Với những điểm sáng kinh tế trong tháng 1, triển vọng tăng trưởng năm 2024 được dự báo lạc quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong thời gian tới, do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm 2024.
Điểm sáng kinh tế tháng 1
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đáng chú ý, tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới tăng 66,9%, vốn thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6%. Đây là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt; tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng
"Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm, động viên, khích lệ, yêu cầu nhà thầu thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp" để phấn đấu đạt và vượt tiến độ. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Ngoài ra, các công tác cũng được bảo đảm, quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán, như: An sinh xã hội và chuẩn bị các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được đẩy mạnh; ngành giáo dục tích cực chuẩn bị cho học sinh, sinh viên nghỉ Tết và trở lại học tập sau Tết, bảo đảm tiến độ dạy và học; ngành y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, chủ động phương án khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết; các cấp, ngành, địa phương, cán bộ, công chức quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức thăm, chúc tết, biếu, tặng quà cấp trên và lãnh đạo các cấp; quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Cũng trong tháng 1, công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, chủ động, tích cực và hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thăm chính thức Hungary và Rumani, cùng nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư bên lề. Qua đó, đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, khẳng định rõ nét công tác ngoại giao kinh tế theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Một điểm nổi bật khác trong tháng 1 là về lĩnh vực đầu tư công. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, ngay từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ cùng các cơ quan Trung ương và địa phương tổng số vốn khoảng 97% (622 nghìn tỷ đồng). Trong tháng 1/2024, số giải ngân cả thuế theo số liệu của Bộ Tài chính đạt 2,58%, cao hơn so với cùng kỳ cả số tương đối và số tuyệt đối (đạt khoảng 16.900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 1,8%, số giải ngân đạt 12.800 tỷ đồng).
Thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, như: Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn; cầu tiêu dùng trong nước dịp cận Tết tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay (trên 3,5%). Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Không những vậy, nhiều yêu cầu, thách thức lớn, cấp thiết đặt ra để tận dụng, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ những thành tựu đối ngoại nổi bật, có tính lịch sử thời gian qua. Đó là những đòi hỏi về đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ... từ bên ngoài, thúc đẩy hợp tác để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là những vấn đề lớn đặt ra cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn, trong đó năm 2024 cần được xác định là năm có ý nghĩa then chốt. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm 2024.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp một số trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thứ hai, thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thứ ba, các bộ, cơ quan chủ động xây dựng các văn bản quy định và triển khai công việc cụ thể được giao, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội.
Thứ tư, khẩn trương xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giao dịch điện tử... Bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai công việc, nhất là các dự án luật, nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn
Cùng với đó là chủ động tính toán, chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công, tránh điều hành giật cục, bị động. Làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội...