2024, kỳ xét chọn lần thứ 9 đã có 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, tăng hơn 6 lần so với năm 2008 - là năm đầu tiên tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của DN.

Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%. Đặc biệt, trong số đó, nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới.

Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241. Vẫn theo Brand Finace, Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Điều này giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.

Thương hiệu VinFast lần đầu tiên được vinh danh sản phẩm đạt THQG Việt Nam, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD, bước đầu đánh đấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.

Tuy nhiên với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, để triển khai đổi mới sáng tạo không phải là việc đơn gián.

Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, tỷ lệ chi tiêu trung bình R&D (nghiên cứu và phát triển) trên doanh thu của các doanh nghiệp THQG mới là 2,62% (tỷ lệ này ở các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là 1,6%)

Đáng chú ý, theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023 , mức đầu tư R&D của Việt Nam mới chiếm 0,4% GDP, trong khi các nước như Thái Lan là 1,3%, Singapore là 2,2%, Malaysia là 1%, Trung Quốc 2,64%, Nhật Bản 3,7%.

Theo Sách trắng Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, 100% doanh nghiệp THQG có bộ phận R&D và thường xuyên nghiên cứu và cải tiến sản phẩm hiện có, 85% doanh nghiệp THQG có sản phẩm mới ra mắt trong năm 2022 – 2023. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ KH&CN năm 2023, chỉ có 29,7% doanh nghiệp được điều tra có ĐMST.

Chương trình THQG Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai, nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các DN Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Với ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2025: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO