Doanh thu của nhiều doanh nghiệp tiếp tục “chạm đáy” do thiếu đơn hàng, thiếu vốn. Từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân lực với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí.
Những ngày qua, thông tin "ông lớn" ngành dệt may Garmex Sài Gòn (GMC) đã cắt giảm hàng nghìn nhân sự, trong khi lợi nhuận xuống mức âm các quý gần đây đang gây chú ý.
Theo đó, tại báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu của GMC lao dốc mạnh khiến lợi nhuận tiếp tục xuống mức âm 12,4 tỷ đồng, dẫn đến tình trạng lỗ chồng lỗ liên tiếp tại GMC trong 4 quý.
Lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng số nhân viên chỉ còn 41 người. Như vậy, công ty đã cắt giảm 1.941 nhân sự so với thời điểm đầu năm (1.982 người).
Nêu lý do cho tình trạng sụt giảm mạnh nhân sự, Garmex chia sẻ, do tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng biến động chính trị trên thế giới khiến ngành dệt may chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Thiếu đơn hàng nên doanh thu giảm đáng kể (99,92%), công ty buộc phải thu hẹp hoạt động, tiết giảm chi phí để giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài GMC, làn sóng cắt giảm số lượng lớn nhân sự vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), được biết, thời điểm ngày 30/9/2022, Thế giới Di động ghi nhận có 80.231 nhân viên, thời điểm ngày 31/12/2022 ghi nhận còn 74.008 nhân viên, thời điểm ngày 31/3/2023 ghi nhận còn 68.048 nhân viên và thời điểm ngày 30/6/2023 ghi nhận 68.026 nhân viên.
Như vậy, trong 9 tháng qua, Thế giới Di động đã giảm 12.205 nhân viên, tức giảm 15,21% quy mô nhân sự so với thời điểm ngày 30/9/2022. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động giảm 5.982 nhân viên.
Tương tự, ở lĩnh vực bất động sản, nối tiếp nhịp độ ảm đạm, các doanh nghiệp địa ốc cũng tiếp tục “ngậm ngùi” cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Điển hình như Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR), tại thời điểm ngày 30/6/2023, số lượng nhân viên của nhóm công ty chỉ còn là 243 người, giảm 112 người, tương đương 31,5% so với cuối năm 2022.
Hay như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), ghi nhận số lượng nhân sự tại thời điểm ngày 30/6 là 2.390 người, giảm 1.383 người so với thời điểm cuối năm 2022 nhưng không thay đổi với thời điểm cuối quý I/2023. Dù vậy, đây là số nhân sự thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây tại doanh nghiệp đầu tư và môi giới bất động sản top đầu tại TP. Hồ Chí Minh.
“Làn sóng sa thải” chưa kết thúc
Báo cáo xu hướng nhân sự Việt Nam giai đoạn nửa đầu năm 2023 của Anphabe (đơn vị tư vấn về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc) công bố mới đây, cho biết tại Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau.
Đến nay, đã có khoảng 13% người đi làm tại Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sa thải, tập trung nhiều hơn ở cấp nhân viên và nhất là nhóm còn trong giai đoạn thử việc.
Anphabe dự đoán “làn sóng sa thải” sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Theo khảo sát, vào tháng 5/2023 với nhóm nhân sự từ cấp quản lý trở lên, ngoài 33% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm, vẫn có 13% doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới; 34% quyết định giữ nguyên và chỉ 20% có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, đối với nhóm công ty quyết định giữ nguyên hoặc sẽ cắt giảm nhân sự, biện pháp "không tuyển thay thế" đối với nhân viên tự nguyện nghỉ việc đang trở nên phổ biến. Chiến lược này được giới nhân sự gọi là "quiet-firing" (tạm hiểu là “sa thải thầm lặng” để tránh gây xáo trộn lớn trong tổ chức mà vẫn giảm dần số lượng nhân sự xuống mức mong muốn).
Với các doanh nghiệp đã cắt giảm, hầu hết đều bị đặt trong thế bị động phải cắt giảm ngay để duy trì hoạt động do kinh doanh khó khăn, không đủ tiền để trả lương hoặc khủng hoảng kinh tế, không đủ việc cho nhân viên…
Tuy nhiên, Anphabe cũng cho rằng, tình hình hiện tại cho thấy xu hướng giảm nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp đang dịch chuyển theo một hướng tích cực hơn, đó là chủ động tinh gọn thông qua việc tái cấu trúc để tối ưu và linh hoạt hơn, cũng như điều chỉnh trước để đối phó với các rủi ro tiềm ẩn từ khủng hoảng kinh tế…
Xu hướng điều chỉnh quy mô một cách hợp lý và tinh gọn này đang ngày càng trở nên rõ ràng trong các doanh nghiệp hiện nay, bao gồm cả những doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, cho thấy sự thích ứng và linh hoạt của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn và biến đổi của thị trường.