Khuôn khổ pháp lý: Yếu tố then chốt cho ngân hàng triển khai Basel II thành công

Hà Thành | 31/08/2020 11:39
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng, sự nghiên cứu đầu tư bài bản trong xây dựng khung khổ pháp lý, lộ trình triển khai Basel II của NHNN đã giúp hệ thống ngân hàng có thành tựu rất lớn đối với sự thành công của các ngân hàng.

Triển khai chuẩn mực vốn Basel II được coi là giải pháp có tính chiến lược, thay đổi về chất, tạo nền tảng giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam khỏe mạnh, vững vàng đáp ứng đầy đủ cho yêu cầu phát triển và hội nhập. Chính vì vậy, ngay từ những năm 2014, NHNN đã phê duyệt lộ trình triển khai thực hiện Basel II. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản đối với cơ quan quản lý cũng như các TCTD bởi nó đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, với sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin rồi thay đổi nhận thức của người quản lý, người điều hành... Mặc dù vậy, xác định đây là nhiệm vụ then chốt và vô cùng cần thiết, NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam” do Viện Chiến lược NHNN tổ chức, Ths.Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục IV, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, nếu áp dụng một cách máy móc quy định Basel II của Ủy ban Basel đưa ra đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ không thể triển khai được xét về mọi mặt. Do vậy, cần phải “địa phương hóa” hay nói cách khác phải xây dựng khung khổ pháp lý làm sao đảm bảo nguyên tắc Basel II nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Khung khổ pháp lý đó xây dựng trên nguyên tắc tiếp cận theo từng giai đoạn, áp dụng từ phương pháp đơn giản theo hướng mở phù hợp với mức độ phát triển của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng nào chưa có khả năng thực hiện phương pháp nâng cao thì triển khai theo phương pháp đơn giản. Việc triển khai cần thực hiện đồng thời cả ba trụ cột...

VIB là ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II

Xác định trên nguyên tắc đó, NHNN thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Basel II trong ngân hàng và lựa chọn 10 NHTM trong nước thí điểm triển khai. NHNN xây dựng mẫu biểu, ban hành khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các ngân hàng triển khai đầy đủ các trụ cột Basel II.  Đối với trụ cột I, NHNN đã xây dựng và ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng theo phương pháp tiêu chuẩn.

Đối với trụ cột II, NHNN đã xây dựng, ban hành Thông tư 13/2018/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ. Còn đối với trụ cột III, NHNN tăng cường yêu cầu các ngân hàng thực hiện báo cáo, công bố thông tin đối với kết quả tính vốn, thực trạng kiểm soát, quản lý rủi ro, việc xác định khẩu vị rủi ro, kết quả đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn, kế hoạch sử dụng vốn... “Đây là cơ sở để cơ quan quản lý giám sát khẩu vị rủi ro, đánh giá mức độ an toàn hoạt động”, ông Kiên cho biết.

Đến thời điểm này đã có 33 ngân hàng hoàn thành Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn của Thông tư 41 chiếm gần 80% tổng số NHTM, trong đó có 18 NHTM được NHNN chấp thuận áp dụng trước thời hạn Thông tư 41. Một số ngân hàng hoàn thành đầy đủ cả ba trụ cột Basel II... Theo đánh giá của TS.Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), nhìn chung các ngân hàng đã nghiêm túc chủ động triển khai yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với lộ trình triển khai Basel II như thành lập Ban quản lý Dự án triển khai Basel II (PMO), nhân lực thực hiện dự án; hệ thống cơ sở hạ tầng data, IT phục vụ tính vốn và báo cáo, đặc biệt là việc chuẩn bị các dữ liệu phục vụ tính vốn; chuyển đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu tài sản có rủi ro...

Có được kết quả tích cực trên, theo đánh giá của các diễn giả tại hội thảo, bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng, sự nghiên cứu đầu tư bài bản trong xây dựng khung khổ pháp lý, lộ trình triển khai Basel II của NHNN đã giúp hệ thống ngân hàng có thành tựu rất lớn đối với sự thành công của các ngân hàng. Là một trong 10 ngân hàng được lựa chọn thí điểm và cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thành trước thời hạn áp dụng Thông tư 41, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái cho biết, nhờ NHNN thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn diện, bám sát thông lệ quốc tế cùng với lộ trình thực hiện bài bản trong từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam giúp các NHTM có đầy đủ yếu tố cần thiết và thuận lợi trong việc triển khai Basel II. Kể từ khi áp dụng đầy đủ quy định Basel II, Vietcombank đã tối ưu hóa được danh mục vốn, hướng tới phân khúc khách hàng ít rủi ro, phân bổ tài sản có rủi ro hiệu quả hơn, quản trị vốn tốt hơn... Dù chặng đường đi tới đích Basel II rất vất vả và khó khăn, nhưng qua những kết quả đạt được, theo bà Thái đáng để các NHTM nỗ lực triển khai.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói riêng, kinh tế thế giới có nhiều biến động gây ra những bất ổn thị trường tài chính, Ths.Lê Trung Kiên nhấn mạnh các ngân hàng cần sớm hoàn thành Basel II một cách đầy đủ. Bởi, việc triển khai Basel II tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt mang lại lợi ích giá trị cốt lõi giúp cho các ngân hàng có tầm nhìn rộng hơn, sẵn sàng ứng phó với những biến động có thể xảy ra đảm bảo sự phát triển bền vững. Ngân hàng muốn triển khai thành công Basel II phải có POM năng động, quyết liệt, đủ quyền lực. Yếu tố then chốt nữa là phải sớm triển khai thu thập dữ liệu thông tin vừa đảm bảo độ dày, sâu và sạch. Đây là thách thức lớn và căn bản mang tính quyết định ngân hàng có thực hiện thành công Basel II hay không...

Với kết quả 85% TCTD áp dụng Thông tư 41 là thành công lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Giám đốc tư vấn rủi ro KPMG lưu ý thêm những định hướng triển khai Basel trong thời gian tới để NHNN có những giải pháp phù hợp hơn. Đó là các quy định của Basel liên tục phát triển theo hướng thắt chặt hơn; định hướng của cơ quan quản lý về quản trị rủi ro; sự phát triển của ngân hàng số và định hướng của NHNN. Đại diện BIDV đề xuất: NHNN cần bổ sung thêm thông tin, dữ liệu đầu vào chính thống từ phía cơ quan quản lý về chính sách vĩ mô, tài chính tiền tệ để các ngân hàng đưa vào các kịch bản đảm bảo tính đồng nhất, mức độ đánh giá chính xác hơn. Với vai trò là một trong những cơ quan tham mưu cho NHNN trong xây dựng chính sách, ông Lê Trung Kiên cho biết, việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai Chuẩn mực an toàn vốn Basel II là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới trong việc quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuôn khổ pháp lý: Yếu tố then chốt cho ngân hàng triển khai Basel II thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO