(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đang cố gắng tránh vấp phải những sai lầm từ cả Arthur Burns lẫn Paul Volcker, những cựu chủ tịch FED nổi tiếng, khi ông phải đối mặt với áp lực vừa phải kiềm chế lạm phát vừa phải tránh suy thoái kinh tế.
Chiến lược của FED
Arthur Burns và Paul Volcker là hai trong số những chủ tịch FED nổi tiếng bởi những quyết sách trong lịch sử. Cựu Chủ tịch FED Arthur Burns đã để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát vào những năm 1970 khi không giữ chính sách tiền tệ thắt chặt đủ lâu để chiến thắng được áp lực giá cả. Rút kinh nghiệm, cựu Chủ tịch Paul Volcker sau đó đã thành công kiểm soát lạm phát vào những năm 1980, nhưng chiến thắng đó đã phải trả giá đắt. Suy thoái kinh tế sâu sắc đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên trên 10% vào giai đoạn đó.
Vincent Reinhart, chuyên gia kinh tế trưởng tại Dreyfus và Mellon, có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại FED, đánh giá, ông Jerome Powell đang muốn viết nên trang sử của riêng mình với vị thế là một người đứng đầu, không giống như Arthur Burns, "lỏng tay" quá sớm, cũng không giống như Volcker, gây ra suy thoái.
Chỉ số khốn khổ (Misery Index) của Mỹ đạt đỉnh dưới thời FED được điều hành bởi Arthur Burns và Paul Volcker. US Misery Index dùng để đánh giá mức độ khổ trong cuộc sống của người dân tại Mỹ, được tính toán dựa trên tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. |
Bởi lẽ đó, sau khi mạnh tay tăng lãi suất liên tục vào năm ngoái để bắt kịp với tốc độ gia tăng của lạm phát, các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ chỉ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần này sau khi đã thăm dò đủ chặt chẽ để đưa lập trường chính sách nhằm chế ngự lạm phát mà không gây ra suy thoái. Đi kèm với đó có thể là một tuyên bố sẽ giữ lãi suất cao trong một thời gian và không nới lỏng chính sách trước khi FED đã chắc chắn kiểm soát được áp lực giá cả.
Có rất nhiều “lỗ hổng” đi kèm với chiến lược kết hợp này. Giá dầu và lạm phát có thể tăng mạnh hơn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang mở cửa trở lại, buộc FED phải cân nhắc về việc thắt chặt hơn nữa chính sách lãi suất. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng hơn mức kỳ vọng nếu FED kiên định với lập trường chính sách chặt chẽ để chống lạm phát.
Mặt khác, các quan chức của FED từ cả hai phe "bồ câu" và "diều hâu" trong phạm vi chính sách gần đây có vẻ lạc quan hơn về cơ hội của ngân hàng trung ương trong việc thiết kế một cú “hạ cánh mềm”, điều tiết mức tăng giá mà không gây khủng hoảng cho nền kinh tế.
Phó Chủ tịch FED Lael Brainard, gần đây cho biết, bà nhìn thấy cơ hội đạt được kết quả trên “sáng hơn một chút”. Trong khi đó, James Bullard, Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis thì dứt khoát hơn: “Triển vọng về một cuộc hạ cánh mềm đã được cải thiện rõ rệt”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn là bên nhận được nhiều lợi ích trong việc FED đưa ra chính sách phù hợp, cũng đặt nhiều kỳ vọng. Jared Bernstein, thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Biden, nói với Bloomberg: “FED đang đi trên con đường hợp lý và đáng tin cậy dẫn đến “hạ cánh mềm” và chúng tôi cho rằng đây là quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng ổn định, vững chắc”.
Lý do đằng sau sự lạc quan trên là dấu hiệu lạm phát giảm. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của FED, ghi nhận tăng 5% trong tháng 12, thấp hơn so với mức 5,5% ghi nhận trong tháng 11/2022. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Rủi ro suy thoái
Các quan chức của FED bày tỏ vui mừng trước những dấu hiệu về sự chậm lại của lạm phát. Mặc dù vậy, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều không nghĩ rằng, FED sẽ vượt qua thách thức lạm phát lần này mà không đẩy Mỹ vào suy thoái. Theo khảo sát được Bloomberg mới đây, 65% các nhà kinh tế học được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp trong năm tới.
Chỉ số PCE hạ nhiệt trong tháng 12 |
Thị trường bất động sản nhà ở Mỹ đã rơi vào suy thoái trước chính sách tăng lãi suất mạnh tay mà FED đã thiết kế vào năm 2022. Hoạt động sản xuất cũng gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu và sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ.
Vẫn có một điểm sáng là chi tiêu của người tiêu dùng, trụ cột của nền kinh tế, đã đứng vững khi đối mặt với lạm phát cao ngất ngưởng, nhờ việc các hộ gia đình sử dụng nguồn tiền tiết kiệm tích lũy được trong thời kỳ đại dịch, bên cạnh thu nhập tăng lên nhờ thị trường việc làm sôi động.
Tuy vậy, đã có những dấu hiệu không mấy tích cực khi năm 2022 sắp kết thúc. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu cá nhân của người dân nước này ghi nhận giảm 0,3% trong tháng 12/2022, trong đó chi tiêu cho các dịch vụ không thay đổi. Đây là tháng đầu tiên chỉ số này không tăng kể từ đầu năm 2022.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics cho biết, ông hy vọng Mỹ sẽ tránh được suy thoái nhưng cũng thừa nhận rằng, suy thoái đang đến rất gần.
“Để tránh suy thoái, chúng ta sẽ cần một chút may mắn và một số hoạch định chính sách hợp lý, khéo léo của FED”, ông nói.