Diễn đàn tài chính tiền tệ

Kinh tế vỉa hè: Góc nhìn từ Bangkok, Thái Lan và gợi ý cho Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Điệp - ThS. Nguyễn Thị Anh Đào 10/06/2023 10:39

Tóm tắt: Ở các nước đang phát triển, việc bán hàng rong trên đường phố là một nghề quan trọng đối với người nghèo ở thành thị bởi nó có khả năng tạo một nguồn thu nhập quan trọng của người nghèo ở thành thị. Phụ nữ chiếm ưu thế trong việc bán hàng rong ở Đông và Đông Nam Á, đây là một trong những cách chủ yếu để những phụ nữ nghèo có thể hỗ trợ gia đình của họ. Còn đối với những người lao động trung niên thì bán hàng rong là một phương tiện kiếm sống cốt lõi.

Từ khóa: bán hàng rong trên đường phố, chính sách, kinh tế phi chính thức

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm của những người bán hàng rong trên đường phố ở Bangkok

Việc bán hàng rong do người Trung Quốc thống trị cho đến Thế chiến thứ nhất. Người Thái được chính phủ khuyến khích kinh doanh buôn bán do suy thoái kinh tế. Tình trạng nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, điều này đã làm số lượng người bán hàng rong tăng lên nhanh chóng vì họ nghĩ rằng đây là nghề dễ tạo thu nhập.

Hoạt động bán hàng rong ở Thái Lan tập trung vào bán đồ ăn, thức uống. Việc ăn uống bên ngoài ở Thái Lan rất phổ biến, được gọi là hiện tượng “ăn uống công cộng”. Khách hàng quen của đồ ăn, thức uống đường phố thuộc mọi tầng lớp xã hội, không giới hạn là người nghèo ở thành thị. Bữa tối là bữa ăn được mua trên đường phố thường xuyên nhất. Hầu hết những người mua cho rằng tiện lợi và tiết kiệm thời gian là lợi thế của việc mua đồ ăn, thức uống trên đường phố.

Trong bài báo của Kyoko Kusakabe đã đề cập đến việc phân chia những người bán hàng rong thành những người bán hàng di động (bán hàng trên các xe đẩy, không có vị trí cố định) và những người bán hàng cố định (có địa điểm bán hàng cố định). Hầu hết những người bán hàng cố định hoạt động như một hộ kinh doanh gia đình với cả vợ và chồng đều tham gia kinh doanh. Khi những người bán hàng rong di động đã có thể ổn định công việc buôn bán của mình, họ chuyển sang việc buôn bán ở một vị trí cố định tốt hơn. Điều này cho thấy những người lao động nhập cư có thể bắt đầu là những người bán hàng rong lưu động nhỏ và phát triển, hơn nữa còn có cơ hội để trở thành những doanh nhân lớn. Một ví dụ điển hình cho sự phát triển đi lên này là ông chủ của Ngân hàng Bangkok từng là một người bán hàng rong di động.

Vào tháng 4/2016, Narumol Nirathron và Gisèle đã làm một cuộc khảo sát với sự tham gia của những người bán hàng rong trên 4 quận ở Bangkok (Bangkak, Pathumwan, Phranakon, Samphanthawong). Mục tiêu của nghiên cứu là để hiểu được các đặc điểm nhân khẩu học của người bán hàng rong, cũng như thu thập thông tin cơ bản như thời gian kinh doanh, hàng hóa đã bán,…. 100 người bán hàng rong ở mỗi khu vực đã được chọn, dựa trên phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Tổng số người bán hàng trong bốn quận được ước tính là 400. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong bảng sau:

bangkok2-1.jpg
Nguồn: Narumol Nirathron và Gisèle Yasmeen (2019)

Theo bảng trên, vào năm 2016, trong tổng số người bán hàng rong trên đường phố được hỏi thì 72,75% là phụ nữ. 44% người bán hàng rong đã bán bên ngoài các khu vực được phép. Hầu hết những người bán hàng có trình độ học vấn không quá lớp 9. 48% số người bán hàng rong được khảo sát có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề.

Chúng ta thấy việc bán hàng rong cho thu nhập tương đối cao và khả năng kiếm được nhiều hơn. Vì thế bài báo của Kyoko Kusakabe lưu ý rằng, bán hàng rong không chỉ là lựa chọn của người nghèo ở thành thị mà còn trở thành một nghề hấp dẫn đối với tầng lớp có học. Họ coi bán hàng rong là một cách để trở nên độc lập và thích thử thách trở thành một doanh nhân. Vì thế bán hàng rong không còn là một hoạt động kinh tế của người nghèo thành thị mà còn là một sự lựa chọn kinh tế cho các tầng lớp khác. Tác giả cũng lưu ý rằng nhiều người bán hàng là những người bán hàng toàn thời gian, có địa điểm bán hàng ở nhiều khu vực.

Thêm vào đó, trong nghiên cứu của Kyoko Kusakabe cũng đề cập đến vấn đề vốn. Những người bán hàng di dộng ở mức độ kiếm sống qua ngày ít coi trọng việc có vốn tự có hơn những người bán hàng di dộng đang nhắm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Tác giả phân tích điều này có thể là do những người bán hàng di động ở mức độ kiếm sống qua ngày dựa vào tín dụng nhiều hơn, so với những người bán hàng di dộng đang muốn mở rộng kinh doanh. Tác giả cho rằng việc tăng cường mạng xã hội và cộng đồng để phổ biến thông tin về lập kế hoạch kinh doanh quan trọng hơn việc cung cấp tín dụng, vì kiến ​​thức về lập kế hoạch tài chính và tính toán chi phí – lợi nhuận được những người bán hàng rong nhận thức rõ, điều này là một trong những yếu tố thành công quan trọng nhất.

Tiếp theo, chúng ta bàn luận về không gian mua bán của người bán hàng rong. Trong nghiên cứu của Kyoko Kusakabe, những người bán hàng rong đã nhận thức có một địa điểm bán hàng thích hợp là một trong những yếu tố thành công quan trọng. Vị trí càng gần với khách hàng, khách hàng có thể đi lại thuận tiện; điều này được những người bán hàng rong coi là quan trọng. Trong bài báo có đề cập đến những buổi hội thảo được tổ chức cho các bên liên quan, ở đó những người bán hàng rong đã phát biểu họ cảm thấy không được hỗ trợ về an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, đào tạo nghề nghiệp, cũng như cung cấp những nơi an toàn để bán hàng.

2. Những vấn đề chính sách về việc bán hàng rong trên đường phố ở Thái Lan

2.1. Chính sách quản lý bán hàng rong trên đường phố ở Thái Lan chưa mang tính dài hạn, thường xuyên thay đổi theo những biến động kinh tế và xã hội

Năm 2022, các hoạt động kinh tế phi chính thức ở Thái Lan chiếm 46,2% GDP. Mặc dù bán hàng rong là một hoạt động kinh tế quan trọng ở các khu vực đô thị, nhưng tình trạng pháp lý của những người bán hàng rong là bất hợp pháp. Việc quản lý hoạt động bán hàng rong ở Bangkok trong những năm qua đã phản ánh một quan điểm mâu thuẫn giữa việc chấp nhận và từ chối hoạt động bán hàng rong. Trong khi chính sách quốc gia hướng tới việc thúc đẩy tự kinh doanh như một phương tiện để giảm nghèo và tự lực kinh tế kể từ khi thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 3. Ngược lại với chiến lược quốc gia thì kể từ khi thành lập BMA (Cơ quan quản lý đô thị Bangkok) vào năm 1973, những quy định về bán hàng rong luôn được thảo luận trên bàn họp. Giám đốc đầu tiên của BMA nhậm chức vào năm 1973 đã khởi xướng việc loại bỏ việc bán hàng rong ra khỏi các lối đi bộ ở Bangkok. Các nhà chức trách luôn coi những người bán hàng rong là nguyên nhân của nhiều vấn đề như cản trở người đi bộ và giao thông, làm cho thành phố trở nên bẩn thỉu, không tương xứng với quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, vì tình trạng nghèo đói và suy thoái kinh tế do các cuộc khủng hoảng dầu, khủng hoảng tài chính đã xảy ra sau đó; điều này đã buộc chính quyền phải nới lỏng các biện pháp và “thúc đẩy” việc bán đồ ăn trên vỉa hè để làm giảm chi phí sinh hoạt của người dân. Do đó, các cơ quan quản lý như BMA đã chuyển sang thúc đẩy việc bán thức ăn đường phố giá rẻ trên vỉa hè. Việc thúc đẩy rồi ngăn cấm hoạt động bán hàng rong cứ như một vòng lẩn quẩn, không có một định hướng lâu dài thường chạy theo những sự biến động về kinh tế và xã hội. Nhìn chung, mặc dù có một số khác biệt về chính sách ở mỗi chính quyền nhưng vẫn có những mô hình lặp đi lặp lại trong việc quản lý việc bán hàng rong. Nói cách khác, các nỗ lực đã được thực hiện để điều chỉnh các khu vực bán hàng rong và giải quyết các vấn đề xảy ra mà không cần xem xét kỹ lưỡng các tác động có thể xảy ra sau đó. Việc quản lý không có cách tiếp cận dài hạn đối với vấn đề, điều này phản ánh sự thiếu hiểu biết về những thay đổi trong thực tế kinh tế và xã hội ở Thái Lan.

2.2. An sinh xã hội của những người bán hàng rong - những kế hoạch và thách thức

Ở Thái Lan, an sinh xã hội không bao gồm cho những người lao động có tài khoản riêng. Ngay cả trong khu vực chính thức, chỉ một nửa trong số những người lao động đang làm việc mới có bảo hiểm. Nếu người lao động có tài khoản riêng muốn tham gia hệ thống an sinh xã hội, họ cần phải trả gấp đôi phí bảo hiểm, trong đó nhà nước đóng góp ít hơn 20% tổng số tiền cần phải đóng góp. Những người bán hàng rong có thể tiếp cận Chương trình y tế phổ thông 30 baht, tuy nhiên việc tiếp cận với chương trình y tế này không dễ dàng chút nào. Vì người bán hàng rong cần phải có đăng ký nhà ở trong khu vực thì mới được áp dụng Chương trình y tế phổ thông 30 baht. Bên cạnh đó, một số người không hài lòng với dịch vụ mà họ nhận được thông qua Chương trình y tế phổ thông 30 baht vì chương trình chỉ bao gồm các vấn đề về sức khỏe, cho nên người mua bảo hiểm không được chi trả cho lương hưu, bảo hiểm tai nạn hoặc chăm sóc trẻ em.

2.3. Không gian đô thị và quyền được bán hàng của người bán hàng rong

Vấn đề chính sách thứ ba đối với những người bán hàng rong là đảm bảo quyền của họ đối với không gian bán hàng. Mặc dù vấn đề này liên quan mật thiết đến địa vị pháp lý của những người bán hàng rong, nhưng cần được tiếp cận từ góc độ quy hoạch đô thị. Việc xác định không gian bán hàng và quy hoạch đô thị như thế nào là rất quan trọng đối với những người bán hàng rong. Vì những người bán hàng rong được coi là chiếm đất "công cộng" và gây rối trật tự trong "không gian công cộng". Các chính sách bán hàng rong trên đường phố không chỉ đơn thuần là cho phép người nghèo bán hàng ở một góc nhỏ của chợ, mà còn là về cách các không gian này được tích hợp trong mối quan hệ với các không gian đô thị khác; và việc quản lý không gian được xem là vị trí chiến lược trong các chính sách phát triển đô thị. Nói cách khác, toàn bộ quy hoạch cần phải toàn diện hướng đến người nghèo thành thị, phụ nữ và nam giới bị thiệt thòi ở các thành phố, và các chiến dịch làm đẹp thành phố phải được tích hợp cùng với nhau.

3. Đề xuất một số giải pháp và gợi ý cho Việt Nam

Về vấn đề vốn: Ở Thái Lan, những người bán hàng rong ở mức độ sinh kế dường như gặp ít khó khăn trong việc huy động vốn vì họ có thể đi vay. Nhưng đối với những người bán hàng rong nghĩ đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ, nhu cầu về tín dụng là khá rõ ràng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người bán hàng rong siêu nhỏ hay mức độ sinh kế thì họ cần các hình thức hỗ trợ khác, như tăng cường mạng xã hội và cộng đồng để phổ biến thông tin về lập kế hoạch kinh doanh, lập kế hoạch tài chính và tính toán chi phí – lợi nhuận. Vì những kiến thức này là yếu tố thành công quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của họ. Ở Việt Nam, những cơ sở giáo dục đại học là tổ chức có thể phổ biến những kiến thức về quản lý kinh doanh tốt nhất cho những người bán hàng rong.

Về an sinh xã hội: Những nhà hoạch định chính sách ở Thái Lan cần tìm cách thăm dò để đưa lao động trong khu vực phi chính thức vào chương trình an sinh xã hội. Điều quan trọng trong việc thiết kế kế hoạch này là đưa những đặc điểm nghề nghiệp riêng biệt của những người bán hàng rong vào trong đề án an sinh xã hội cho lao động khu vực phi chính thức. Việt Nam đã có chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH tự nguyện) cho người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Luật cũng quy định chi tiết mức đóng BHXH tự nguyện cho người lao động như sau: Người lao động hằng tháng đóng tiền bảo hiểm bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Người lao động có thể lựa chọn nhiều phương thức khác nhau để đóng tiền bảo hiểm. Luật cũng quy định BHXH tự nguyện được hưởng 2 chế độ: Hưu trí và tử tuất. Chúng ta thấy được chính phủ Việt Nam đã có chính sách an sinh xã hội để bảo vệ cho những người lao động trong khu vực phi chính thức nói chung và nhưng người bán hàng rong nói riêng. Tuy nhiên, so với chế độ BHXH bắt buộc thì những người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn. Những người tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Năm 2020, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 2%/tổng số người trong độ tuổi lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đạt gần gấp đôi so với số tham gia năm 2019, trong đó nữ giới tham gia BHXH tự nguyện chiếm gần 60%. Trong những năm gần đây, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng dần, nhưng so với tổng số người lao động ở khu vực phi chính thức, thì con số này còn thấp. Vì thế BHXH Việt Nam và các ngành chức năng cần có một số giải pháp nhằm mở rộng cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động như tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách BHXH tự nguyện cho người lao động được biết. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cần nghiên cứu và mở rộng chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện, có thể bổ sung thêm chế độ ốm đau, thai sản vào chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Điều này sẽ giúp người lao động có thêm động lực để tham gia BHXH tự nguyện.

Về quy hoạch nơi bán hàng cho người bán hàng rong: Nghiên cứu ở Bangkok cho thấy hệ thống quản lý người bán hàng rong rất đa dạng, trong đó có một số hệ thống đã thành công. Một số mô hình đã thành công. Mô hình đầu tiên, khu vực bán hàng rong này thuộc sở hữu và quản lý của BMA, nhưng không có các quy định cụ thể. Những người bán hàng rong trong khu vực này sẽ tự quản lý. Mô hình thứ hai, một cá nhân sẽ giành được quyền quản lý một khu chợ tư nhân. Thông thường người này sẽ mua quyền quản lý khu chợ từ cơ quan nhà nước chủ quản. Khu chợ này được tổ chức và quản lý tốt, mục đích là để các bên cùng có lợi. Người chủ của chợ hàng ngày đi quanh chợ và sẵn sàng giải quyết các vấn đề khó khăn của người bán hàng rong. Mô hình thứ ba là khu chợ nằm trong khu đất riêng của một công ty tư nhân. Công ty tư nhân tổ chức chợ trong khuôn viên và tự quản lý chợ. Giá thuê mặt bằng cao và đi kèm là các tiêu chuẩn cao về vệ sinh, trật tự và an ninh được duy trì. Lúc đầu, những người bán hàng rong sẽ không hài lòng với việc di dời, nhưng dần dần, khi hoạt động kinh doanh tại chợ tốt hơn và những người quản lý cố gắng thuyết phục những người bán hàng, việc di dời đã hoàn thành và chợ mới phát triển hưng thịnh. Thông qua việc cải tạo của công ty thì có cơ sở hạ tầng sẽ tốt hơn, bao gồm nhà vệ sinh và bãi đậu xe, và điều này đã góp phần tăng lượng khách hàng, do đó thu nhập của người bán hàng sẽ tăng lên. Người bán hàng rong cũng sẵn sàng trả giá thuê cao hơn cho địa điểm này.

Bài học quan trọng là tất cả những người quản lý đều lắng nghe và phản hồi với những người bán hàng rong, dẫn đến đôi bên cùng có lợi. Mặc dù tình trạng pháp lý vẫn là một vấn đề đối với những người bán hàng rong, các trường hợp thành công ở Bangkok cho thấy không phải việc đăng ký của những người bán hàng rong sẽ cải thiện điều kiện buôn bán của họ, mà là cách họ được lắng nghe và tham gia vào việc quản lý đường phố và không gian bán hàng. Các mô hình quản lý người bán hàng rong được nêu trên có thể thử áp dụng tại Việt Nam, trên cơ sở rút kinh nghiệm cho từng mô hình và áp dụng trên thực tế với quy mô lớn. Ngoài ra, những người hoạch định chính sách ở Việt Nam cũng cần thấm nhuần quan điểm về việc lắng nghe và phản hồi ý kiến của những người bán hàng rong, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

Việc tăng cường công nhận vai trò của nền kinh tế phi chính thức ở các nước đang phát triển đã mang lại sự thừa nhận về vai trò của hoạt động bán hàng rong trên đường phố xét về mặt tạo ra việc làm và là một nguồn thu nhập sinh kế quan trọng cho người nghèo ở thành thị. Vai trò của họ trong việc cung cấp dịch vụ, cung cấp thực phẩm giá rẻ cho người dân thành thị và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường ở các khu dân cư - cũng đã được công nhận. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có sự công nhận, thì việc quản lý hoạt động bán hàng rong còn chưa rõ ràng, chưa tạo được điều kiện thuận lợi. Bài viết hy vọng sẽ là một tài liệu hữu ích, có giá trị tham khảo cho những người làm chính sách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kyoko Kusakabe (2016), “Policy Issues on Street Vending: An Overview of Studies in Thailand, Cambodia and Mongolia”, ấn phẩm của ILO.

2. Narumol Nirathron và Gisèle Yasmeen (2019), “Street vending management in Bangkok: the need to adapt to a changing environment”, The Journal of Public Space

3. Thailand's Informal Economy Size (2022), trang web World Economics, truy cập tháng 04/2023 tại địa chỉ:

https://www.worldeconomics.com...

4. Hồng Nga (2023), “GDP năm 2022 của Thái Lan tăng 2,6% do xuất khẩu chậm lại lấn át lợi nhuận từ du lịch”, Trang báo Tạp chí Tài chính Online, truy cập tháng 04/2023 tại địa chỉ:

https://tapchitaichinh.vn/gdp-nam-2022-cua-thai-lan-tang-2-6-do-xuat-khau-cham-lai-lan-at-loi-nhuan-tu-du-lich.html

5. “Tổng quan về bảo hiểm xã hội tự nguyện mới nhất năm 2022”, Cổng giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử, truy cập tháng 04/2023 tại địa chỉ:

https://ebh.vn/nghiep-vu-tong-hop/bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-muc-huong-doi-tuong-ap-dung-moi-2019#:~:text=2.,%2C%20h%C6%B0u%20tr%C3%AD%2C%20t%E1%BB%AD%20tu%E1%BA%A5t.

6. “Lao động tự do, làm sao tham gia bảo hiểm xã hội và nhận lương hưu?”, Báo Tuổi trẻ Online, truy cập tháng 04/2023 tại địa chỉ:

https://tuoitre.vn/lao-dong-tu-do-lam-sao-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-va-nhan-luong-huu-20211118105908393.htm

7. “Bangkok”, Wikipedia, truy cập tháng 04/2023 tại địa chỉ:

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C4%83ng_C%E1%BB%91c#Kinh_t%E1%BA%BF

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế vỉa hè: Góc nhìn từ Bangkok, Thái Lan và gợi ý cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO