Nhìn ra thế giới

Kinh tế thế giới 3 tháng đầu năm 2023: Các tín hiệu tích cực và triển vọng

Thu Ngọc 13/04/2023 07:15

Sau những yếu kém xuất hiện vào cuối năm ngoái, các chỉ số kinh tế thế giới đã có sự cải thiện rõ nét hơn kể từ tháng 2/2023.

Kinh tế thế giới đã có được những tín hiệu tích cực từ các khu vực kinh tế sau những yếu kém xuất hiện vào cuối năm ngoái trong quý I/2023, đáng chú ý là diễn biến tại các nền kinh tế đầu tàu và kinh tế khu vực châu Á. Các chỉ số kinh tế đã phản ánh sự cải thiện rõ nét hơn kể từ tháng 2/2023.

Bên cạnh đó, lạm phát đã có tín hiệu hạ nhiệt, giá cả nhóm hàng năng lượng, thực phẩm và phân bón đã giảm đáng kể, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng được củng cố.

adb4.png
Các trường hợp bất ổn của  khu vực ngân hàng trong tháng 3/2023

Mặc dù vậy, những bất ổn mới về kinh tế, chính trị tiếp tục xuất hiện trong quý I/2023, phải kể đến việc đóng cửa hai ngân hàng của Mỹ, những yếu kém không thể khắc phục của ngân hàng Credit Sussie tại khu vực châu Âu buộc Chính phủ các nước phải nhanh chóng can thiệp để ngăn chặn khủng hoảng trong khu vực tài chính, ngân hàng.

Tiếp đến là tình trạng biểu tình phản đối các chính sách tiền lương và y tế mới lan rộng tại châu Âu trong khi căng thẳng Nga – Ukraine chưa có tín hiệu chấm dứt, thậm chí còn gia tăng thêm những bất đồng giữa các nước, khối nước có liên quan.

Hoạt động kinh tế trên toàn cầu ghi nhận các tín hiệu cải thiện

Hoạt động kinh tế trên toàn cầu đã có được những tín hiệu tích cực, chỉ số sản lượng toàn cầu đã tăng liên tục, chạm ngưỡng mở rộng trong tháng 2/2023 sau bảy tháng thu hẹp. Sản lượng toàn cầu gia tăng với sự đóng góp của cả khu vực sản xuất và dịch vụ, trong đó sự hồi phục liên tục của khu vực dịch vụ, đặc biệt sau khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023.

Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ tại các nền kinh tế lớn và các nước lân cận Trung Quốc liên tục được cải thiện từ đầu năm, nhu cầu dịch vụ tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu du lịch quốc tế.

pmi4.jpg

Trong khi đó, khu vực sản xuất cũng đã có được tín hiệu mở rộng sau nhiều tháng thu hẹp kể từ tháng 2/2023 với sự đóng góp chủ yếu từ các nền kinh tế tại khu vực châu Á. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ, giá cả nguyên vật liệu sản xuất hạ nhiệt và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc đã hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trên toàn cầu trong những tháng vừa qua.

Tuy nhiên, đà mở rộng của khu vực sản xuất hiện chưa đồng đều, được cải thiện mạnh mẽ tại các nước châu Á trong khi vẫn còn ở trạng thái thu hẹp tại các nền kinh tế lớn tại phương Tây. Đồng thời, xu hướng cải thiện chưa được ổn định khi chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất đã quay lại ngưỡng thu hẹp trong tháng 3 ở mức 49,6 điểm.

pmi41.jpg

Niềm tin người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh liên tục được cải thiện

Diễn biến kinh tế tích cực đã tạo cơ sở để cải thiện các chỉ số về niềm tin người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Hoạt động tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ,... đã được cải thiện, niềm tin người tiêu dùng liên tục được củng cố trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện cũng đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2022 phản ánh sự lạc quan mạnh mẽ về các hoạt động kinh doanh trong 12 tháng tới, chỉ số này hiện cũng đang ở mức cao tại nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

te.jpg

Thị trường lao động vẫn còn nhiều áp lực

Tăng trưởng việc làm trên toàn cầu mặc dù vẫn mạnh mẽ nhưng tình trạng hạn chế trong năng lực hoạt động của các khu vực kinh tế vẫn gia tăng do thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài đã làm gia tăng thêm áp lực chi phí tiền lương trong bối cảnh lạm phát cao. Thị trường lao động trên toàn cầu về cơ bản vẫn ở trong trạng thái thắt chặt, tỷ lệ thất nghiệp gần như không có nhiều thay đổi trong nhiều tháng, thậm chí còn gia tăng nhẹ tại một số nước.

that-nghiep.jpg

Thương mại toàn cầu dự kiến tăng trưởng nhẹ nhờ đóng góp tích cực của khu vực dịch vụ

Thương mại toàn cầu đạt 32 nghìn tỷ USD trong năm 2022, trong đó thương mại hàng hóa đạt 25 nghìn tỷ USD, thương mại dịch vụ đạt 7 nghìn tỷ USD, tăng trưởng lần lượt là 10% và 15% so với năm trước. Diễn biến tích cực của thương mại toàn cầu được ghi nhận trong quý II/2022 và có xu hướng đi xuống trong quý IV, đáng chú ý là thương mại hàng hóa.

Theo dự báo của UNCTAD, hoạt động thương mại toàn cầu quý I/2023 sẽ tăng nhẹ, khoảng 1% với sự đóng góp tích cực của thương mại dịch vụ, dự báo tăng khoảng 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thương mại hàng hóa tiếp tục có sự tăng trưởng về quy mô nhờ có sự phục hồi của nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu.

Lạm phát có xu hướng chậm lại, giá cả nhiều nhóm hàng hóa giảm so với cuối năm ngoái

Trong quý I/2023, giá cả hàng hóa toàn cầu đã có diễn biến khá tích cực so với cùng kỳ và so với cuối năm ngoái. Chỉ số giá cả hàng hóa bình quân toàn cầu đối với mặt hàng năng lượng và phi năng lượng đã giảm, tích cực nhất là xu hướng giảm liên tục của chỉ số giá nhóm hàng năng lượng.

Trong nhóm hàng năng lượng, chỉ số giá bình quân đã giảm hơn 20% so với cuối năm ngoái, ghi nhận diễn biến giảm mạnh của chỉ số giá đốt tự nhiên, giá than giao dịch trên các thị trường, giảm giao động trong khoảng 36,5% - 61%. Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng giảm liên tục, giảm mạnh trong hai tháng cuối quý.

Diễn biến giá giảm diễn ra ở hầu hết các nhóm hàng giao dịch trên toàn cầu đã có ảnh hưởng tích cực đến xu hướng của lạm phát tại nhiều nền kinh tế, lạm phát tổng thể đã có xu hướng giảm tại phần lớn các nước. Sự phân kỳ trong diễn biến của lạm phát đã xuất hiện, lạm phát thấp vẫn xuất hiện ở một số nền kinh tế tại khu vực châu Á trong khi vẫn còn tương đối xa mục tiêu tại các nền kinh tế phương Tây.

wb4.jpg

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản cũng có xu hướng giảm do nhu cầu hàng hóa sau đại dịch và các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã dần được tháo gỡ. Xu hướng tăng hiện tại của lạm phát cơ bản đang phản ánh những tác động của đà tăng giá nhóm hàng hóa dịch vụ và tình trạng thắt chặt của thị trường lao động.

Các điều kiện tài chính tiếp tục được thắt chặt

Quý I/2023 thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến thêm các đợt điều chỉnh tăng lãi suất của nhiều nền kinh tế, trong đó đáng chú ý là các đợt điều chỉnh của ngân hàng trung ương các nước lớn như Mỹ, Anh, châu Âu để kiềm chế đà tăng của lạm phát. Tuy nhiên các mức điều chỉnh đã thấp hơn so với năm 2022, giao động từ 25 – 50 điểm cơ bản.

Một diễn biến đáng chú ý là việc tăng lãi suất nhanh và mạnh của ngân hàng trung ương các nước kể từ đầu năm 2022 đã bộc lộ ảnh hưởng đến khu vực tài chính, cụ thể là những bất ổn trong khu vực ngân hàng tại Mỹ và châu Âu xuất hiện trong tháng 3 và tình trạng tăng trưởng tín dụng chậm lại thậm chí đã suy giảm tại nhiều nền kinh tế.

oecd.jpg

Trước diễn biến kinh tế thế giới trong quý I, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đã được nhiều tổ chức điều chỉnh lại theo xu hướng tích cực, theo đó GDP dự đoán sẽ có thể giao động trong khoảng từ 2% – 2,9%, tăng khoảng 0,2 – 0,6 điểm phần trăm so với con số dự báo được đưa ra vào cuối năm ngoái (IMF, OECD, Fitch Rating).

Trong khi đó vẫn có nhiều dự báo tỏ ra bi quan đối với tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2023 thể hiện qua các con số dự báo kinh tế được đưa ra vào đầu năm như WB, UNDESA,… con số dự báo được điều chỉnh giảm thậm chí đã lớn hơn 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, các rủi ro hiện hữu như lạm phát, đặc biệt lạm phát từ phía cung, giá cả hàng hóa, nhất là giá năng lượng và thực phẩm tăng trở lại, bất ổn địa chính trị diễn biến phức tạp,… cộng hưởng với những bất ổn tài chính có thể bùng phát và lan rộng,… cũng làm cho các kịch bản dự báo không thể không đề cập đến khả năng đình trệ trong tương lai cũng như tính mong manh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Lạm phát được dự báo nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023, rõ nét nhất là trong khối các nước phát triển, lạm phát dự báo sẽ có thể quanh ngưỡng 5% - vẫn cao hơn mục tiêu đề ra là 2% nhưng đã giảm gần một nửa so với năm ngoái khi áp lực tăng giá của nhóm năng lượng và thực phẩm đã giảm bớt.

imf.jpg

Bên cạnh đó, nhu cầu suy yếu và điều kiện tài chính thắt chặt cũng giúp xoa dịu áp lực lạm phát. Trong khi đó, lạm phát trong năm 2023 vẫn có thể ở mức cao khoảng 8% tại các nền kinh tế đang phát triển mặc dù có giảm so với năm 2022.

Ngoài ra, rủi ro lạm phát bùng phát trở lại vẫn cần phải được chú trọng trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine chưa có tín hiệu chấm dứt, tình trạng cải thiện của chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng như những tác động khó dự báo của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các điều kiện tài chính sẽ tiếp tục được thắt chặt để đưa lạm phát tiệm cận với mục tiêu đề ra, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển mặc dù tần suất và mức độ thắt chặt sẽ giảm hơn so với năm 2022.

Trạng thái thắt chặt kéo dài của chính sách tiền tệ có thể tiếp tục tạo ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính, ngoại hối mà hệ lụy của nó có thể làm trầm trọng hơn những bất ổn trong khu vực ngân hàng, tác động mạnh đến các nước có dư nợ ngoại tệ lớn và có lạm phát nhạy cảm với giá cả hàng hóa quốc tế đặc biệt trong trường hợp lãi suất điều hành có khoảng cách so với ngân hàng trung ương các nước lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thế giới 3 tháng đầu năm 2023: Các tín hiệu tích cực và triển vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO