Nghiên cứu - Trao đổi

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam: Nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025

Lan Nguyễn (thực hiện) 27/01/2025 15:15

ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU ĐẶT RA CHO NĂM 2025, ÔNG SHANTANU CHAKRABORTY, GIÁM ĐỐC QUỐC GIA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) TẠI VIỆT NAM CHO RẰNG, VIỆT NAM CẦN ƯU TIÊN KHÔNG CHỈ CÁC KHÍA CẠNH ĐỊNH LƯỢNG CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ MÀ CÒN CẢ CÁC KHÍA CẠNH CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG, VÌ NỀN TẢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA ĐẤT NƯỚC CẦN ĐƯỢC CỦNG CỐ HƠN NỮA. ĐÁNG CHÚ Ý, ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2025 SẼ ĐẾN TỪ CÁC LĨNH VỰC NHƯ: ĐẦU TƯ VÀO CƠ SỞ HẠ TẦNG CHẤT LƯỢNG, TIÊU DÙNG TRONG NƯỚC, GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ

ong-shantanu-chakraborty.jpg

ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU ĐẶT RA CHO NĂM 2025, ÔNG SHANTANU CHAKRABORTY, GIÁM ĐỐC QUỐC GIA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) TẠI VIỆT NAM CHO RẰNG, VIỆT NAM CẦN ƯU TIÊN KHÔNG CHỈ CÁC KHÍA CẠNH ĐỊNH LƯỢNG CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, MÀ CÒN CẢ CÁC KHÍA CẠNH CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG, VÌ NỀN TẢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA ĐẤT NƯỚC CẦN ĐƯỢC CỦNG CỐ HƠN NỮA. ĐÁNG CHÚ Ý, ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2025 SẼ ĐẾN TỪ CÁC LĨNH VỰC NHƯ: ĐẦU TƯ VÀO CƠ SỞ HẠ TẦNG CHẤT LƯỢNG, TIÊU DÙNG TRONG NƯỚC, GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG, KINH TẾ XANH VÀ TUẦN HOÀN....

khdt-4xccccc.jpg

Phóng viên: Năm 2024 đã qua đi, Xuân mới Ất Tỵ đang đến gần. Trước thềm xuân năm mới, nhìn lại sự phát triển của kinh tế Việt Nam năm qua, ông có cảm nghĩ gì, thưa ông?

Ông Shantanu Chakraborty: Dựa trên dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào giữa tháng 12/2024, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 4,9% trong năm 2024, thấp hơn một chút so với dự báo đưa ra trước đó là 5,0%. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn ở mức 4,7% so với mức 4,5% dự báo trước đó.

Trong bối cảnh lạc quan của khu vực Đông Nam Á, bất chấp những thách thức toàn cầu đáng kể, Việt Nam đã đạt được thành công kinh tế đáng ghi nhận trong năm 2024. Nền kinh tế đã bứt tốc tăng trưởng ấn tượng lên mức 6,8% trong 3 quý đầu năm 2024, nhờ sự kết hợp của hoạt động thương mại mạnh mẽ, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục và các biện pháp chính sách điều hành kinh tế phát huy hiệu quả. Cụ thể hơn, Việt Nam đã ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa đáng kể là 24,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện cán cân thanh toán. Trong khi đó, giải ngân FDI đạt mức kỷ lục 22 tỷ USD trong cùng kỳ, thúc đẩy kinh tế phát triển hơn nữa.

ong-shantanu-chakraborty-m.jpg
Việt Nam đã ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa đáng kể là 24,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện cán cân thanh toán

Điều quan trọng là phản ứng kịp thời của Chính phủ đối với những tác động nghiêm trọng của bão Yagi (bão số 3)– thông qua các nỗ lực tái thiết nhanh chóng và hỗ trợ tài chính kịp thời cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề – đã giúp nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các biện pháp kích thích quan trọng, bao gồm hỗ trợ tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ linh hoạt đã giúp duy trì sự cân bằng nhạy bén giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo các điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô. Các yếu tố này làm nổi bật khả năng phục hồi và thích ứng đầy ấn tượng của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2024.

Phóng viên: Trong bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024, ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế được Chính phủ đặt ra cho năm?

Ông Shantanu Chakraborty: Năm 2024 đã ghi nhận vai trò của ngành Ngân hàng là trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Những đóng góp đáng kể của ngành ngân hàng Việt Nam có thể kể đến như hỗ trợ nền kinh tế vượt qua lạm phát và tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo ngành Ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ là kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Các ngân hàng thương mại tiếp tục cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp. Các khoản vay hiện tại cũng đã được tái cấu trúc để hỗ trợ tài chính một cách linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn đang cần vốn để phục hồi. Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 11/2024, tăng trưởng tín dụng được ghi nhận ở mức 12% và ngành Ngân hàng đang trên đà đạt được mức tăng trưởng tín dụng 15% do NHNN đặt ra, đánh dấu một thành tựu quan trọng.

ong-shantanu-chakraborty-llll-yy.jpg
Ngành Ngân hàng tiếp tục có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số

Bên cạnh kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, ngành Ngân hàng còn tiếp tục có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, bắt kịp với xu hướng quan trọng này. Luật Các tổ chức tín dụng 2024, cũng như các văn bản pháp lý được NHNN ban hành đã tăng cường các biện pháp an ninh mạng bằng sinh trắc học. Thị trường tài chính xanh cũng cho thấy đang tăng trưởng tich cực và tìm kiếm các cơ hội để phát triển hơn nữa.

Ngoài các nhiệm vụ cốt lõi, ngành Ngân hàng cũng đã mở rộng các dịch vụ của mình để hỗ trợ các chương trình quan trọng của Chính phủ, như: chương trình phát triển nhà ở xã hội, các chương trình tín dụng cho sản xuất nông nghiệp và cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các chương trình này đều hướng tới thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cũng như cải thiện cuộc sống của người dân bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ tài chính, thu hẹp khoảng cách kinh tế và xã hội. Hơn nữa, hỗ trợ tín dụng giúp các lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

ong-shantanu-chakraborty-5.jpg
Ngoài các nhiệm vụ cốt lõi, ngành Ngân hàng cũng đã mở rộng các dịch vụ của mình để hỗ trợ các chương trình quan trọng của Chính phủ, như: chương trình phát triển nhà ở xã hội, các chương trình tín dụng cho sản xuất nông nghiệp và cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Phóng viên: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% và GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD. Dưới góc nhìn của ADB, ông nhận định như thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu này? Để đạt được mục tiêu này, theo ông, Chính phủ, các bộ, ngành cần làm những gì?

Ông Shantanu Chakraborty: Việt Nam đang phấn đấu đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Khát vọng đầy tham vọng này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7%. Để đóng góp vào mục tiêu năm 2030 của Việt Nam, có thể hiểu rằng mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025 được đặt ở mức cao nhằm bù đắp cho mức tăng trưởng kinh tế thấp trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam cần ưu tiên không chỉ các khía cạnh định lượng của tăng trưởng kinh tế mà còn cả các khía cạnh chất lượng tăng trưởng, vì nền tảng tăng trưởng của đất nước cần được củng cố hơn nữa. Do đó, mục tiêu tăng trưởng như vậy nên được coi là định hướng cho các nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Trong dự báo mới nhất của ADB, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên các yếu tố giả định và các cơ sở dữ liệu sẵn có. Chúng tôi cũng nhận thấy những cơ hội tiềm năng phát sinh từ những nỗ lực đổi mới của Chính phủ đối với các cải cách tiếp theo. Hướng tới năm 2025, sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất và thương mại do xuất khẩu dẫn dắt như đã thấy trong năm 2024 dự kiến sẽ nhường chỗ cho hiệu suất khiêm tốn hơn, tùy thuộc vào những bất ổn từ những yếu tố bên ngoài như đã đề cập. Do đó, cần phải tăng tốc đầu tư công, các chính sách tài khóa và tiền tệ thích ứng để kích thích hơn nữa nhu cầu trong nước với vai trò là động lực tăng trưởng bổ sung. Bất chấp những tác động nghiêm trọng do bão Yagi gây ra ở một số địa phương, phản ứng nhanh chóng của Chính phủ và các nỗ lực phục hồi đã hạn chế được những tác động đến tăng trưởng. Trên cơ sở đó, ADB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, tăng so với mức dự báo 6,2% vào tháng 9/2024.

Phóng viên: Với những dự báo về kinh tế thế giới và trong nước năm 2025, ông nhận định như thế nào về những thách thức kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt? Đâu là những động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Việt Nam năm 2025, thưa ông?

Ông Shantanu Chakraborty: Trước hết, phải kể đến những thách thức do bất ổn toàn cầu. Những chính sách, biện pháp bất lợi cho thương mại toàn cầu dưới thời chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo, liên quan đến thương mại song phương với Hoa Kỳ cũng như tác động chung của các biện pháp bảo hộ do Hoa Kỳ và các đối tác thương mại áp đặt và kích hoạt hiện vẫn còn là một câu hỏi lớn. Những chính sách này cũng có khả năng làm gián đoạn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có thể có lợi nhưng cũng có thể sẽ là thách thức đối với hoạt động thương mại và thu hút đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn còn các rủi ro toàn cầu bao gồm sự điều tiết kinh tế toàn cầu, tác động đang diễn ra của xung đột giữa Nga và Ukraine, tình hình bất ổn ở Trung Đông. Căng thẳng thương mại toàn cầu đang nổi lên có khả năng kéo theo các cuộc chiến tranh tiền tệ với những tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, mặc dù đã và đang được cải thiện, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước cùng loại. Cơ sở hạ tầng tụt hậu có khả năng làm chậm tiến độ phát triển kinh tế và làm tăng chi phí hậu cần, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù Chính phủ đã công bố các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, nhưng sự chậm trễ trong việc triển khai đang hạn chế tác động tiềm tàng của các dự án hạ tầng này đối với tăng trưởng dài hạn. Việc đẩy nhanh đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, bao gồm thu hút đầu tư nước ngoài, cả công và tư, vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa là nhu cầu cấp thiết vừa là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.

ong-shantanu-chakraborty-2.jpg
Việc đẩy nhanh đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, bao gồm thu hút đầu tư nước ngoài, cả công và tư, vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa là nhu cầu cấp thiết vừa là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng

Được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhưng tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu. Vào tháng 11/2024, doanh số bán lẻ trong 11 tháng đầu năm 2024 tăng 5,8% theo giá trị thực. Con số này thấp hơn mức 7,0% trong cùng kỳ năm 2023, cho thấy nhu cầu trong nước chậm chạp. Giải ngân đầu tư công, một động lực tăng trưởng quan trọng khác, chỉ đạt 55% tổng vốn đầu tư theo kế hoạch trong 11 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 95%. Việc thực hiện tài khóa hiệu quả hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu thiết yếu trong nước để cân bằng nhu cầu bên ngoài đang phải đối mặt với nhiều trở ngại.

Mặc dù lĩnh vực tài chính đã chứng kiến sự phát triển đáng kể cùng với nền kinh tế nói chung trong những thập kỷ qua, nhưng vẫn cần phải đẩy mạnh cải cách để làm sâu sắc thêm thị trường tài chính nhằm giải phóng các nguồn lực và hỗ trợ thêm cho tăng trưởng cao hơn. Nền kinh tế phụ thuộc vào các khoản tín dụng ngân hàng kỳ hạn ngắn hơn, trong khi thị trường trái phiếu đang cung cấp các khoản nợ dài hạn để hỗ trợ nhu cầu đầu tư tư nhân. Một thách thức nữa mà Việt Nam phải đối mặt đó là thiếu hụt lao động có tay nghề. Nhu cầu về lao động có tay nghề, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao, vượt quá nguồn cung, điều này có thể cản trở tăng trưởng ở các lĩnh vực mới nổi. Vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn do dấu hiệu sớm của tình trạng già hóa dân số, cũng như những thách thức của quá trình đô thị hóa hiệu quả để đáp ứng nhu cầu lao động di cư.

Cuối cùng là rủi ro về khí hậu và các vấn đề về môi trường. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro và tổn thất nghiêm trọng từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cơn bão Yagi gần đây là một ví dụ. Ngoài ra, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng mang đến những thách thức về môi trường, bao gồm ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có các chiến lược phát triển bền vững. Trong việc giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường, Việt Nam có thể biến chúng thành cơ hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và tuần hoàn.

Phóng viên: Bên thềm Xuân Ất Tỵ, ông và ADB có những kỳ vọng gì đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2025?

Ông Shantanu Chakraborty: Năm 2025 sẽ là một năm đầy hứa hẹn đối với Việt Nam, với sự lãnh đạo năng động và những kế hoạch cải cách thể chế mạnh mẽ. Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới trên nền tảng những thành công của năm 2024. Tuy nhiên, những thách thức sẽ vẫn tồn tại trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. ADB đã dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,6% trong năm 2025. Chúng tôi cũng kỳ vọng triển vọng tích cực này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn, cải thiện hơn nữa sinh kế và thúc đẩy phát triển bền vững cho người dân Việt Nam. Triển vọng tăng trưởng kinh tế vững mạnh hơn cũng sẽ góp phần củng cố vị thế của Việt Nam với vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

ong-shantanu-chakraborty-llllxxxx.jpg
ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ kế hoạch 5 năm 2022–2026 của Chính phủ, tập trung vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam

Với mối quan hệ đối tác tin cậy trong hơn 3 thập kỷ hợp tác và phát triển, ADB luôn cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ kế hoạch 5 năm 2022–2026 của Chính phủ, tập trung vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Nguyễn (thực hiện)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam: Nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO