Áp lực bán ngắn hạn bất ngờ gia tăng trong phiên chiều khiến thị trường mất đi một nửa thành quả trong phiên sáng. Tuy nhiên, thanh khoản bán chưa quá lớn và lực cầu vẫn hiện hữu giúp thị trường phần nào giữ được cân bằng và tăng gần 5 điểm. Bên cạnh đó, tin vui là nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng.
Theo quán tính của phiên hôm qua, thị trường mở cửa phiên hôm nay (ngày 10/10) tăng điểm với sự gia tăng ấn tượng của thanh khoản mua chủ động ngay đầu phiên. Nổi bật trong phiên là FPT và MSN với diễn biến thu hút dòng tiền. Đà hưng phấn được duy trì xuyên suốt phiên đẩy VN-Index lên lại ngưỡng kháng cự 1.290-1.300 điểm. Dòng tiền khối ngoại cũng đồng thuận với khối nội trở lại mua ròng tích cực đóng góp cho diễn biến sôi động của thị trường.
Áp lực bán xuất hiện đầu phiên chiều ngay lập tức gây áp lực khiến chỉ số chung rung lắc thu hẹp biên độ tăng. Các cổ phiếu thuộc ngành Ngân hàng như ACB, STB và TCB bắt đầu bị bán chốt lời và giảm nhẹ ngay sau đó. Lực bán tiếp tục gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và thép với VHM và HPG. Tuy nhiên, có thể thấy thanh khoản bán chưa quá lớn và lực cầu vẫn hiện hữu giúp thị trường phần nào giữ được cân bằng.
Rổ VN30 phân hoá với 14 mã tăng và 14 mã giảm cùng SSB, GVR đứng tham chiếu. Trong đó, hai cổ phiếu FPT là động lực tăng điểm chính của thị trường, đóng góp cho VN-Index gần 2,3 điểm. Kết phiên, FPT tăng 4,65%, khớp lệnh gần 10 triệu đơn vị.
Bên cạnh FPT, VCB và MSN là 2 điểm sáng tích cực khác, đóng góp lần lượt hơn 1,2 điểm và 1 điểm cho chỉ số chung. Đóng cửa, VCB tăng 0,99% và MSN tăng 3,9%.
Ở chiều ngược lại, HPG, VHM và STB là những gánh nặng chính của VN-Index hôm nay, đóng cửa lần lượt giảm 0,91%, 0,82% và 1,61%.
Thanh khoản phiên hôm nay khởi sắc, với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt khoảng 20.456 tỷ đồng.
Sau 4 phiên "xả hàng", khối ngoại hôm nay đảo chiều mua ròng với giá trị vào ròng đạt 459 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung mua các mã MSN, FPT và NTL.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 163 mã tăng và 206 mã giảm, VN-Index tăng 4,51 điểm (+0,35%), lên 1.286,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 720 triệu đơn vị, giá trị đạt 18.471 tỷ đồng, tăng 6% khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,8 triệu đơn vị, giá trị 1.286 tỷ đồng.
Sàn HNX có 62 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,21%), xuống 231,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 937 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 659 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 157 mã tăng và 99 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,13%), lên 92,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 158% về khối lượng và 79% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 49 triệu đơn vị, giá trị đạt 601 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, từ hơn 6 điểm đến gần 10 điểm. Trong đó, VN30F2410 tăng 7,9 điểm, tương đương +0,58% lên 1.366,2 điểm, khớp lệnh hơn 208.900 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.500 đơn vị.
Với diễn biến hiện, tại, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp rung lắc để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu có thời gian tích lũy từ 1-2 tháng, kiểm định vùng hỗ trợ thành công, hoặc vừa mới bước vào nhịp tăng điểm thuộc các nhóm ngành vận tải cảng biển, dầu khí.
"Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có thể chốt lời một số cổ phiếu đã đạt mục tiêu ngắn hạn và có tín hiệu vượt đỉnh thất bại để đảm bảo lợi nhuận", VCBS lưu ý.