Để khơi thông nguồn vốn cần cả quá trình, không phải chuyện của một hay hai ngày. Trong bối cảnh quốc tế khó, Nhà nước khó, ngân hàng khó, để tiếp cận nguồn vốn đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động nhiều hơn.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức ngày 17/11.
Lãi suất khó hạ vì áp lực tỷ giá
Nhận định về tình hình kinh tế thế giới năm 2024, TS. Võ Trí Thành cho rằng cái khó có thể còn đeo đẳng tới năm 2024. Dự báo mới nhất của WB, IMF đều cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay ở mức thấp và năm 2024 dự báo tăng trưởng có thể suy giảm. Về tài chính tiền tệ, lạm phát đến năm 2024 ở châu Âu có thể không tăng nhưng ở các nước đang phát triển vẫn còn cao. Lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương nơi có các đồng tiền chủ chốt vẫn cao. Cùng với đó là đối đầu địa chính trị, căng thẳng, xung đột lan rộng. Bên cạnh đó còn là sự mất niềm tin vào sự bất định trên thế giới (năng lượng, lương thực, thiên tai...).
Nhìn vào những điều đó, TS. Võ Trí Thành đánh giá Việt Nam là nơi tốt nhất về niềm tin chính trị, sự cung ứng, các chiến dịch toàn diện… Chỉ ra 5 chính sách quan trọng tác động đến tăng trưởng năm 2024, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh vào nhóm thứ nhất là tài chính tiền tệ, lạm phát ổn, thanh khoản ổn, hệ thống tài chính ngân hàng ổn. Nhiều chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.
Về lãi suất điều hành, TS. Võ Trí Thành, cho rằng, từ nay đến đầu năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ gặp khó khăn bởi áp lực tỷ giá.
"Mặc dù phải cạnh tranh xuất khẩu nhưng không thể để đồng Việt Nam mất giá mạnh, để vừa giữ ổn định thanh khoản ngân hàng cũng như các vấn đề về USD và tiền đồng. Đồng thời, điều đó cũng là để bảo vệ doanh nghiệp nội địa", TS. Võ Trí Thành nói.
TS. Võ Trí Thành cho biết việc hạ lãi suất cho vay cần phải chờ thêm thời gian vì lãi suất điều hành hạ ngấm sang lãi suất thương mại luôn có độ trễ.
Về tăng trưởng tín dụng, TS. Nguyễn Trí Thành khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như hiện tại là rất dũng cảm, để tăng trưởng lớn hơn là rất khó.
Cũng về vấn đề tăng trưởng tín dụng, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đánh giá, tín dụng tăng như 9 tháng đầu năm 2023 là bình thường, đúng chu kỳ. Cần lưu ý về mức dự báo tăng trưởng GDP 4,7% của WB để tính toán lại mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Thị trường biến động thì mục tiêu cũng phải đổi thay để tránh mục tiêu quá cao, khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Quốc tế khó, Nhà nước khó, ngân hàng khó, doanh nghiệp càng phải chủ động vượt khó
Theo ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA), trong bối cảnh ai cũng khó, quốc tế khó, Nhà nước khó, ngân hàng khó, doanh nghiệp càng phải chủ động nhiều hơn vì rủi ro ngày càng nhiều. Tất cả các bên phải đồng lòng cùng nhau tìm giải pháp.
Khẳng định việc khơi thông nguồn vốn cần cả quá trình, không phải trong hôm nay, ngày mai, ông Phạm Phú Trường cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi tư duy theo hướng bền vững, chú trọng đạo đức kinh doanh. Luật pháp chưa cập nhật đủ thì doanh nghiệp phải cập nhật ở mức cao hơn, mang lại lợi ích đích thực cho khách hàng. Cùng với đó, cần chuyển đổi mô hình xanh, bền vững và chú trọng công nghệ.
"Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghĩ đến sáng tạo. Muốn sáng tạo cần công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Đây là vấn đề dài hơi. Hôm nay chúng ta thấy khó không có nghĩa là nó không có lối ra", Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.
Ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho rằng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là mong mỏi của các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm và nỗ lực của các ngân hàng thương mại. Do đó, doanh nghiệp với ngân hàng cần với nhau như một người bạn, doanh nghiệp với ngân hàng cần nói rõ và hiểu về nhau hơn.
"Chúng ta hãy tin nhau hơn, hãy dám thể hiện với nhau hơn. Doanh nghiệp phải mạnh dạn chia sẻ. Ngân hàng phải lắng nghe nhiều hơn", ông Trần Hoài Phương nói.
Ông Trần Hoài Phương cũng đưa ra 3 điều doanh nghiệp cần tránh như: Không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn; không nên để nợ quá hạn; không nên để vòng quay vốn dài.
Để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng khó khăn, TS. Võ Trí Thành cũng đưa ra những từ khóa về cơ hội mới cho doanh nghiệp:
"Thứ nhất là “phòng thủ”. Các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro về thông tin, kịch bản và làm cuốn chiếu.
Tình hình thế giới bất ổn, đến nỗi IMF cứ 2 tháng phải dự báo lại một lần các chỉ số. Chúng ta phải có phương án tác chiến để phản ứng kịp thời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải học hỏi các công cụ quản trị rủi ro.
Thứ hai là “tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội”. Qua tình hình thế giới và Việt Nam nói trên với môi trường, sự tăng trưởng không đồng đều. Khi mà thị trường này giảm, thị trường kia tăng thì ta phải chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng.
Thứ 3 là “bắt nhịp xu thế”. Chúng ta không thể chờ quá 3 năm, mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới".