Vượt qua năm 2023 với mức lỗ hơn 2.317 tỷ đồng, Công ty CP VNG dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu thuần đạt 11.069 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Mới đây, Công ty CP VNG (mã VNZ) vừa công bố đơn từ nhiệm của 2 thành viên Ban kiểm soát. Cụ thể, vào ngày 30/5, HĐQT Công ty CP VNG nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Trưởng Ban kiểm soát của bà Nguyễn Thị Thu Trang và đơn xin từ nhiệm chức danh Thành viên Ban kiểm soát của bà Trương Thị Thanh. Cả 2 xin từ nhiệm đều vì lý do cá nhân.
Việc từ nhiệm của 2 thành viên Ban kiểm soát diễn ra ngay trước thềm VNG tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 21/6 tới.
Như vậy, đơn từ nhiệm của bà Trương Thị Thanh và bà Nguyễn Thị Thu Trang sẽ được trình ĐHĐCĐ thông qua tại đại hội tới. Sau khi 2/3 thành viên nộp đơn từ nhiệm, Ban kiểm soát của VNG hiện chỉ còn bà Nguyễn Vũ Ngọc Hân.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, VNG đặt kế hoạch đạt doanh thu thuần đạt 11.069 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Nếu hoàn thành mục tiêu, đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục của VNG.
Cùng với việc đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh, "kỳ lân" công nghệ này cũng dự kiến lãi sau thuế đạt 150 tỷ đồng và lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 195 tỷ đồng.
Đây được xem là mục tiêu đầy tham vọng của VNG khi năm 2023 vừa qua, công ty lỗ kỷ lục hơn 2.317 tỷ đồng, cao hơn gấp 1,5 lần so với số lỗ sau thuế 1.534 tỷ đồng năm 2022 và cũng cao gấp hơn 4 lần số lỗ trong báo cáo tự lập (lỗ sau thuế 540 tỷ đồng).
Để đạt được mục tiêu trên, ban lãnh đạo VNG xác định, trong năm 2024, công ty sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường.
Ngoài việc tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ thế mạnh của công ty như trò chơi điện tử, quảng cáo, dịch vụ media, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, ví điện tử, VNG sẽ tăng cường đầu tư vào các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo ("AI") và các công nghệ mới khác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến nhiều tiện ích hơn cho khách hàng và đối tác của công ty.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị VNG dự kiến trình cổ đông thông qua việc giữ lại nguồn tiền từ lợi nhuận luỹ kế và không chia cổ tức cho năm 2023.
Bên cạnh đó, VNG cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó, công ty dự định phát hành 641.064 cổ phiếu ESOP với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với thị giá trên sàn của cổ phiếu VNZ (548.500 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên ngày 4/6). Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Thời gian thực hiện từ quý III/2024.
Về kết quả kinh doanh quý I/2024, VNG ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 2.259 tỷ đồng. Đây là quý có doanh thu cao thứ 2 trong lịch sử của VNG, chỉ sau quý III/2023 (gần 2.333 tỷ đồng).
Doanh thu thuần tăng mạnh nhưng giá vốn còn tăng mạnh hơn, từ 1.005 tỷ đồng lên gần 1.375 tỷ đồng (tăng 37%) kéo theo biên lợi nhuận gộp trong quý giảm từ 45,7% xuống 39,2%.
Các khoản chi phí trong kỳ cũng tăng khiến VNG tiếp tục báo lỗ lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỷ đồng trong quý I, giảm đáng kể so với mức lỗ hơn 90 tỷ đồng của quý I/2023. Đây là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của VNG kể từ quý IV/2021, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 2.440 tỷ đồng.
Theo giải trình của VNG, khoản lỗ của công ty chủ yếu là do nhóm công ty tiếp tục đẩy quảng cáo các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản VNG tăng 13,6% so với hồi đầu năm, lên hơn 10.898 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối, vay ngắn hạn công ty tăng gấp rưỡi trong 3 tháng đầu năm, lên 1.330 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn giảm 7% xuống 577 tỷ đồng. Tổng cộng, vay nợ của VNG tăng 38% so với đầu năm.