Áp lực bán tăng cao tại vùng đỉnh 1.290 khiến VN-Index giảm điểm trong phiên hôm nay (11/6). Tuy vậy, lực cầu bắt đáy khá tích cực đã giúp thị trường tránh khỏi một đợt bán tháo mạnh.
Bật tăng ngay đầu phiên nhưng chưa đầy một giờ đồng hồ sau, thị trường bắt đầu trượt điểm do áp lực bán có xu hướng tăng mạnh. Thanh khoản không tăng đồng thuận với đà giảm cho thấy lực cầu đang thiếu sự chủ động. Sự suy yếu không chỉ ở mỗi nhóm bluechips mà còn lan tỏa sang cả các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn, cho thấy sự thận trọng gia tăng khi chỉ số chung hiện vẫn đang vận động mà thiếu đi động lực bứt phá vượt cản đi lên tiếp.
Áp lực bán tiếp tục gia tăng đầu phiên chiều khiến VN-Index nhanh chóng mất thêm điểm và chạm đáy trong phiên khi giảm hơn 10 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên, lực nâng đỡ thị trường đến từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp thị trường tránh khỏi phiên bán tháo với một số mã duy trì được mức tăng nhẹ như TCB, VPB, PLX, GAS.
Các mã cổ phiếu vừa và nhỏ, với các mã ngành vận tải, logistics tuy không duy trì đà tăng mạnh như hôm qua, nhưng vẫn còn một số mã tiếp tục thu hút nhà đầu tư.
Phiên hôm nay, VPB là mã có khối lượng khớp lệnh cao nhất rổ VN30 với hơn 31 triệu đơn vị, HPG khớp gần 27 triệu đơn vị và hai cổ phiếu này cũng dẫn đầu thanh khoản toàn sàn.
Thanh khoản thị thường sôi động với tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt 28.392 tỷ đồng.
Khối ngoại bán mạnh với tổng giá trị ròng đạt 1.845,51 tỷ, tập trung bán HPG, VHM, VPB.
Đóng cửa phiên hôm nay, sàn HOSE có 146 mã tăng và 301 mã giảm, VN-Index giảm 6,26 điểm (-0,49%), xuống 1.284,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 993,3 triệu đơn vị, giá trị 25.420,9 tỷ đồng, tăng gần 16% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 134 triệu đơn vị, giá trị 3.144,8 tỷ đồng.
Sàn HNX có 77 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index tăng 0,83 điểm (+0,34%), lên 246,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,9 triệu đơn vị, giá trị 1.766,4 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 4,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,8 triệu đơn vị, giá trị 314,8 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 140 mã tăng và 148 mã giảm, UpCoM-Index giảm 0,61 điểm (-0,61%), xuống 98,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,7 triệu đơn vị, giá trị 1.204,6 tỷ đồng, giảm 2,3% về khối lượng và 7,6% về giá trị. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,8 triệu đơn vị, giá trị 313,9 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai tiếp tục diễn biến giằng co khi các chỉ số cơ sở chưa thể bứt phá mạnh. Điểm tích cực là hợp đồng tương lai tháng 6 đã bật tăng trở lại khi quay lại gần ngưỡng 1.300 điểm để đóng cửa tại 1.305 điểm, tương ứng tăng gần 6 điểm.
Phân tích kỹ thuật phiên giao dịch hôm nay, CTCK Vietcombank cho biết, VN-Index kết phiên hình thành nến đỏ giảm điểm thể hiện áp lực bán gia tăng do tâm lý lo lắng hiện hữu từ phía nhà đầu tư tuy nhiên vẫn giữ vững được khu vực hỗ trợ quanh vùng 1.285 điểm.
“VN-Index ghi nhận phiên giảm điểm tuy nhiên nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng vì thị trường vẫn đang vận động ổn định và áp lực giảm điểm cũng được cải thiện nhờ lực cầu xuất hiện cuối phiên. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ tâm lý bình tĩnh, tiếp tục duy trì tỉ trọng đối với những mã cổ phiếu đang trong xu hướng tích lũy thuộc nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép”, VCBS nhận định.
Còn theo CTCK Yuanta Việt Nam, dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, ngược lại áp lực bán của khối ngoại gia tăng trở lại khiến các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng.
Chuyên gia Yuanta Việt Nam đánh giá, việc tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt khiến khối ngoại cũng có thể sớm giảm đà bán ròng trong thời gian tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng vào vùng lạc quan quá mức nên đánh giá các nhóm cổ phiếu có thể sẽ biến động phân hóa trong những phiên giao dịch tới và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chủ đạo của thị trường.