Hoạt động ngân hàng

Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại Lâm Đồng

P.V 17/12/2023 - 17:06

Ngày 15/12, Đoàn kiểm tra liên ngành về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) do ông Đào Minh Tú, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) làm Trưởng đoàn, đã có buổi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG năm 2023 tại tỉnh Lâm Đồng.

555860-01.jpg
Quang cảnh buoor làm việc

Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Lâm Đồng có: ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh liên quan.

Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã phê duyệt 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo triển khai thực hiện các Chương trình.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 29/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 25/4/2023, thành viên BCĐTW thuộc NHNN được phân công chỉ đạo triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình MTQG tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Lâm Đồng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể: cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 85,2 triệu đồng/người, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%; riêng tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 5,09%; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng/người (tăng 20% năm 2022); toàn tỉnh có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo cảnh quan nông thôn thay đổi, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng và những hạn chế trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG. Trưởng Đoàn kiểm tra Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cao của các cấp chính quyền của tỉnh trong việc triển khai, thực hiện các Chương trình MTQG.

web.jpeg.jpg
Trưởng Đoàn kiểm tra Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Lâm Đồng

Phó Thống đốc cho rằng, hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã góp phần thực hiện 3 Chương trình MTQG tại khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Quy mô vốn huy động và tín dụng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng và đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Tính đến ngày 31/10/2023, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 95.388 tỷ đồng; dư nợ trên địa bàn đạt 170.237 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cuối năm 2022 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng của Vùng Tây Nguyên là 6,69%), chất lượng tín dụng được kiểm soát với nợ xấu ở mức 0,6%.

Riêng chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 4 chính sách tín dụng với dư nợ đạt hơn 70 tỷ đồng, với trên 1.000 khách hàng còn dư nợ.

Về các kiến nghị tại Báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, Phó Thống đốc cho rằng, kiến nghị liên quan đến Ủy ban Dân tộc về triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cho các xã khu vực III, II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong thời gian 03 năm, đại diện Ủy ban Dân tộc đã có ý kiến trao đổi với tỉnh. Đối với các kiến nghị của tỉnh với Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NHNN sẽ ghi nhận và tổng hợp trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo.

Đối với kiến nghị nâng mức vay tối đa đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và ban hành chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình tại xã xây dựng nông thôn mới, các chương trình tín dụng này không do NHNN chủ trì trình ban hành, NHNN sẽ ghi nhận vào báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương.

Còn đối với 2 kiến nghị còn lại liên quan đến hoạt động tín dụng Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ ghi nhận trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương để thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương, cũng như các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH trong triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Xem xét nâng mức cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn, NHNN ghi nhận và sẽ nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trong năm 2023 và phấn đấu hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Phó Thống đốc đề nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo một số các nội dung sau:

Đề nghị Ban Chỉ đạo của tỉnh tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo triển khai, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn sự nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, theo Kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023.

Theo kế hoạch đề ra của tỉnh đến năm 2025, toàn tỉnh có 111/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với mục tiêu này, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong thời gian tới cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện các tiêu chí, đồng thời phải tập trung rà soát, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.

Còn đối với hoạt động tín dụng trên địa bàn, Phó Thống đốc đề nghị để góp phần thực hiện các Chương trình MTQG, ngành Ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh công tác huy động vốn để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh trên địa bàn (tại Lâm Đồng nguồn vốn huy động trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 56% dư nợ tín dụng); NHCSXH tích cực giải ngân các chính sách tín dụng góp phần thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có chương trình tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Để hỗ trợ hoạt động tín dụng trên địa bàn, Phó Thống đốc cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng. Chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương phối hợp với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; trong điều kiện ngân sách của địa phương, tỉnh quan tâm, bố trí dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động ổn định, bền vững theo Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Phó Thống đốc cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và Việt Nam, đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng góp phần thực hiện các chương trình MTQG, triển khai Chương trình kết nối – ngân hàng doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại Lâm Đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO