Nghiên cứu - Trao đổi

Nhân sự tại các ngân hàng thương mại: Xu thế và giải pháp

ThS. Xuân Thảo* 18/06/2023 07:30

Với mức độ cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như hiện nay, ngoài các yếu tố về mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, hệ thống công nghệ… thì bộ máy nhân sự là một trong những nhân tố cần được mỗi ngân hàng thương mại đầu tư bài bản nhằm nâng cao năng lực nhân viên, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Khoảng hơn 20 năm trở về trước, một nhân viên ngân hàng chỉ cần giỏi tính toán lãi suất, tư vấn dịch vụ, ghi chép sổ sách chuẩn chỉnh là đã được đánh giá làm tốt công việc. Nhưng từ khi hệ thống ngân hàng được hiện đại hóa, áp dụng máy tính, công nghệ vào việc lưu trữ và xử lý dữ liệu, sau đó là sự ra đời của internet, rồi đến các công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), đòi hỏi nhân sự ngành Ngân hàng không những chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải làm chủ được công nghệ cao. Thêm vào đó, sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều ngân hàng, khiến cho nhân viên càng ngày phải càng trở nên khéo léo, tâm lý, nhiệt tình, chăm sóc chu đáo thì mới có thể giữ chân khách hàng.

Xu thế của nguồn nhân lực trong thời gian tới

Xu thế chuyển dịch cơ cấu nhân sự trong mỗi ngân hàng

Cuộc CMCN 4.0, với sự phát triển của robot thông minh và trí tuệ nhân tạo đã tạo ra sự dịch chuyển về các kênh sử dụng sản phẩm dịch vụ, dẫn đến sự dịch chuyển về cơ cấu nhân sự rất rõ nét ở các ngân hàng thương mại. Thị trường người dùng số ngành Tài chính – Ngân hàng tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá tốt.

Theo báo cáo của Hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey năm 2021, có đến 82% khách hàng cá nhân có ít nhất một lần truy cập internet banking hoặc mobile banking trong vòng một tháng tại Việt Nam tính trong năm 2021, trong đó có 73% khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng nhiều hơn 1 kênh, từ offline kiosk banking, đến online như mobile, tablet, laptop.... Các khách hàng dưới 40 tuổi ưu tiên kênh số còn người dùng lớn tuổi thì sử dụng đa kênh. Điều này dẫn đến cơ cấu nhân sự tại các ngân hàng đang thay đổi theo chiều hướng giảm tỷ trọng giao dịch viên, các cán bộ tác nghiệp trực tiếp, gia tăng tỷ trọng cán bộ quản lý và/hoặc chăm sóc khách hàng cũng như nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) và nhân lực chất lượng cao. Một số ngân hàng hiện nay hạn chế tuyển dụng các vị trí tác nghiệp trực tiếp, tăng cường tuyển dụng các vị trí chuyên viên khách hàng, chuyên viên CNTT, chuyên gia giỏi có kiến thức chuyên sâu vể từng lĩnh vực cụ thể.

Xu thế nhân viên đa năng

Một nhân viên ngân hàng khi tiếp xúc với khách hàng, bên cạnh việc phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ tài chính, công nghệ, có khả năng phân tích xu thế thị trường, phân tích dữ liệu, còn phải có ngoại hình chỉn chu, phong thái lịch thiệp, tác phong chuyên nghiệp, giao tiếp khéo léo, thấu hiểu tâm lý khách hàng....

Một nhân viên phải giỏi cả kiến thức “phần cứng” lẫn kỹ năng “phần mềm”. Thêm vào đó, việc luân chuyển cán bộ thường xuyên giữa các vị trí tác nghiệp, chuyên viên khách hàng, quản trị rủi ro, quản trị tín dụng... cũng đặt ra yêu cầu một nhân viên không thể chỉ làm chủ một mảng nghiệp vụ duy nhất mà cần hướng đến sự đa năng để phù hợp, có thể thích nghi với nhiều vị trí công việc. Các ngân hàng không chỉ cần số lượng nhân viên lớn mà còn rất cần nhân viên có chất lượng cao về nhiều mặt, vì vậy xu hướng học hỏi không ngừng nghỉ để nâng cấp bản thân mỗi nhân viên là tất yếu.

Xu thế nhân sự chuyển dịch từ ngân hàng này sang ngân hàng khác hoặc chuyển dịch sang ngành nghề khác

Các nhân viên trẻ hay thậm chí cả các vị trí quản lý, chuyên gia có xu thế nhảy việc để tìm một vị trí công việc phù hợp hơn. Đây dường như là điều tất yếu khi mà con người ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhân viên cần tìm sự cân bằng giữa việc mưu sinh với việc thoả mãn đam mê, hay tìm sự cân bằng giữa cống hiến và được ghi nhận. Các yếu tố mà nhân viên thường xem xét bao gồm môi trường làm việc, kinh nghiệm tích lũy, cơ hội học hỏi, lộ trình thăng tiến, chế độ đãi ngộ….Một số vị trí nhân viên trong ngân hàng đòi hỏi thời gian làm việc dài, áp lực cao, nếu có điều gì không được như kỳ vọng, nhân viên sẽ rời đi.

Vậy nên, thu hút và giữ chân nhân sự giỏi đã, đang và sẽ là mối quan tâm của tất cả ngân hàng, đặc biệt là các vị trí quản lý và các vị trí chuyên gia giỏi.

Xu hướng thiếu hụt nhân sự CNTT và các chuyên gia giỏi

Để có thể ứng dụng một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 như blockchain, AI, big data, robot tự động, đòi hỏi các ngân hàng phải có đội ngũ nhân sự CNTT giỏi. Các ngân hàng rất chú trọng công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và đã đáp ứng được cơ bản nguồn lực CNTT cho hoạt động của ngành Ngân hàng thời gian qua. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành, đặc biệt với đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin.

Nhu cầu nhân sự phục vụ công tác phát triển ứng dụng CNTT cũng như quản lý, kiểm soát an toàn bảo mật luôn là vấn đề nóng tại các ngân hàng. Đáp ứng được nhu cầu này thì ngành Ngân hàng mới có thể thật sự yên tâm về an toàn bảo mật, có khả năng phòng tránh những cuộc tấn công quy mô lớn, có tổ chức của tội phạm công nghệ cao (theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, riêng trong năm 2021, đã có hơn 1.000 website lừa đảo trực tuyến, giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính bị ngăn chặn, xử lý.

Theo dự báo của bà Genie Gan - Giám đốc phụ trách Quan hệ Chính phủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Kaspersky (một công ty chuyên sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật của Nga), trong ngắn và trung hạn, các cuộc tấn công vào lĩnh vực tài chính sẽ tiếp tục phát triển, trong khi tấn công hệ thống thanh toán cũng như thiết bị di động cũng gia tăng).

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và yêu cầu hội nhập quốc tế, cần có đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Có nhiều lĩnh vực đang thiếu hụt chuyên viên cao cấp và chuyên gia chuyên sâu như: chính sách tiền tệ, quản lý dự trữ ngoại hối, thanh toán quốc tế, mua bán vốn, đầu tư, quản trị rủi ro, thanh tra và giám sát, phân tích và dự báo…

Xu thế tăng cường tuyển dụng mới

Theo dự báo của các chuyên gia Navigos Group, nhu cầu nhân lực nói chung ngành tài chính - ngân hàng tiếp tục tăng cao trong những năm tới và nhu cầu nhân lực cấp cao nói riêng cho giai đoạn 2020-2025 được dự báo tăng 20% mỗi năm.

Ghi nhận trên thị trường, ngay từ tháng cuối năm 2022, nhiều ngân hàng đã rục rịch chuẩn bị cho những đợt tuyển dụng lớn năm 2023. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng, mở ra hàng trăm cơ hội việc làm với nhiều vị trí như chuyên viên khách hàng, chuyên viên CNTT, kỹ sư bảo mật hệ thống, chuyên gia lập trình, giám đốc dự án…. Điển hình như ACB đăng tuyển 1.000 nhân sự; Vietcombank chiêu mộ 509 nhân viên; BIDV tuyển dụng 385 nhân sự; VietCapitalBank tuyển dụng 330 lao động; Vietinbank mở ra 251 cơ hội việc làm; Techcombank, MSB, SHB... cũng đăng tuyển rất nhiều vị trí.

Một số giải pháp

Về phía người lao động

Để có thể thích ứng với xu thể dịch chuyển cơ cấu nhân sự và đa năng, mỗi nhân viên cần không ngừng cập nhật kiến thức và kỹ năng để có thể bắt kịp nhịp độ công việc và có cơ hội phát triển với vị trí cao hơn. Họ cần chú trọng đến quá trình tự đào tạo, rèn luyện, học hỏi và cập nhật không ngừng để gây dựng niềm tin với khách hàng và đồng nghiệp. Học hỏi không chỉ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về cách ứng xử tinh tế để thu phục nhân tâm, thu phục khách hàng. Học từ trường lớp, từ đồng nghiệp, từ khách hàng, từ sách/báo và cả từ thực tế công việc hàng ngày.

Những năm gần đây, các ngân hàng đều chú trọng đào tạo nội bộ, đem lại cơ hội học hỏi, hoàn thiện bản thân cho nhân viên ngay trong quá trình làm việc. Một số ngân hàng còn có một đơn vị riêng chuyên trách về đào tạo như BIDV (có Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV), VCB (có Trường đào tạo cán bộ VCB), Vietinbank (có Trường đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank), Agribank (có Trường đào tạo cán bộ Agribank), Techcombank (có Trung tâm đào tạo Techcombank), MB (có Trung tâm Học tập và Sáng tạo)…, hoặc có hệ thống học tập trực tuyến như MSB, SHB….

Ngân hàng BIDV còn tổ chức Ngày hội văn hóa học hỏi sáng tạo hàng năm, cho thấy Ban Lãnh đạo các ngân hàng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích nhân viên học hỏi và sáng tạo, các nhân viên cần tận dụng tối đa sự quan tâm này để ngày càng nâng cao kiến thức nghiệp vụ cũng như các kỹ năng mềm.

Về phía các ngân hàng

Các ngân hàng cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để giữ chân nhân viên giỏi, đội ngũ chuyên viên CNTT và chuyên gia.

Các ngân hàng phải xác định quản trị nguồn nhân lực không chỉ là công việc trước mắt mà còn có ý nghĩa mang tính quyết định và lâu dài trong chiến lược phát triển ngân hàng. Việc tuyển dụng, bố trí sắp xếp lao động nên được thực hiện một cách hợp lý, phù hợp với năng lực và khả năng phát triển của mỗi nhân viên, tăng cường đào tạo và tái đào tạo liên tục, tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và nâng cấp bản thân; tổ chức các đợt thi nghiệp vụ hoặc đánh giá kết quả hoàn thành công việc với phần thưởng có giá trị đi kèm; tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng quản trị điều hành cho những nhân sự đang được quy hoạch và sắp được bổ nhiệm, tạo môi trường cho họ luyện tập và thực hành điều hành hoạt động của một đơn vị hoặc một chi nhánh trong một khoảng thời gian nhất định…

Chế độ đãi ngộ về môi trường làm việc, cách thức ghi nhận sự cống hiến, thu nhập, phúc lợi... cần được nghiên cứu, chỉnh sửa hợp lý nhằm thu hút và giữ chân được nhân tài phục vụ lâu dài cho ngành Ngân hàng. Có thể nên xem xét cơ chế đãi ngộ riêng cho từng nhóm chuyên gia cao cấp cụ thể trong từng lĩnh vực, chuyên gia CNTT và bảo mật. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đem lại bản sắc riêng, giúp người lao động tự hào khi được đóng góp một phần công sức vào lịch sử phát triển của ngân hàng mình.

Về phía các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học

Các trường cao đẳng, đại học cần có một hệ sinh thái phù hợp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0. Các chương trình giảng dạy nên thay đổi nhiều hơn theo hướng tiệm cận với thực tế hoạt động của ngành tài chính – ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng, gắn với các kiến thức về CNTT, thị trường, khách hàng. Một đợt thực tập trước khi tốt nghiệp dường như chưa đủ, nên các sinh viên ra trường vẫn còn bỡ ngỡ với thực tế, cần nhiều thời gian để bắt nhịp với công việc. Để khắc phục điều này các cơ sở đào tạo nên bổ sung thêm những đợt khảo sát thực tế ngân hàng trong mỗi năm học, tạo ra môi trường kinh doanh giả lập ngay trong trường với đầy đủ các tình huống phát sinh như thực tế để sinh viên có cơ hội thực hành hàng ngày.

Phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng là một trong những nội dung được đề cập trong Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 về việc Phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có lưu ý “chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và của hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT tại các tổ chức tín dụng, có trình độ nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại”. Nếu làm tốt những điều này, trong tương lai gần, ngành Ngân hàng có thể không gặp khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ phát triển của ngành Tài chính- Ngân hàng trong khu vực cũng như trên thế giới.

                                                                *Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân sự tại các ngân hàng thương mại: Xu thế và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO