Hệ thống giao dịch của 2 sở đã kết nối trở lại với VNDIRECT giúp cho thanh khoản có sự gia tăng so với phiên cuối tuần trước. Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn có một phiên rung lắc nhẹ trong phiên đầu tuần (ngày 1/4).
Định vị thị trường
Chứng khoán Nhật Bản có phiên đầu tuần chịu sự rung lắc lớn với việc chỉ số NIKKEI 225 (-1,4%) giảm về đúng đường MA20. Trong khi đó, các chỉ số Trung Quốc vẫn tăng điểm mạnh như SHMCP (+1,9%), HSI (+0,91%), SZI (+2,62%) còn SET (+0,28%) của Thái Lan, STI (+0,43%) của Singapore và KOSPI (+0,04%) vẫn có được sắc xanh.
VN-Index cũng có sự rung lắc dù hệ thống giao dịch của VNDIRECT đã kết nối trở lại với các sở. Cuối phiên, chỉ số đã thu hẹp đáng kể lại áp lực nhưng vẫn chưa kịp đảo chiều tăng điểm, chốt tại 1.281,52 điểm (-0,2%).
Chất xúc tác
Việc VNDIRECT kết nối trở lại đã giúp thị trường sôi động hơn thể hiện qua khớp lệnh tăng hơn 5% so với phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, mức khớp lệnh của phiên vẫn ở dưới mức bình quân 20 phiên, qua đó nối dài chuỗi hụt thanh khoản lên con số 5.
Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn cần còn khá thận trọng thay vì hào hứng tham gia ngay vào thị trường. Một số biến số vẫn cần phải chú ý như hoạt động bán ròng của nhà đầu nước ngoài, lãi suất liên ngân hàng có sự nóng lên và thông tin về PMI tháng 3.
Cụ thể, khối ngoại vẫn có phiên bán ròng thứ 15 liên tiếp với tâm điểm là sàn HOSE (-732 tỷ đồng). Các mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất là MSN (-248 tỷ đồng), SSI (-170 tỷ đồng), VNM (-159 tỷ đồng), VCI (-98 tỷ đồng)…
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng theo thống kê của Refinitiv Eikon đã nhảy vọt lên 3,64% ở kỳ hạn qua đêm (tăng hơn 30%). Đây có thể là kết quả việc tăng lãi suất đấu thầu tín phiếu trong tuần qua trong khi vẫn duy trì khá đều các đợt phát hành. Theo thống kê, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã hút ròng 26.500 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, nâng khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành đứng ở mức 171.198,8 tỷ đồng.
Còn với chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 3/2024 lại phản ánh sự hồi phục vẫn còn nhiều chướng ngại vật. Điểm số của PMI chỉ là 49,9 điểm sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2.
Vận động thị trường
Nhóm cổ phiếu chứng khoán thu hút khá nhiều sự chú ý khi VNDIRECT kết nối giao dịch trở lại nhưng nhìn chung không có sự đột biến đáng kể nào. VND (-0,2%), AGR (-0,8%) giảm nhẹ, còn SSI (+0,8%), HCM (+0,9%), FTS (+0,8%) dù đảo chiều cuối phiên cũng chưa có thành tích đáng kể.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì được sức hút với dòng tiền tốt với các mã SCR (+2,6%), HAR (+2,5%), QCG (+3,2%), DIG (+4%), KHG (+2,7%), HDC (+1,29%), TCH (+1,6%), NVL (+1,2%). Tuy nhiên, HPX lại có một phiên giảm sàn, khá bất thường kể từ sau khi được giao dịch trở lại trên HOSE.
Ngoài ra, một số cổ phiếu nhóm du lịch - hàng không cũng tăng giá khá ấn tượng với HVN, SKG tăng trần nhờ các thông tin khả quan về lượng khách du lịch.
Tuy nhiên, thị trường có thể còn tích cực hơn nếu như cổ phiếu ngân hàng đồng hành cùng. Các mã CTG (-1,5%), MBB (-2%), MSB (-1%), TCB (-0,2%), VPB (-0,5%), STB (-0,6%) lại đóng phiên trong sắc đỏ. Nhiều mã ngân hàng chỉ hỗ trợ chỉ số bằng những nỗ lực thu hẹp đà giảm về cuối phiên nên chưa tạo cú đảo chiều nào.
VN-Index chốt phiên giảm 2,57 điểm, xuống 1.281,52 điểm (-0,2%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 23.287 tỷ đồng, tương đương 971 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa trái chiều nhau, tăng 0,13% và giảm 0,26%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 2.800 tỷ đồng.