Vấn đề - Nhận định

Khơi thông vốn trái phiếu cho ngân hàng

Lê Mỹ 06/05/2023 11:31

Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung hơn nữa các quy định hiện hành để khơi thông vốn trái phiếu cho các ngân hàng.

Qua đó, ngân hàng có điều kiện tăng nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

minh-hoa2.jpg
Phần lớn các ngân hàng không có kế hoạch tăng vốn qua phát hành trái phiếu. Ảnh: Nhật Thịnh

Ghi nhận trong kế hoạch Đại hội cổ đông thường niên ở một số ngân hàng, phần lớn các ngân hàng đều lựa chọn phát hành cổ phiếu tăng vốn và bên cạnh đó, ít ngân hàng vẫn có kế hoạch tăng vốn qua phát hành trái phiếu.

Ngân hàng cũng cần vốn trái phiếu

Một điển hình như trường hợp BIDV, ngân hàng đang triển khai mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, trong 2022, BIDV cũng vẫn tiến hành phát hành trái phiếu tăng vốn.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, báo cáo của HĐQT BIDV cho biết, năm 2022, công tác phát hành trái phiếu tăng vốn đạt kết quả tích cực, góp phần cải thiện năng lực tài chính của BIDV. Ngân hàng đã hoàn thành phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 theo đúng kế hoạch, tổng quy mô phát hành cả năm 2022 đạt 16.636 tỷ đồng; số dư hiện đạt 45.488 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021.

Tương tự, năm 2022, kế hoạch của VietinBank là thực hiện 20 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ để tăng vốn cấp 2 nhằm huy động 15.000 tỷ đồng cải thiện hệ số an toàn vốn, bổ sung nguồn cho vay. Trên thực tế, VietinBank đã có 14 đợt phát hành với tổng giá trị phát hành 5.600 tỷ đồng theo mệnh giá, thấp hơn 6 đợt so với kế hoạch đề ra năm 2022.

Dữ liệu ghi nhận VietinBank đã ngưng các đợt phát hành trái phiếu huy động vốn cấp 2 trong kế hoạch kể từ sau 15/9/2022, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng chung vì vụ việc Vạn Thịnh Phát. Mặt khác, ở quý IV/2022, VietinBank cũng mua lại nhiều đợt trái phiếu trước ngày đáo hạn. Do đó, đến cuối 2022, ngân hàng có dư nợ 15.419 tỷ đồng giá trị trái phiếu lưu hành tính theo mệnh giá.

Trong khi đó, 2 TCTD dẫn đầu về khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 của hệ thống là VPBank và LienVietPostBank có lần lượt giá trị đáo hạn là 13.650 tỷ đồng và 9.900 tỷ đồng. Trong kế hoạch trình ĐHĐCĐ năm nay, hai ngân hàng này không có nội dung đề cập đến vấn đề trái phiếu…

Những rào cản cần tháo gỡ

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho rằng sở dĩ phần lớn các ngân hàng ít có kế hoạch tăng vốn qua phát hành trái phiếu trong năm nay, xuất phát từ việc các ngân hàng cũng đang đánh giá thận trọng với câu chuyện trái phiếu, trong bối cảnh niềm tin trên thị trường TPDN sau Nghị định 08/2023 chỉ vừa mới bắt đầu tái xây dựng lại, còn đa phần nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng với sản phẩm huy động qua thị trường nợ.

“Một số ngân hàng vừa hoàn thành mua lại trái phiếu trước hạn, hay nhiều ngân hàng khác cũng vẫn đang triển khai mua lại theo quyền mua lại trước hạn của tổ chức phát hành, cho thấy hoạt động phát hành trái phiếu ra vẫn còn khó khăn”, ông Hoàn đánh giá.

vbma-2.jpg

Ngoài ra, có thể thấy các bất cập mà ngân hàng gặp phải nổi lên rất rõ theo văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Đó là các bất cập liên quan đến các quy định về Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ; việc các TCTD phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm; điều kiện các TCTD phát hành trái phiếu riêng lẻ như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết: “Những vướng mắc nêu trên dẫn tới kể từ khi Nghị định 65/2022 được ban hành và kể cả Nghị định 08/2023 mới được ban hành, đến nay, các TCTD không thể thực hiện được việc phát hành mới trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, do không đáp ứng yêu cầu về nội dung tài liệu trong hồ sơ phát hành; đặc biệt là các TCTD sẽ vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 65/2022".

Vì vậy, VNBA đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP theo hướng: TCTD không phải thực hiện việc báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ, cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới. Nội dung này có thể xem xét bổ sung vào Luật Các TCTD (sửa đổi) sắp tới hoặc rà soát lại các tỷ lệ an toàn của các TCTD nếu chưa phù hợp thì sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, hiệu quả, trong đó có việc phát hành và sử dụng trái phiếu riêng lẻ.

Ngoài ra, trong thời gian chưa thực hiện kiểm toán được, VNBA đề xuất Chính phủ cho phép các TCTD được tạm hoãn thực hiện quy định tại Điểm C Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 30/6/2023 để các TCTD có thời gian lựa chọn đơn vị kiểm toán.

“Các ngân hàng hiện đã chịu sự kiểm tra, giám sát của NHNN và các cơ quan có thẩm quyền về các tỷ lệ an toàn. Bản thân các ngân hàng cho đến hiện tại cũng đều đảm bảo tuân thủ cam kết với các trái chủ, chưa có TCTD nào vi phạm nghĩa vụ nợ. Do đó, rất cần được xem xét để sớm gỡ vướng cho các ngân hàng khơi thông thêm nguồn vốn, bổ sung vốn hoạt động qua thị trường TPDN, qua đó có thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tăng điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế”, ông Hùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông vốn trái phiếu cho ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO